Mặc dù không phải là vấn đề mới nhưng dường như việc dùng chung hạ tầng viễn thông đã thực sự trở nên bức thiết hơn bao giờ hết đối với quá trình phát triển hạ tầng viễn thông của Việt Nam trong giai đoạn này.

Bức xúc nhất là hạ tầng thông tin di động

Cho tới thời điểm này, thị trường thông tin di động Việt Nam đã có tới 7 nhà cung cấp dịch vụ và cùng với đó là 7 hệ thống hạ tầng mạng được đầu tư xây dựng các trạm BTS, tổng đài truyền dẫn đến trạm... Để chất lượng dịch vụ cung cấp được đảm bảo, hầu như các nhà cung cấp dịch vụ phải đặt mục tiêu mở rộng vùng phủ sóng lên hàng đầu với những con số hàng trăm, hàng nghìn trạm được lắp đặt mới trong một thời gian ngắn.

Tuy nhiên, bên cạnh thực tế chất lượng dịch vụ đã được cải thiện đáng kể, việc phát triển mạng lưới như thế này cũng đã dẫn tới ở nhiều địa điểm, cột BTS của các mạng di động mọc lên chi chít. Theo phân tích của nhiều chuyên gia viễn thông, tình trạng này phần nào đã tạo ra sự mất mỹ quan của đô thị Việt Nam. Thời gian qua, việc lắp đặt các trạm BTS của các doanh nghiệp còn gặp phải vướng mắc từ phía người dân vì lo ngại tới sức khoẻ của cộng đồng. Thêm vào đó, mỗi mạng còn mất một khoản đầu không hề nhỏ. Vậy tại sao các mạng di động lại không nghĩ tới chuyện chia sẻ chung hạ tầng để đỡ tốn kém?

Thứ trưởng thường trực Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng đã thừa nhận: Đúng là hiện nay, việc xây dựng các trạm BTS của các doanh nghiệp viễn thông đang gây nhiều bức xúc cho xã hội về gây mất mỹ quan đô thị và lãng phí nguồn vốn đầu tư.

Tuy nhiên, theo quy định hiện hành, Nhà nước chỉ có thể khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng chung dựa trên nguyên tắc tự thoả thuận theo cơ chế thị trường bởi đây là quyền lợi của tất cả các bên tham gia. Việc bắt buộc sử dụng chung chỉ xảy ra đối với các cơ sở hạ tầng thiết yếu hoặc trong một số trường hợp khẩn cấp và có quy định riêng. Ví dụ như với cơ sở hạ tầng truyền dẫn không thể xây dựng trùng lặp được thì nhà nước phải yêu cầu khi doanh nghiệp có điều kiện xây dựng cơ sở hạ tầng này bắt buộc phải xây dựng đủ để các doanh nghiệp khác cùng sử dụng.

Cấp phép 3G, ưu tiên các mạng dùng chung hạ tầng!

Dù không thể bắt buộc, song chủ trương dùng chung hạ tầng cũng đã được lãnh đao Bộ hiện thực hoá trong việc cấp phép 3G sắp tới. Thứ trưởng Lê Nam Thắng cho biết, một trong các tiêu chí quan trọng được đưa vào để xem xét cấp giấy phép là khả năng tận dụng lại hạ tầng hiện có của các doanh nghiệp (trong đó có trạm BTS).

Thời gian tới, đối với việc sử dụng chung BTS, để các doanh nghiệp xây dựng sau có thể cùng sử dụng chung phần trụ đã xây dựng trước phụ thuộc vào nhiều yếu tố mà trước hết là khả năng tương thích về kỹ thuật như trụ xây dựng trước có còn đủ không gian, đủ vững chãi để lắp đặt thêm thiết bị của doanh nghiệp khác hay không?... Bộ Thông tin và Truyền thông đang nghiên cứu và sẽ sớm ban hành quy định chi tiết thêm về sử dụng chung cơ sở hạ tầng.

Không chỉ 3G, với công nghệ Mạng thế hệ mới (Next Generation Network - NGN) theo tiêu chuẩn của Liên minh Viễn thông Thế giới (ITU) đang được Nhà nước chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam chuyển dần từ mạng hiện có sang sử dụng công nghệ NGN cũng sẽ khuyến khích các doanh nghiệp cùng liên kết dùng chung hạ tầng. 

Với đặc điểm cho phép các doanh nghiệp triển khai, cung cấp các dịch vụ viễn thông một cách nhanh chóng, hội tụ giữa thoại và dữ liệu, quản lý dịch vụ tập trung,công nghệ NGN là một lựa chọn tất yếu và việc kết nối mạng, dùng chung cơ sở hạ tầng giữa các doanh nghiệp với nhau là hoàn toàn tương thích và Bộ rất khuyến khích điều đó.

Theo VnMedia



Bình luận

  • TTCN (0)