Suốt ngày “dính” với chiếc máy tính khiến bạn “phát ngán” khi nhìn thấy chiếc bàn phím 101 nút do IBM thiết kế, có lẽ những mẫu sau đây sẽ giúp bạn tìm lại cảm hứng làm việc.

Mặc dù những chiếc bàn phím máy tính hiện nay đã trở nên thân thuộc và tiện dụng với hầu hết những người sử dụng máy tính nhưng không thể phủ nhận một thực tế rằng chiếc bàn phím này chưa thể là hoàn hảo vì đối khi nó vẫn khiến người dùng chấn thương (cổ tay, bàn tay, vai, lưng…) hoặc chưa thật thuận tiện đối với một số công việc đặc thù. Các nhà sản xuất và thiết kế máy tính đã tìm nhiều cách để thay đổi vấn đề này nhưng đôi khi những sự cải tiến của họ lại cho ra đời những sản phẩm có hình thù rất… kỳ dị. Hãy “điểm danh” những sản phẩm “quái” nhất.

Bàn phím SafeType

Nhà sản xuất: Ergonomic-Interface Keyboard Systems

Nếu nói về độ quái dị, chiếc SafeType hoàn toàn có thể được trao vương miện. Toàn bộ các phím ký tự đã được chuyển qua 2 cạnh bên bàn phím và quan trọng là trong khi gõ, bạn cần phải nhìn vào 2 chiếc gương gắn ở 2 cạnh của bàn phím để kiểm tra độ chính xác.

Tuy vậy, SafeType vẫn là chiếc bàn phím được trao danh hiệu "Bàn phím dạng đứng bán chạy nhất thế giới" mặc dù giá bán của nó không hề dễ chịu (295 USD).

Bàn phím ký tự ngôn ngữ Klingon

Nhà sản xuất: ZF Electronics

Nếu bạn là một fan hâm mộ bộ phim khoa học viễn tưởng Star Trek, đây là chiếc bàn phím dành cho bạn. Có giá bán thuộc hàng “chấp nhận được” (khoảng 62 USD), chiếc bàn phím này có tất cả các phím ký tự được viết theo dạng ngôn ngữ Klingon còn bàn phím số và các phím chức năng vẫn được thể hiện theo dạng số A rập thông thường.

Có lẽ nền văn minh Klingon chưa có chữ số chăng?

Bàn phím kiêm chuột trackball iGrip

Nhà sản xuất: Alphagrip

Đây là mẫu bàn phím kiêm thiết bị thay thế chuột (viên bi điều hướng - trackball). Theo các nhà thiết kế của hãng Alphagrip, điểm đặc biệt của bàn phím có giá bán 99 USD này là bạn chỉ cần một nửa thời gian để học cách sử dụng so với bàn phím dạng QWERTY thông thường.

Bàn phím "lòe loẹt"

Nhà sản xuất: New Standard Keyboards

Không chỉ mang đủ 7 màu của những chiếc cầu vồng, các nhà sản xuất đã quyết định làm một cuộc “cách mạng” về bàn phím khi đưa tất cả các phím ký tự về trật tự của bảng chữ cái với lập luận rằng điều đó sẽ khiến cho quá trình sử dụng sẽ thuận lợi hơn vì “một đứa trẻ cũng biết các chữ cái ABC”. Bàn phím này được bán với giá 55 USD.

OrbiTouch - Bàn phím... không có phím

Nhà sản xuất: Blue Orb

Giả sử như nền văn minh Klingons có tồn tại như trong bộ phim Star Trek, có lẽ họ sẽ không mấy hứng thú với sản phẩm của hãng ZF Electronics mà thay vào đó là chiếc bàn phím không có phím của hãng Blue Orb vì ít nhất trong nó cũng “ngầu” hơn. Ngoài giá bán 399 USD OrbiTouch còn có thể tạo cho chúng ta một cảm giác hơi "nể": “Lạy chúa, xã hội của họ phải tiến bộ đến mức nào thì họ mới có thể biết được họ gõ cái gì lên bàn phím đó”.

Cuộc cách mạng của abKey

Nhà sản xuất: abKey

Theo nhà sản xuất, họ đã phát hiện ra một điều rất thú vị khi xem game show Wheel of Fortune  (phiên bản ở Việt Nam là “Chiếc nón kỳ diệu”) là ký tự A được sử dụng nhiều nhất và ký tự U chỉ đứng thứ 13 nên các phím này cần phải được đổi chỗ cho nhau.

Sản phẩm có giá bán 108 USD.

Datahand Professional II

Nhà sản xuất: Datahand Systems

Ngoài khả năng gây sốc về độ quái, chiếc bàn phím này còn có khả năng  gây… cháy túi khách hàng vì giá bán công bố của nhà sản xuất là 995 USD.

Combimouse

Nhà sản xuất: Combimouse

Cho đến nay, Combimouse vẫn chỉ tồn tại ở dạng sản phẩm thử nghiệm và vẫn chưa được thương mại hóa. Theo các chuyên gia thiết kế, mục đích của họ khi thiết kế mẫu bàn phím này là muốn xóa bỏ khoảng cách giữa thị trường bàn phím và chuột đồng thời đánh thẳng v ào nguồn lợi nhuận của các hãng “khủng long” như Microsoft và Logitech.

Bàn phím ảo kết nối Bluetooth

Nhà sản xuất: i.Tech Dynamic

Tại sao chúng ta cứ phải “tha lôi” những chiếc bàn phím cồng kềnh và dễ vỡ đi khắp nơi trong khi chỉ cần nhấn một nút bấm là bạn sẽ có ngay một bàn phím để dùng. Sản phẩm bàn phím ảo kết nối qua bluetooth của hãng i.Tech Dynamic chính là giải pháp cho những người ưa di động và công nghệ. Có giá bán không quá đắt (150 USD) cùng với khả năng phát sáng nhờ sóng laser khiến sản phẩm này đang được khách hàng khá ưa chuộng.

Bàn phím cho người “thuận cả 2 tay”

Nhà sản xuất: P.C.D. Maltron

Theo quảng cáo của nhà sản xuất, chiếc bàn phím này dành cho những người “thuận cả 2 tay” và “một khi đã chạm tay vào nó bạn sẽ không thể nhấc tay ra được”. Hãng Maltron cũng tuyên bố sẽ tung ra sản phẩm dành cho những người thuận một tay (trái hoặc phải) sau đó.

Sản phẩm có giá bán khởi điểm 525 USD.

Bàn phím dành cho người thuận tay phải

Nhà sản xuất: P.C.D. Maltron

Đúng như lời hứa, hãng Maltron  đã tung ra thị trường mẫu bàn phím dành cho những người chỉ thuận tay phải với giá bán 413 USD.

Một số chuyên gia tư vấn tiêu dùng đã bình luận về sản phẩm này của Maltron như sau: “Với một thiết  kế giống như chiếc sân golf, nếu bạn có ý định hủy hoại một bàn tay của mình thì hãy dùng nó hoặc mau thêm một chiếc “tay trái” nữa để sử dụng luân phiên”.

Grippity1.0 – bàn phím gõ ngược

Nhà sản xuất: Grippity

Quan điểm của nhà sản xuất chiếc bàn phím này là làm sao mà bạn chắc chắn rằng bạn đã gõ đúng chữ K khi mà ngón tay của bạn đã che khuất phím đó rồi? Với thiết kế giống như một tay cầm của trò chơi điện tử (đây mới chỉ là mẫu thử nghiệm ban đầu), người dùng phải bấm ngược từ dưới lên.

Bàn phím kiêm quạt mát cho tay

Nhà sản xuất: Thanko

Trong danh sách thì đây là sản phẩm có độ quái ít nhất và hữu ích nhất trong hiện tại. Ngoài thiết kế giống như một bàn phím truyền thống, nhà sản xuất Thanko còn gắn thêm một hệ thống quạt sử dụng nguồn điện qua USB giúp làm mát bàn tay của người sử dụng.

Sản phẩm có giá bán 62 USD tại thị trường Nhật Bản.

Touchstream ST

Nhà sản xuất: FingerWorks

Điểm đặc biệt của chiếc bàn phím này nằm ở 2 miếng đỡ cổ tay. Không chỉ có tác dụng đỡ cho cổ tay của người dùng, đây còn là một miếng cảm ứng và người dùng chỉ cần sử dụng cổ tay thay cho con chuột.

Điều đáng tiếc nhất là sản phẩm này không còn bán trên thị trường bởi năm 2005 Apple đã mua lại FingerWork và toàn bộ những bằng sáng chế của họ. Một vài năm sau, Steve Jobs và công ty của ông đã tung ra một thiết bị cầm tay cảm ứng đa điểm có tên gọi iPhone.

Theo ICTnews (PCW)



Bình luận

  • TTCN (1)
anh  3

Trông hài thật.