"Một thông tư như vậy mà muốn đi vào cuộc sống thì có lẽ lại phải có... văn bản hướng dẫn! Biết đâu văn bản hướng dẫn đó mà chưa rõ thì lại phải... tiếp tục hướng dẫn nữa", Ông Lê Mạnh Hà - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM

Ông Lê Mạnh Hà - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho rằng Thông tư 07 đã được ban hành thì cũng phải thực hiện. Tuy nhiên, thông tư còn nhiều điểm chưa rõ nên sẽ rất khó khăn cho người dân trong việc chấp hành, khó cho cơ quan quản lý trong thực thi.

Phải chỉ ra thông tin xấu thì mới cấm được

Theo ông, sẽ rất khó cho những người viết blog (blogger) trong việc xác định trang thông tin nào vi phạm quy định để không đặt đường liên kết. Do đó, nếu muốn cấm thì cơ quan quản lý (cụ thể là Bộ Thông tin và Truyền thông) phải xác định được và cung cấp danh sách những trang thông tin cấm này cho tất cả blogger biết. Nếu không thì làm sao các blogger biết đó là thông tin cấm mà tránh! Hơn nữa, ngay khi xác định thông tin đó thuộc dạng cấm thì cơ quan quản lý đã phải thực hiện các biện pháp loại bỏ thông tin và xử lý người đăng thông tin vi phạm pháp luật, lúc đó các blogger có đặt liên kết cũng chẳng được gì.

Về việc blogger có phải “chọn bạn mà chơi” hay không, ông Hà cho rằng đây cũng chỉ là lời khuyên chứ không phải quy định của pháp luật. Chơi với bạn xấu để giúp họ tiến bộ cũng là một hành động đẹp, một ứng xử của xã hội văn minh và nên khuyến khích. Nếu người ta xấu đến mức phải cách ly khỏi xã hội thì cần xử lý theo quy định của pháp luật. Chứ còn để cho blogger vẫn được hoạt động thoải mái mà lại bảo là “kẻ xấu”, “cấm chơi” thì chưa được thuyết phục!

Chưa rõ ràng

Theo giải thích của Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử thì đưa thông tin dưới dạng báo chí lên blog như một trang thông tin điện tử tổng hợp thì phải xin phép.

Về vấn đề này, ông Lê Mạnh Hà cho rằng trang thông tin điện tử tổng hợp được hiểu là một trang thông tin mà trên đó trích dẫn lại thông tin chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội lấy từ các cơ quan báo chí hoặc từ các trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng và nhà nước. Trường hợp cá nhân tự viết ra, tự đưa lên blog của mình thì dù đó cũng là thông tin kinh tế, xã hội nhưng vẫn không bị xem là trang thông tin điện tử tổng hợp, bởi vì tôi đăng bài do tôi viết ra chứ tôi có đăng lại bài vở của cơ quan báo chí nào đâu!

Thậm chí, thông tư không cấm việc lập trang thông tin tổng hợp và hiện nay việc xin phép lập trang này cũng thuận lợi. Do đó, nếu cơ quan quản lý cho rằng blogger phải xin giấy phép như trang thông tin tổng hợp thì cơ quan quản lý đó phải đưa ra quy trình xin phép, điều kiện cấp phép để blogger nào muốn “tổng hợp” thì có thể xin phép. Nếu cơ quan quản lý không cấp phép thì cũng phải nói rõ lý do tại sao không cấp.

Thông tư quy định chủ thể trang thông tin điện tử phải bảo vệ mật khẩu, khóa mật mã và thông tin cá nhân. Thế nhưng thực tế có những blog do một nhóm người lập nên, ví dụ cả lớp làm chung một blog để trao đổi thông tin, một cơ quan làm chung một blog để tuyên truyền... Đến khi có sơ sẩy thì quy trách nhiệm cho ai?!

Người tạo liên kết mới phải chịu trách nhiệm

Blogger GH (Hà Nội) cho rằng cơ quan quản lý không thể buộc blogger chịu trách nhiệm về những gì người khác comment trong blog của mình. Có những người vài tháng liền không vào blog, làm sao biết trong blog của mình xuất hiện những comment có nội dung vi phạm?! Bắt blogger chịu trách nhiệm về những việc ngoài tầm kiểm soát của họ là một điều rất vô lý.

Thậm chí, một blogger giấu tên cũng cho biết anh có gần 300 bạn trong danh sách nhưng anh không thể lúc nào cũng theo dõi xem bạn bè của mình có đưa thông tin “xấu” hay không. Nếu bắt “chọn bạn mà chơi” thì rất khó để biết bạn nào “tốt”, bạn nào “xấu”.

Một blogger khác dẫn chứng trường hợp một blogger viết bài có ý chê bai về Hà Nội, lập tức bị các blogger khác comment phản ứng dữ dội với hàng trăm, hàng ngàn comment. Cô cho rằng bản thân mình bị công kích, mình muốn xóa comment còn xóa không kịp nói gì đến những comment chỉ đưa đường dẫn, mình đâu có rảnh đi kiểm tra đường dẫn đó xem dẫn đến thông tin gì, rồi lại phải cân nhắc xem thông tin đó có “xấu” hay không, có phải xóa hay không. Đặc biệt, thời gian gần đây có loại phần mềm comment tự động, mỗi ngày “tống” vài comment vô blog, chủ blog muốn điên đầu mà còn xóa không xong, bây giờ lại còn bắt chịu trách nhiệm thì rất vô lý!

Theo blogger này, người nào có hành vi đặt đường liên kết thì người đó chịu trách nhiệm. Cụ thể, blogger khác nhảy vô blog mình comment để đặt liên kết đến thông tin xấu thì blogger đó chịu trách nhiệm chứ không thể bắt mình chịu trách nhiệm được! Blogger này cho rằng quy định của Bộ không thực tế, không hiểu hết thế giới blog!

Ông Lê Mạnh Hà cho rằng với một thông tư như vậy mà muốn đi vào cuộc sống thì có lẽ lại phải có... văn bản hướng dẫn! Biết đâu văn bản hướng dẫn đó mà chưa rõ thì lại phải... tiếp tục hướng dẫn nữa. Khi cơ quan quản lý đưa ra quy định mà không khả thi thì sẽ ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của mình.

Blogger sẽ bị liên lụy nếu để kẻ xấu “vào nhà”

* Ông Lưu Vũ Hải (Cục trưởng Cục Quản lý phát thanh, truyền hình và Internet, thành viên ban soạn thảo Thông tư 07):

Chủ thể blog phải có biện pháp ngăn chặn những thông tin xấu hoặc hạn chế liên hệ với những trang xấu. Anh hoàn toàn có thể chọn bạn tốt mà chơi. Việc anh mở toang cửa nhà mình thì phải chịu trách nhiệm nếu để người xấu vào nhà mình vi phạm pháp luật. Anh không buộc phải chịu trách nhiệm về hành vi vi phạm pháp luật của người khác nhưng anh hoàn toàn có thể lựa chọn tránh “quan hệ, tiếp xúc” với những người này.

Tất nhiên, việc xem xét mức độ vi phạm cũng như sự cố tình hay vô ý của chủ thể blog cũng sẽ quyết định khi đưa ra xử lý trường hợp cụ thể. Ở đây tập trung vào việc khuyến khích đi đúng đường và mỗi cá nhân phải biết mình nên làm gì, tránh điều gì.

Về nguyên tắc, văn bản pháp luật ban hành sau không thể hồi tố với hành vi và thông tin đã có trước đó. Tuy nhiên, nếu biết thông tin đã đưa trước đó là sai thì blogger nên chỉnh sửa và xóa những thông tin vi phạm. Giống như việc thu hồi những gì phạm luật. Blog là một loại “xuất bản” đặc biệt, hàng ngày vẫn cập nhật và mọi người vẫn có thể tiếp nhận thông tin như nó vừa mới ra đời.

* Ông Nguyễn Tử Quảng (Giám đốc Trung tâm An ninh mạng Đại học Bách khoa Hà Nội):

Việc để một blogger “xấu” nhảy vào nhà mình comment thì chủ thể blog phải chịu trách nhiệm vì quy định đã giúp blogger tự biết nên chọn ai là bạn. Nếu biết những blog đen thuộc trường hợp “cấm kết bạn” thì chủ thể blog buộc phải lựa chọn “close comment” (từ chối chia sẻ, phản hồi - PV). Đó cũng là cách lựa chọn của chủ thể blog để tránh phiền toái.

Ở Việt Nam, việc quy định như vậy là cần vì không thể để người khác đưa một câu khẩu hiệu vi phạm pháp luật trước cửa nhà mình mà không bị liên lụy”. 

(Theo Tuoitre Online)



Bình luận

  • TTCN (0)