Một trong lĩnh vực phần mềm, một đầu tư vào các dịch vụ trực tuyến, hai gã khổng lồ Microsoft và Goolge dường như đang trở thành tâm điểm của thế giới mạng. Với những bước cải tiến, cùng nhiều sản phẩm, dịch vụ trực tuyến mới ra mắt gần đây, nhiều người đang lo lắng tới sự thống trị của Microsoft và Google trên web.

Từ khi ra đời đến nay, Mozilla - tổ chức sáng lập và phát triển trình duyệt tên tuổi mã nguồn mở Firefox - nhận được tài trợ chủ yếu từ quảng cáo của Google (con số chính xác vào khoảng 91 %), cùng với cam kết giúp Google đứng đầu danh sách các bộ máy tìm kiếm trên thanh công cụ của trình duyệt "cáo lửa". Tuy nhiên, từ khi Google ra mắt Chrome, nhiều nhà phân tích đã cho rằng, rất có thể túi tiền của gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm có thể cho phép hãng tạo ra ảnh hưởng lớn tới thị trường trình duyệt web.

Tuần trước, CEO của Mozilla là John Lilly thừa nhận, mối quan hệ với Goolge sẽ trở nên "phức tạp hơn trước đây". CEO của Sun Microsystem là Jonathan Schwartz còn cụ thể hơn với nhận định: thị trường hiện đang bị một vài “ông lớn” như Microsoft và Google cầm trịch - trình duyệt web sẽ trở thành “địa hạt tranh chấp” cho các nhà phát triển ứng dụng.

Các công nghệ sử dụng để phát triển web - trong đó có HTML, JavaScript, và Cascading Style Sheets (CSS) - đều tuân theo chuẩn mở, không thuộc sở hữu của ai. Nhưng các tính năng thử nghiệm lại thường xuất hiện ở những lần giới thiệu trình duyệt mới, sau đó mới được “đóng gói” thành các chuẩn chính thức. Chẳng hạn, công nghệ Gear của Google, được tích hợp trong Chrome lại vốn là một plug-in dành cho Firefox và IE. Gear được trông đợi rộng rãi là sẽ có tầm ảnh hưởng tới chuẩn HTML 5 sắp tới.

Tuy vậy, sự thực chỉ Microsoft là có thể cạnh tranh với thị phần trình duyệt cùng Google. Chẳng hạn, Opera là một trình duyệt hoàn hảo có thể thay thế và thường được ngợi khen bởi tuân theo chuẩn web, nhưng thị trường của Opera là không thể so sánh với Firefox và IE. Đi theo con đường hẹp, mỗi tính năng mới được hãng phần mềm Na uy giới thiệu thường khó tạo được dấu ấn và vì vậy, giảm đi khả năng ảnh hưởng tới cộng đồng.

Ý kiến của CEO của Sun là có lí khi lo lắng các công ty lớn sẽ chiếm thế áp đảo trong việc đưa ứng dụng công nghệ ra phạm vi sử dụng rộng rãi.

Một vài năm trước, Sun cũng đã rơi vào cuộc chiến pháp lí với Microsoft liên quan đến phần bổ sung phi chuẩn của gã khổng lồ xứ Redmond với ngôn ngữ lập trình Java của Sun. Theo CEO của Sun, các nhà phát triển nên tránh “đụng độ” ở cuộc đua trình duyệt khi sử dụng các công nghệ giống nhau mà nên xây dựng các ứng dụng dựa vào công nghệ JavaFX mới của hãng. Tuy nhiên, nếu dựa vào JavaFX thì trình duyệt sẽ mất đi tính chất mở như hiện nay.

Ngoài ra, tầm ảnh hưởng tới thị trường trình duyệt của Google còn kéo theo một nỗi lo lắng khác cho người dùng, đó là gã khổng lồ trong lĩnh vực tìm kiếm sẽ càng có nhiều dữ liệu người dùng hơn, khi bị nghi là sử dụng chúng vào mục đích tham khảo cho các chương trình quảng cáo.

Liệu Microsoft và Goolge có thể thống trị thị trường trình duyệt, đồng nghĩa thế giới web sẽ trở thành một nền tảng độc quyền khác, hay mã nguồn mở và chuẩn mở đảm bảo web sẽ miễn phí. Câu trả lời sẽ dành cho thời gian!

Văn Vượng (theo PCworld)



Bình luận

  • TTCN (0)