Mac nổi tiếng vì ít bị lỗi hệ thống. Tuy nhiên, với người dùng mới tiếp cận nền tảng này, ngay cả những lỗi thông thường nhất cũng sẽ trở nên phức tạp, một khi đã quá quen với Windows. 10 lỗi thông thường nhất khi sử dụng Mac OS X và những biện pháp khắc phục nhanh chóng sau đây có thể sẽ hữu ích với nhiều người.

1. Tắt một ứng dụng khi có triệu chứng treo

Nếu một ứng dụng bị treo, bạn buộc phải ép hệ thống để tắt. Bạn có thể làm việc này bằng cách nhấp tổ hợp Cmd + Alt + Esc để gọi cửa sổ Force Quit, hoặc chọn Force Quit từ menu Apple. Sau khi tắt chương trình, hãy thử chạy lại. Nếu chương trình vẫn chưa hoạt động, có thể là do không tương thích với phiên bản OS X của bạn.

Rất may là ngày nay, việc ép thoát chương trình trên Mac không ảnh hưởng gì tới tính ổn định của hệ thống và bạn cũng không cần phải khởi động lại máy.

2. Chữa lỗi cập nhật phần mềm

Nếu bạn chạy ứng dụng Software Update trên máy, khi xuất hiện lỗi, bạn cần phải chỉnh sửa lại hệ thống quyền. OS X phân quyền để xác định người dùng nào được cấp phép truy cập những tập tin nhất định. Có thể máy của bạn đã xác định nhầm và cho rằng bạn không có quyền chạy và cài đặt phần mềm.

Hãy vào Applications > Utilities và mở Disk Utility. Sau đó chọn ổ đĩa boot, thường là Macintosh HD, và nhấp lựa chọn Repair Disk Permissions. Sau khi quá trình này hoàn tất, thử cập nhật lại phần mềm. Mọi việc sẽ trở lại bình thường chỉ với một vài thao tác sửa chữa đơn giản.

3. Mở tập tin bằng chương trình nhất định

Nếu một tập tin hoặc tài liệu bị từ chối khi mở, nhưng bạn biết đích xác ứng dụng nào sẽ làm việc với chúng, hãy giữ Cmd + Alt trong khi kéo tập tin vào biểu tượng của ứng dụng thích hợp (trên Dock hoặc Finder). Thao tác này sẽ yêu cầu hệ thống chọn ứng dụng phù hợp để mở tập tin, đồng thời cũng ép bất kì ứng dụng nào có thể để gắng mở tập tin, mặc dù tỉ lệ thành công sẽ thay đổi.

Ngoài ra, có một cách khác là chọn tập tin “có vấn đề” và bấm Cmd + I để mở cửa sổ Get Info. Sau đó chọn Open With, và từ menu đổ xuống, chọn một ứng dụng phù hợp để mở tập tin. Nếu muốn sự thay đổi này áp dụng với tất cả các tập tin tương tự về sau, chọn nút Change All.

4. Tạo thêm không gian và bổ sung RAM để tăng tốc hệ thống

Nếu máy Mac của bạn chạy chậm chạp và những tác vụ đơn giản chiếm nhiều thời gian hơn bình thường, hãy kiểm tra lại ổ đĩa boot có bị đầy dữ liệu hay không. Hãy chọn ổ đĩa, rồi bấm tổ hợp Cmd + I để truy cập Get Info. Quan sát dung lượng còn lại. Nếu dưới 20%, bạn cần gỡ một số nội dung không cần thiết để giải phóng không gian (có thể ghi ra DVD hoặc bổ sung đĩa cứng).

Bổ sung thêm RAM cũng là biện pháp hữu hiệu để cải thiện khả năng thực thi của hệ thống.

5. Gỡ đĩa bị kẹt trong Mac

Nếu ổ đĩa CD hoặc DVD từ chối nhả đĩa và đĩa này không bị sử dụng bởi bất kì chương trình nào, hãy thử khởi động lại hệ thống trong khi nhấp chuột trái. Thao tác này sẽ ép hệ thống thực hiện lệnh mở tất cả các thiết bị quang và nhả đĩa đang gặp trục trặc của bạn. Bạn còn có thể mở Terminal và gõ drutil tray open, nhấp Enter.

Nếu các thiết bị khác như ổ USB, ổ cứng FireWire, thẻ nhớ hoặc iPod bị hệ thống từ chối nhả, biện pháp an toàn nhất để giải quyết là tắt máy, gỡ thiết bị và khởi động lại. Thông thường, sau đó các thiết bị sẽ có thể sử dụng bình thường.

6. Tìm tập tin “thất lạc” trên Mac

Nếu bạn không tìm thấy tập tin hoặc thư mục trên Mac, hãy sử dụng tới công cụ tìm kiếm được tích hợp bên trong là Spotlight. Nhấp vào biểu tượng chương trình, phía trên bên phải của thanh menu, nhập tên của tập tin (hoặc ngay cả một phần tên của tập tin). Kết quả tìm kiếm sẽ giúp bạn lấy lại tập tin đang cần.

Ngoài ra, có một cách khác là bấm Cmd + F để mở cửa sổ tìm kiếm. Truy vấn dựa vào tên tập tin, ngày đã mở, ngày tạo, loại tập tin... Càng nhập nhiều thông tin, việc tìm kiếm càng dễ dàng.

7. Cấp lại mật khẩu admin

Quên mật khẩu tài khoản Administrator có thể gây nên ít nhiều phiền phức khi bạn muốn cài đặt một phần mềm mới hoặc chạy Software Update. Để khắc phục, bạn cần boot vào hệ thống từ đĩa DVD cài đặt bằng cách khởi động lại với đĩa DVD và giữ phím C. Chọn Utilities > Reset Password và chọn mật khẩu mới. Khi khởi động lại, mật khẩu mới sẽ hoạt động.

8. Dò tìm màn hình thứ hai hoặc gắn ngoài

Nếu bạn kết nối tới một màn hình thứ hai hoặc gắn ngoài nhưng hệ thống không nhận diện, hãy sử dụng nút Detect Displays trong System Preferences > Displays.

Nếu không được, khởi động lại máy và giữ tổ hợp Cmd + Alt + P + R cho đến khi bạn nghe thấy tiếng reng 2 lần. Mac sẽ phục hồi PRAM, quét các cổng và tìm thiết bị được kết nối.

9. Khắc phục lỗi mất kết nối Airport

Khá là phiền phức khi bạn làm việc trong mạng không dây nhưng lại không thể kết nối. Nếu mất kết nối Wi-Fi, hãy kiểm tra lại xem AirPort có bị tắt hay không hoặc vào System Preferences > Network và từ AirPort > TCP/IP, nhấp nút Renew DHCP Lease để chữa lỗi.

Một lí do khác có thể dẫn đến mất tín hiệu là bạn nằm ngoài vùng phủ sóng tín hiệu. Lúc này hãy nhấp vào biểu tượng AirPort để quét các mạng có sẵn. Nếu phản hồi không có tín hiệu, hãy thoát và đăng nhập lại hoặc khởi động máy, rất có thể khắc phục được lỗi của AirPort.

10. Chữa lỗi khi xem tập tin WMV

Thường các nội dung web có video thường có định dạng không phải lúc nào cũng hỗ trợ Mac (đa phần đều dùng Windows Media Video). Hãy tải về Flip4Mac, một codec miễn phí có thể giúp QuickTime Player đọc tập tin định dạng WMV. Ngoài ra, sử dụng trình VLC Player cũng là một giải pháp hữu ích. Một biện pháp khác nhiều người áp dụng là cài Perian, giúp trang bị thêm cho QuickTime nhiều codec để mở video có nhiều định dạng khác.

Văn Vượng (theo Techradar)



Bình luận

  • TTCN (1)
Hải Nam  30903

Làm sao có thể giữ tổ hợp Cmd + Alt + P + R được nhỉ, vì có đến hai phím P và R không phải là phím thay đổi, làm sao có thể giữ được P và R cùng lúc.