Ấn Độ không phải mảnh đất "ăn nên làm ra" của Apple.

Một chủ cửa hàng điện thoại tại Ấn Độ cho rằng nếu iPhone chiếm 25/1.000 smartphone được bán ra mỗi tháng, Apple đã được gọi là may mắn. Chi tiêu trung bình của một người mua là 10.000 rupee, trong khi mẫu iPhone rẻ nhất là iPhone SE đã có giá gần gấp đôi. Trong khi đó, với cùng một số tiền, khách hàng có thể mua được Xiaomi Redmi 5A với pin lớn hơn, camera đẹp hơn và dung lượng dồi dào hơn.

Apple vừa chạm mốc công ty 1.000 tỉ USD, song gã khổng lồ nước Mỹ này vẫn còn nhiều điểm yếu và đang gặp rắc rối lớn tại Ấn Độ - thị trường smartphone lớn thứ 2 thế giới, nơi hãng chỉ xếp hạng 11. Apple chiếm 1% doanh số điện thoại và bán chưa được 1 triệu iPhone trong nửa đầu năm 2018, thua xa Xiaomi với hơn 19 triệu máy, theo số liệu của Counterpoint Research. Nếu như 2 năm trước, trong chuyến đi tới Ấn Độ, CEO Apple Tim Cook liên tục nhắc đến việc ông xem quốc gia này là trung tâm trong các kế hoạch của mình thì trong cuộc gọi hội nghị báo cáo kết quả kinh doanh hôm 31/7 vừa qua, gần như ông không nói gì. Dù vậy, ở hậu trường, người đứng đầu “táo khuyết” đang nỗ lực làm mới chiến lược tại đây.

Michel Coulomb, một quan chức lâu năm của Apple, đã chuyển từ Singapore sang giám sát hoạt động tại Ấn Độ từ cuối năm 2017. Tháng 6/2018, sau khi sa thải 3 quản lí kinh doanh hàng đầu, Coulomb giành 3 ngày với các nhân viên cấp cao tại trụ sở tiếp thị và bán hàng ở Gurugam, trung tâm công nghệ phía nam New Delhi. Ông và cộng sự đặt ra chiến lược mới nhằm vực dậy doanh số iPhone, tập trung vào các giao dịch bán lẻ tốt hơn, mở các cửa hàng Apple Store, cải thiện quan hệ với nhà bán lẻ độc lập và nâng cấp ứng dụng, dịch vụ gần gũi hơn với người bản xứ.

Với giá 1.500 USD, bao gồm 20% thuế nhập khẩu, iPhone X khó bán tại quốc gia mà nhiều người còn chưa có nổi một chiếc điện thoại thông minh. Chưa đầy 5% điện thoại bán ra tại Ấn Độ có giá cao hơn 450 USD. Apple buộc phải nhờ đến các model cũ như iPhone 6, 6s, SE. Chiến lược hoạt động tốt từ 2014 đến 2017 nhưng doanh số giảm mạnh năm nay, một phần vì chúng đã hơn 2 tuổi, lỗi thời so với tiêu chuẩn smartphone hiện tại.

Do Apple chưa thể mở cửa hàng bán lẻ, giá iPhone lên xuống bất thường theo ngày mà không có lí do gì từ nhà bán lẻ và bán buôn, khiến người mua hàng cũng thấp thỏm chờ đợi để xem mua khi nào lợi hơn.

Theo nguồn tin của Bloomberg, thay vì chính thức giảm giá, Apple đang thảo luận với người bán và ngân hàng để đưa ra khuyến mãi mùa mua sắm trong cả năm. Công ty còn đề nghị một số nhà bán lẻ tăng gấp 4 mục tiêu doanh số lên 40 hoặc 50 iPhone mỗi tuần, cũng như cắt giảm các cửa hàng không đạt chỉ tiêu. Nhân viên sẽ được đào tạo để hướng dẫn khách hàng cách sử dụng thiết bị. Apple cũng lên kế hoạch thay đổi cách bài trí sản phẩm trong cửa hàng. Các quan chức tăng cường gọi điện hàng ngày để đẩy nhanh quá trình.

Tất nhiên, không một kế hoạch nào có thể tạo ra nhiều khác biệt nếu Apple không hiểu được khách hàng của mình. Những năm qua, người dùng Ấn Độ phàn nàn rằng Siri không thể xử lí các yêu cầu bằng ngôn ngữ địa phương, họ cũng không được dùng Apple Pay, còn Apple Maps không cung cấp chỉ đường chi tiết. Dù đã có kế hoạch “đại tu” Apple Maps đến năm 2020 nhưng trong thời điểm hiện tại, Google vẫn thống trị thị trường bản đồ trong khi Facebook kiểm soát phần lớn cộng đồng lập trình viên. Trợ lí giọng nói của Google và Amazon đi trước Siri trong việc hiểu ngôn ngữ và giọng nói.

Vijay Shekhar Sharma, CEO công ty thanh toán Paytm, cho biết ông không nghĩ đến việc tích hợp dịch vụ với iPhone vì người dùng iOS chỉ chiếm một phần rất nhỏ. Cũng giống như BlackBerry, ưu điểm lớn nhất của iPhone ở đây là bảo mật tương đối cao. Nói cách khác, trừ khi bạn thực sự yêu thích Apple, còn không, “không có nhiều lí do để mua chiếc điện thoại đắt tiền này”.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)