Mới đây, VNPT, Viettel, SPT… đã đồng loạt “tố” Điện lực Việt Nam bất ngờ nâng giá cho thuê cột điện treo cáp, khiến cho chi phí của các doanh nghiệp này tăng rất cao.

Trong buổi làm việc gần đây với Bộ TT &TT và các Sở TT &TT, các doanh nghiệp viễn thông lớn như VNPT, Viettel, SPT đã kiến nghị lên cơ quan quản lý nhà nước về vấn đề EVN bất ngờ tăng giá cho thuê cột điện để treo cáp viễn thông từ 4 - 8 lần. Mức giá mà EVN đưa ra thấp nhất là 20.114 đồng /cột/tháng và cao nhất là 109.327 đồng /cột/tháng cho 1 sợi cáp thông tin.

Trước thông báo của EVN về việc siêu nâng giá này, các doanh nghiệp viễn thông đã đưa ra con số chi phí tăng lên khủng khiếp. Chẳng hạn, chi phí của S -Fone sẽ tăng khoảng 6 lần, từ 10, 9 tỉ đồng lên 65, 2 tỉ đồng mỗi năm, còn số tiền thuê cột điện của EVN mà VNPT và Viettel phải trả chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều bởi đây là hai doanh nghiệp có mạng truyền dẫn và số thuê bao lớn nhất. Các doanh nghiệp viễn thông cho rằng đây là điều không thể chấp nhận được bởi nó làm cho chi phí của các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông tăng đột biến. Điều này chắc chắn cũng sẽ tác động không nhỏ đến lộ trình giảm cước để nhiều người dân có thể sử dụng dịch vụ. Trước việc tăng giá thuê cột của EVN, Viettel cho biết sẽ tự dựng cột chứ không phụ thuộc vào các doanh nghiệp khác như hiện nay.

“Điều chỉnh giá lên 4 - 8 lần vẫn còn rẻ”

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Trưởng Ban Viễn thông của EVN cho biết, việc tính giá treo cột của EVN với các doanh nghiệp viễn thông là theo công văn tạm thời từ năm 2003. Thời điểm đó, EVN chỉ tạm tính chứ không có cơ sở để đưa ra mức giá này. “EVN đã xem lại các văn bản quy định xem ngành điện có trách nhiệm gì so với các doanh nghiệp khác trên cả khía cạnh xã hội lẫn kinh tế. Hiện không có văn bản nào của Chính phủ buộc chúng tôi phải cho các doanh nghiệp khác treo cáp. Các thiết kế của cột điện cũng không dành cho treo cáp. Trong khi đó viễn thông là dịch vụ có thu tiền. Các doanh nghiệp viễn thông phải xây dựng mạng lưới đến tận nhà thuê bao. EVN không có nghĩa vụ phải cho các doanh nghiệp viễn thông treo cáp. Vì vậy, khi các doanh nghiệp viễn thông muốn treo cáp phải có thỏa thuận với EVN và phải có chi phí”, ông Lâm nói.

Trả lời Báo BĐVN về cơ sở nào để đưa ra mức giá tăng đột biến từ 4 - 8 lần như hiện nay, EVN cho biết, một cột điện cao 7, 5 m có tổng giá trị đầu tư xây dựng khoảng 3 triệu đồng. Nếu tính theo lãi suất ngân hàng hiện nay khoảng 10% năm và chia trung bình mỗi tháng thì sẽ có khoảng hơn 20.000 đồng /sợi cáp thông tin. Đây là cơ sở để EVN tính tăng giá cho các doanh nghiệp viễn thông sử dụng cột điện để treo cáp. EVN cho biết, bảng giá đưa ra cho các doanh nghiệp chỉ là giá treo sợi cáp đầu tiên, sợi cáp thứ hai giá có thể EVN sẽ chỉ lấy thêm 10%. Đối với cáp thuê bao đến nhà dân thì có mức giá là 10 cáp thuê bao mới bằng giá treo cáp thông tin.

 “Khi chúng tôi làm việc với các doanh nghiệp viễn thông thì họ cho rằng giá mới so với giá cũ tăng gấp 5 lần. Nhưng đây không phải là tăng giá mà là điều chỉnh giá vì giá trước đây còn bất hợp lý, chỉ khoảng 5.000 đồng /cột/tháng. Giá này chúng tôi đưa ra không tính đến hiệu quả kinh tế mà hỗ trợ các doanh nghiệp khác rất nhiều. Trong trường hợp cần thiết chúng tôi sẵn sàng mời các cơ quan chức năng như Bộ TT &TT, Bộ Tài chính để xem xét giá này. Đây là giá có lợi cho doanh nghiệp khác rất nhiều vì giá rất rẻ so với việc họ tự xây dựng cột”, ông Lâm khẳng định. Cũng theo ông Lâm, khi EVN đưa ra mức giá cho thuê cột mới, nhiều doanh nghiệp kêu đắt quá, nhưng không giải thích được vì sao đắt và không đưa ra giải pháp nào rẻ hơn. Như vậy các doanh nghiệp kêu một cách vô trách nhiệm, kể cả VNPT.

“Viettel và VNPT đang làm giàu trên lưng EVN”

Trả lời câu hỏi khi nâng giá cho thuê cột lên 4 T- 8 lần thì EVN sẽ thu mỗi năm được khoảng bao nhiêu? ông Lâm cho biết, hiện EVN chưa có thông tin này vì Tập đoàn giao cho điện lực các địa phương làm việc với các doanh nghiệp treo cáp. EVN cũng không có con số thống kê số lượng cột. Thế nhưng, không phải doanh nghiệp viễn thông nào cũng ký hợp đồng treo cáp với EVN. Chẳng hạn như FPT chỉ ký lẻ tẻ hợp đồng treo cáp ở vài nơi, trong khi đó lại tiến hành treo cáp theo kiểu “đánh du kích”.

Phía EVN khẳng định không khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông thuê cột điện của mình mà hãy tự dựng cột để treo cáp. “Ngoài Hà Nội và TP.HCM vì điều kiện mỹ quan đô thị nên có thể sẽ hạn chế cho xây cột để đảm bảo mỹ quan, còn các địa phương khác không cấm việc đó. Trong khi đó, công nghệ hiện nay có thể cho phép cung cấp dịch vụ không cần dây. Như vậy, các doanh nghiệp viễn thông đang không chịu đổi mới công nghệ và cố tình làm như vậy để thu lợi nhuận cao. Các doanh nghiệp muốn làm giàu nhanh trên lưng người khác mới sử dụng cột của EVN. Các doanh nghiệp viễn thông phải có nghĩa vụ cung cấp dịch vụ của họ đến tận nhà khách hàng. Như hiện nay tôi cho rằng cạnh tranh không lành mạnh vì từ trước đến nay Viettel và VNPT đang làm giàu trên lưng của EVN và khi chúng tôi làm mạnh thì họ lại kêu”, ông Lâm nói.

Cột điện cũng sinh lời cao

Trên thực tế thì việc xây dựng cột từ trước đến nay không ai khác ngoài EVN. Do lợi thế độc quyền trong việc cung cấp điện nên việc xây dựng hệ thống cột điện của EVN rất dễ dàng. Nhiều ý kiến cho rằng, EVN đang lạm dụng lợi thế độc quyền của mình để nâng giá thuê cột của các doanh nghiệp khác. Trong khi đó, rất khó để cho các doanh nghiệp viễn thông, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ có thể tự dựng cột của mình. Nếu theo cách tính giá cho thuê cột mức mới của EVN thì việc kinh doanh cho treo cáp cũng sinh lời cao.

Chỉ cần có khoảng 10 doanh nghiệp treo cáp trên cột điện của EVN với mức thấp nhất khoảng hơn 20.000 đồng /tháng/sợi cáp thì mỗi năm EVN đã thu về được khoảng 2, 5 triệu đồng/cột. Trong khi đó tổng giá trị đầu tư của EVN cho mỗi cột điện này là 3 triệu đồng. Và như vậy, đây là lĩnh vực sinh lời cao và EVN sẽ thu được một khoản tiền cực lớn từ việc cho thuê cột điện. Trong khi đó, chi phí cho xây lắp và bảo dưỡng cột điện đã nằm trong chi phí của giá điện. Trong khi EVN đang tận thu từ những lợi thế của họ thì giá điện đến người dân lại chỉ tăng chứ không hề giảm.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (0)