Từng có tốc độ phát triển hai con số nhưng ngay cả ngành dễ kiếm ra tiền này cũng không thoát khỏi suy thoái kinh tế. Trong bối cảnh các công ty phải cắt giảm chi phí, sa thải nhân công, và thậm chí là phá sản thì việc các doanh nghiệp gia công phần mềm tự đổi mới mình để sống sót là điều rất cần thiết.

Đến “đại gia” Ấn Độ cũng lâm nạn

Từ lâu người ta đã biết đến Ấn Độ như cái nôi của gia công phần mềm thế giới. Vậy mà khủng hoảng kinh tế đã cướp đi khoảng 50% đơn hàng (chủ yếu từ Mỹ và châu Âu) của các công ty nước này. Có thể năm vừa qua không phải năm làm ăn của các công ty Ấn Độ khi hứng chịu đợt khủng khoảng tín dụng toàn cầu từ tháng 9/2008, và sau đó là cuộc tấn công khủng bố Mumbai tháng 11/2008 khiến cho nhiều công ty Mỹ lo ngại

Chỉ 2 tháng sau, scandal tài chính đã tràn tới Satyam (SAY), hãng gia công phần mềm lớn thứ 4 của Ấn Độ khiến cho hãng này phải lao đao. Không chỉ riêng Satyam mà “đại gia” về gia công phần mềm tại nước này là Infosys cũng bị tác động. Mặc dù thị trường outsourcing Ấn Độ vẫn tiếp tục tăng nhưng tốc độ mở rộng đã giảm đáng kể trong những năm gần đây. Sau khi tăng trưởng 35% trong năm 2007 thì thị trường này đã giảm xuống còn 15% trong năm ngoái; còn năm nay dự báo chỉ đạt 6%, hoặc cùng lắm là 7%.

Bức tranh tối màu

Hiệp hội phần mềm Việt Nam (Vinasat) từng nhận định rằng năm nay sẽ là năm khó khăn đối với ngành công nghiệp phần mềm trong nước, chủ yếu là do tác động của khủng hoảng kinh tế khiến cho các “đại gia” CNTT nước ngoài phải thu hẹp sản xuất, cắt giảm hợp đồng thuê ngoài dành cho những nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam.

Ngành phần mềm Việt Nam từng được coi là khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất nếu so sánh với các ngành công nghiệp khác. Doanh thu năm 2007 của ngành này là 500 triệu USD, tăng gấp 10 lần so với 10 năm trước đây. Năm 2008, ngành phần mềm trong nước cũng đặt mục tiêu tăng trưởng tới 40 nhưng rốt cuộc chỉ tăng có 20%. Và năm 2009 được dự báo còn khó khăn hơn nữa.

Hiện tại cả nước đang có khoảng 3.000 công ty sản xuất phần mềm nhưng chỉ có khoảng 800-1000 trong số này là thực sự “sống” bằng công việc viết phần mềm. Theo nhận định của giới chuyên gia, thì nguyên nhân chủ yếu của xu thế “chết yểu” này là do khủng hoảng kinh tế. Khó khăn về tài chính khiến cho nhiều đối tác nước ngoài quan trọng như Nortel, NEC, Hitachi… buộc phải thu hẹp sản xuất, rút bớt đơn hàng. Bản thân những hãng này cũng phải thực hiện hàng loạt chính sách thắt lưng buộc bụng, sa thải nhân công hàng loạt, thậm chí là phá sản như trường hợp của Nortel.

Còn với các công ty gia công phần mềm trong nước thì tình hình cũng không sáng sủa hơn là mấy. TMA Solution Company hiện vẫn được coi là một trong những công ty outsourcing lớn nhất tại Việt Nam, chuyên về gia công phần mềm viễn thông và mạng lưới cho một loạt các công ty Mỹ, Canada và Nhật Bản, cũng cho biết rất nhiều đơn hàng của hãng bị đối tác hủy bỏ. Năm 2009 được TMA Solution Company nhận định sẽ có nhiều “vị đắng” hơn người ta tưởng.

Không riêng gì TMA Solution Company mà Công ty phần mềm FPT (Fsoft) cũng chung cảnh ngộ tương tự. Theo ông Nguyễn Thành Nam, Chủ tịch Hội đồng quản trị Fsoft, mục tiêu tăng trưởng trong năm qua của công ty ông chỉ đạt 2/3 so với kế hoạch đề ra. Ngoài ra, việc mở rộng mạng lưới kinh doanh của Fsoft cũng phải hoãn lại.

Trong khi đó, Công ty kiểm định phần mềm LogiGear Test & Research Center (Việt Nam) đã phải cắt giảm 7% nhân lực. CSC và Global CyberSoft thì cũng lâm vào tình trạng chẳng dễ chịu hơn chút nào. Hầu hết các khách hàng của những hàng này là tại Mỹ, Nhật và Tây Bắc Âu, nơi đang gánh chịu nhiều tác động suy thoái nhất hiện nay.

Hướng đi nào?

Gió đã đảo chiều, ngành phần mềm Việt Nam không thực sự gặp nhiều thuận lợi như 2 năm trước đây. Trong bối cảnh đó, việc đưa ra các giải pháp và tìm kiếm hướng đi mới là cực kỳ cần thiết và cấp bách.

Theo ông Trần Anh Tuấn, Phó giám đốc công ty TNHH ATHL Solutions thì đã đến lúc các doanh nghiệp cần phải thay đổi mục tiêu chiến lược. Những công ty đang ảnh hưởng cần phải kiểm soát thu chi để tạo lợi nhuận, hơn là cố mở rộng phát triển. Ngoài ra, cũng theo ông Tuấn thì những dự án không cần thiết cần phải hủy bỏ ngay lập tức để giảm bớt gánh nặng chi tiêu. “Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, các công ty phần mềm Việt Nam không nên đầu hàng mà cần phải chủ động tìm kiếm những hướng đi mới”, ông Tuấn chia sẻ.

“Chủ động” chính là quyết sách hàng đầu của các công ty gia công phần mềm hiện nay. Về mặt này, mặc dù thời gian qua là thời kỳ khó khăn nhưng các công ty Việt Nam cũng có những chuyển biến khá tích cực. Công ty phần mềm Harvey Nash Vietnam giành được hợp đồng trị giá 54 triệu euro từ Alcatel Lucent. Đây được xem là hợp đồng trị giá lớn nhất từ trước đến nay của ngành phần mềm Việt Nam. Trong khi đó, FPT Software đã thiết lập thêm các văn phòng đại diện tại Singapore, Malaysia và Pháp để tìm kiếm đối tác mới và đơn hàng mới. Còn TMA Solution cũng mở văn phòng đại diện tại Mỹ để tìm kiếm đối tác mới thay thế cho Nortel mới tuyên bố phá sản gần đây.

Vinasa cũng tuyên bố sẽ đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác Nhật Bản và Mỹ trong năm nay để thực hiện các chương trình xúc tiến xuất khẩu phần mềm. Vinasa dự kiến sẽ chi 1 tỉ đồng để các doanh nghiệp triển lãm tại một số hội chợ công nghệ lớn sắp tới như CeBIT (tháng 3/2009 tại Đức), và Sodec (tháng 5/2009 tại Nhật Bản). Vinasa dự đoán ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam sẽ đạt doanh thu xuất khẩu 800 triệu USD tới năm 2010.

Theo VnMedia



Bình luận

  • TTCN (0)