Chương trình khuyến mãi trong tháng 10/2008 của Viettel. Ảnh: Hoàng Hà.

Tốc độ phát triển thuê bao không tỷ lệ thuận với gia tăng doanh số. Cuộc đua giảm cước, khuyến mãi của các nhà khai thác dịch vụ viễn thông đã kéo doanh thu trung bình trên một thuê bao sụt giảm nghiêm trọng.

Đến hết tháng 10, cả nước có khoảng 80 triệu thuê bao di động, tăng gần 80 lần so với thời điểm cách đây 14 năm. Năm 1994, khi chỉ có duy nhất nhà khai thác MobiFone, số thuê bao di động của VN chưa đầy một triệu thuê bao.

Cùng với sự góp mặt của 7 nhà khai thác dịch vụ, thị trường di động tiếp tục bước vào giai đoạn cạnh tranh quyết liệt. Để thu hút khách hàng, các doanh nghiệp thi nhau tung các chiêu thức khuyến mãi, giảm giá tặng tiền vào tài khoản, thậm chí là mua sim kèm theo dế. Theo thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông, tần suất khuyến mãi của các doanh nghiệp kéo dài triền miên từ ngày này qua ngày khác và đạt đến độ 360 ngày trong một năm.

Với các gói cước giá rẻ kèm theo các chương trình hậu mãi mà các doanh nghiệp tung ra, thị trường viễn thông đang lên cơn sốt bởi hiện tượng tăng ồ ạt của các thuê bao. Nếu như trước đây, điện thoại di động được coi là vật xa xỉ của những người nhiều tiền thì nay nó đã trở lên bình dân và không ít người đang sở hữu trong tay ít nhất 2 số sim khác nhau.

Thế nhưng, tốc độ phát triển thuê bao nhanh lại không tỷ lệ thuận với doanh thu. Các doanh nghiệp chạy đua khuyến mãi khiến giá cước giảm xuống mức bình dân, kéo theo doanh thu trên đầu một thuê bao (ARPU) cũng giảm tới mức báo động. Chỉ số này được sử dụng để đánh giá tính hiệu quả của các nhà khai thác di động - mạng nào có chỉ số ARPU cao thì lợi nhuận thu được từ một thuê bao càng lớn.

Vào thời điểm năm 2005, ARPU trung bình của các nhà khai thác mạng trong nước đạt khoảng 16 USD cho mỗi thuê bao một tháng. Thế nhưng, tại thời điểm hiện tại, ARPU trung bình của các nhà khai thác chỉ đạt khoảng 7,5 USD cho mỗi thuê bao một tháng. Thậm chí, có thời điểm các nhà khai thác giảm giá mạnh bằng các chiêu nhân đôi tài khoản, tặng sim, chỉ số này chỉ còn chưa đầy 5 USD.

Trao đổi với VnExpress.net ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Công ty Thông tin di động VMS - MobiFone thừa nhận cạnh tranh đã kéo giá cước di động giảm khá mạnh. Giá cước rẻ sẽ thu hút được nhiều thuê bao song không thể phủ nhận được rằng doanh thu trên đầu thuê bao ngày càng giảm.

“ARPU giảm do tính phổ cập của thị trường. Trước đây, đối tượng mà MobiFone nhắm tới là khách hàng cao cấp thì nay số lượng khách hàng thu nhập thấp sử dụng dịch vụ tăng”, ông Minh nói.

Hiện tại, ARPU của MobiFone chỉ đạt khoảng 7 USD cho mỗi thuê bao một tháng, bao gồm cả tiền khuyến mãi cho các thuê bao dưới các hình thức như tặng tiền vào tài khoản, miễn phí một số phút gọi... Như vậy so với năm ngoái, chỉ số ARPU giảm khoảng 5 USD cho mỗi đầu thuê bao và giảm 8 USD so với thời điểm cách đây 3 năm. Nguyên nhân là số thuê bao phát triển mới chủ yếu tập trung ở phân khúc người tiêu dùng có thu nhập thấp, trong khi đó để thu hút thuê bao, MobiFone phải tăng tần suất khuyến mãi, nâng giá trị giải thưởng lên cao. MobiFone đang có các gói cước đánh vào đối tượng người tiêu dùng có thu nhập thấp như sinh viên với gói MobiQ, người dân ở các vùng nông thôn thì có gói cước Mobi365.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với các mạng di động khác như VinaPhone, S-Fone, Viettel khi các doanh nghiệp này liên tiếp tung ra các gói cước bình dân Tomato, Ciao hay Vina365 ngày - cho phép khách hàng chỉ cần một đồng trong tài khoản là có thể duy trì cuộc gọi tới hết đời. Kết quả là, cách đây một năm, ARPU bình quân của Viettel vào khoảng 15 USD thì nay giảm còn khoảng 10 USD và nếu trừ đi chi phí khuyến mãi thì con số này giảm xuống còn khoảng 6 USD. VinaPhone cũng chỉ giữ mức tương đương như MobiFone.

Trong năm 2007, doanh thu trên toàn mạng di động của Viettel đạt 12.000 tỷ đồng, trong đó lợi nhuận chiếm trên 22%, gần 3.000 tỷ. Số còn lại là các khoản chi phí đầu tư, mua sắm thiết bị, chi phí quảng cáo, khuyến mãi... Trong đó, chi phí khuyến mãi chiếm khoảng 30-40% vào khoảng 3.000-3.600 tỷ. Chi phí khuyến mãi của các mạng di động khác như VinaPhone, MobiFone cũng chiếm con số tương đương.

Theo tiết lộ của một số chuyên gia trong ngành, có thời điểm các mạng di động "chịu chơi" tới mức tung 1.000 đồng khuyến mãi mới thu về được khoảng 500 đồng. Điều này có thể nhìn thấy trong các chương trình tặng tiền vào tài khoản mà các mạng di động áp dụng trong suốt thời gian qua. Hiện số thuê bao của mạng di động Viettel đã lên tới con số gần 20 triệu thuê bao, MobiFone cũng công bố có khoảng 15 triệu khách hàng. Như vậy, chỉ cần tặng cho mỗi thuê bao khoảng 10.000 đồng vào tài khoản thì số tiền mà Viettel phải bỏ ra khoảng 200 tỷ đồng. Trên thực tế, số tiền tặng hiếm khi dừng ở con số 10.000 đồng mà nó thường có mệnh giá 20.000, 30.000 thậm chí lên tới hàng trăm nghìn.

Với các chương trình khuyến mãi kiểu tặng tiền trực tiếp vào tài khoản, hòa mạng thẻ sim có ngay vài trăm nghìn đồng hay nhân đôi tài khoản, doanh thu của các doanh nghiệp di động bị giảm sút nghiêm trọng, thậm chí là lỗ nặng. Có thời điểm chỉ số ARPU của nhiều thuê bao tại một số thời điểm khuyến mãi gần như âm, thuê bao gọi hết tiền tặng trong tài khoản rồi vứt thẻ sim...

Theo giới chuyên môn, nếu các doanh nghiệp không tìm cách nâng chỉ số này, các nhà khai thác sẽ đứng trước nguy cơ giảm doanh thu nghiêm trọng khi thị trường bước vào giai đoạn bão hòa. Lợi nhuận sẽ không còn cao khi giá cước dần về mức dưới giá thành.

Viettel cho rằng tăng ARPU là tham vọng của tất cả các nhà khai thác để đảm bảo lợi ích của doanh nghiệp. Tuy nhiên mục tiêu trước mắt của hầu hết các doanh nghiệp là thu hút khách hàng song song với việc nâng cao chất lượng dịch vụ. Để tăng thị phần, nhà khai thác di động không còn cách nào khác là phải giảm giá thành và áp dụng các chương trình khuyến mãi. Chiến lược của Viettel tại thời điểm này vẫn là "lấy ngắn nuôi dài" lấy số đông để tăng doanh thu. Chính vì vậy mà doanh thu trên một đầu thuê bao đã giảm đáng kể trong 2 năm trở lại đây song Viettel vẫn đảm bảo kinh doanh có lãi.

Năm nay, MobiFone đặt mục tiêu doanh thu 17.000 tỷ đồng, tăng 3.000 tỷ so với năm ngoái. Viettel đề ra con số 23.000 tỷ đồng so với doanh thu 12.000 tỷ đồng năm ngoái. Thế nhưng lợi nhuận thực tế sau thuế và trừ đi các khoản khuyến mãi, chi phí thiết bị nhân công... thì chờ con số công bố của cơ quan thuế vào tháng cuối năm.

Trên thực tế, doanh thu của một thuê bao gồm rất nhiều các dịch vụ gồm thoại, tin nhắn, dịch vụ giá trị gia tăng như tải nhạc, video, trò chơi, xem tin tức, truy cập Internet… Doanh thu từ dịch vụ thoại và tin nhắn hầu như không tăng do cước liên tục giảm. Các doanh nghiệp chỉ còn kỳ vọng ở các dịch vụ giá trị gia tăng còn lại, nên đích chính của các ông lớn viễn thông vẫn là giấy phép 3G. Công nghệ 3G được coi là công nghệ hữu hiệu nhất để các doanh nghiệp phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng.

Tuy nhiên, thị trường di động VN có tới 7 doanh nghiệp trong khi chỉ có 4 giấy phép 3G. Tấm vé vào cửa thế giới 3G sẽ được trao cho doanh nghiệp nào vẫn còn chờ vào đợt thi tuyển của Bộ Thông tin và Truyền thông dự kiến diễn ra vào cuối tháng 12.

(Theo Vnexpress)



Bình luận

  • TTCN (0)