Ảnh: Infotech.

Bạn có biết rằng mình có thể mua một phần mềm theo dõi bàn phím chỉ với 23 USD? Nắm cả một mạng botnet trong tay với vẻn vẹn 225 USD và chỉ tốn 10 USD để thuê ai đó chủ trì kế hoạch lừa đảo phishing làm lợi cho mình.

Các công cụ khai thác lỗ hổng bên trong website ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng có giá cao hơn một chút: trung bình 740 USD, thậm chí có thể lên tới 3000 USD.

Đó là những phát hiện mà bản báo cáo về nền kinh tế ngầm trên mạng Internet của hãng bảo mật Symantec vừa tiết lộ.

Các chuyên gia của Symantec đã dành trọn một năm để theo dõi các cuộc trao đổi, trò chuyện trong giới tội phạm mạng, thông qua các kênh IRC và các diễn đàn "đặc thù".

Các mã tấn công, các thông tin tối mật của doanh nghiệp đang được rao bán nhan nhản và công khai trong thế giới này, với mức giá từ rất rẻ cho tới rất đắt.

Lấy thí dụ, thông tin về thẻ tín dụng chiếm hơn 30% tổng số "hàng hóa và dịch vụ" giao dịch. Đây cũng là lĩnh vực có nhu cầu cao nhất.

Trong khi đó, thông tin về tài khoản ngân hàng là "mặt hàng" được quảng cáo, rao bán nhiều nhất trên các máy chủ đen.

Tùy theo địa điểm đặt và số dư trong tài khoản mà thông tin này được bán với giá từ 10 USD cho đến 1000 USD.

Theo nhận định của Symantec, đây quả là một ngành kinh doanh vô cùng béo bở.

Bộn tiền

Nếu như bên bán có thể tiêu thụ được tất cả những gì chúng rao bán, số tiền thu về có thể lên tới hơn 275 triệu USD. Mà đấy chỉ là số tiền bọn chúng bỏ túi từ hoạt động giao dịch thôi đấy.

Nếu như bên mua vét sạch tiền trong tài khoản nạn nhân, mức tổn thất cuối cùng có thể lên tới 7 tỷ USD, Symantec ước tính.

Bản báo cáo của Symantec cũng nghiên cứu khá sâu về các xu hướng mới trong vấn nạn sao chép phần mềm lậu.

Theo đó, loại phần mềm bị sao chép nhiều nhất chính là game desktop, kế đến là các ứng dụng tiện ích và phần mềm multimedia, kiểu như biên tập ảnh, hình họa 3D và biên tập HTML.

Các dữ liệu về địa lý cũng khá thú vị. Đa số người upload phần mềm lậu để bán lại xuất phát từ... Mỹ.

Mỹ cũng chính là mái nhà của nhiều máy chủ đen nhất (41%), kế đến là Rumani (13%). Bắc Mỹ là khu vực hiện diện nhiều máy chủ ngầm đang hoạt động nhất.

Trong khi ấy, bọn tội phạm mạng ở Nga và Đông Âu lại tỏ ra có tổ chức hơn đồng bọn của chúng ở Bắc Mỹ. Thường thì "dân Mỹ quen nhau qua các kênh IRC và diễn đàn nhiều hơn", Symantec cho hay.

Theo VietNamNet/CNET



Bình luận

  • TTCN (0)