Cả nhà cung cấp và người tiêu dùng đều mong sớm được sử dụng 3G.

Kết quả thi tuyển 3G đã được Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) báo cáo lên Thủ tướng trước khi chính thức công bố. Vẫn còn “trong vòng bí mật” nên các mạng di động đang rất nóng lòng chờ đợi kết quả sớm để có thể triển khai ngay.

Rất cần 3G

Trong buổi tọa đàm do CLB Nhà báo CNTT Việt Nam tổ chức với nội dung “3G và cơ hội cho phát triển viễn thông Việt Nam”, tất cả các chuyên gia nước ngoài đều khuyến cáo rằng bản chất của 3G là xây dựng từ 2G lên, vì thế nhà khai thác nào có sẵn mạng 2G rộng nhất sẽ có năng lực triển khai mạng 3G nhanh hơn.

Ngoài ra, nhà khai thác 2G nào có nhiều khách hàng nhất cũng có điều kiện triển khai nhanh mạng 3G vì đây sẽ là khách hàng tiềm năng, thêm lợi thế quy mô để cung cấp dịch vụ 3G với giá rẻ cho đông đảo người dùng.

Theo kinh nghiệm quốc tế, hiếm có mạng di động 3G nào thành công mà không dựa vào nền tảng 2G bởi 3G là bước tiếp nối của một nền móng 2G vững mạnh. Với những khuyến cáo này, thì 3 mạng GSM Mobifone, Vinaphone và Viettel đang là ứng viên sáng giá nhất cho chiếc vé 3G.

Cho đến thời điểm này, tất cả các mạng di động đều có câu trả lời rằng trước mắt nhu cầu về dịch vụ 3G chưa nóng khi mà thị trường vẫn chủ yếu là thoại và nhắn tin SMS. Vì thế những mạng di động đại gia nóng lòng muốn có được giấy phép này không phải để cung cấp dịch vụ 3G ngay mà trước mắt để chống nghẽn cho mạng 2G.

Lãnh đạo của cả 3 mạng di động GSM đều thừa nhận, đang gặp phải vấn đề bị nghẽn băng tần ở những nơi có mật độ thuê bao lớn và mong muốn sớm lấy được băng tần 3G để chống nghẽn cho mạng 2G.

“Hiện Mobifone đang gặp phải vấn đề nghẽn băng tần ở những nơi có số thuê bao lớn. Vì vậy, chúng tôi mong muốn sớm lấy được băng tần 3G để chống nghẽn cho mạng 2G” - ông Lê Ngọc Minh, Giám đốc Công ty VMS Mobifone cho biết.

Tương tự, ông Hoàng Trung Hải, Phó Giám đốc thường trực Vinaphone cho biết, hiện Vinaphone cũng đang gặp phải hiện tượng nghẽn băng tần, vì thế cơ hội kinh doanh của các mạng sẽ bị ảnh hưởng khi việc cấp phép 3G bị chậm.

Các mạng sẽ triển khai 3G ra sao?

Cho đến thời điểm này, dù kết quả thi tuyển 3G chưa được công bố nhưng các đại gia di động đã rất tự tin lên kế hoạch cho mình nếu được cấp phép 3G.

Vinaphone tuyên bố sẽ đầu tư 1 tỷ USD cho mạng 3G trong vòng 15 năm. Ông Hải cho biết: “Dự kiến quá trình triển khai mạng 3G của Vinaphone sẽ trải qua 5 giai đoạn để đảm bảo hiệu quả đầu tư đồng thời đáp ứng nhu cầu ngày càng gia tăng của khách hàng”.

Theo ông Hải, giai đoạn đầu Vinaphone sẽ triển khai chủ yếu tại các thành phố lớn, nơi có nhu cầu cao về Internet tốc độ cao, sau đó mới mở rộng ra trên toàn quốc trong khoảng thời gian từ 10 - 15 năm kể từ khi được cấp phép 3G”.

Ông Lê Ngọc Minh thì khẳng định: Mobifone sẽ thực hiện ở mức cao nhất các thông số mà Bộ TT&TT đưa ra, quyết tâm đầu tư để trở thành mạng 3G lớn nhất Việt Nam. Hiện Mobifone đã sẵn sàng về tài chính, nhân lực và công nghệ… cho mạng 3G.

“Ngay khi có giấy phép, chúng tôi sẽ triển khai ngay pha đầu, phủ sóng 3G toàn bộ 63 tỉnh, thành, đặc biệt tại những tỉnh, thành đông dân cư. Pha đầu tiên theo cam kết sẽ hoàn thành sau 3 tháng, 3 năm tiếp theo chúng tôi sẽ phủ 3G đến 98% dân số” - ông Minh nói.

Với mạng ngoài VNPT, ông Tống Viết Trung, Phó Tổng Giám đốc Viettel cho biết, Viettel đã có kế hoạch phủ sóng đến hầu hết các tỉnh, thành phố, thị xã ngay từ năm đầu tiên (khoảng 30% dân số có thể sử dụng được dịch vụ).

Tuy nhiên ông Trung cho rằng, thời gian đầu dịch vụ 3G của Viettel sẽ phục vụ cho nhóm khách hàng cao cấp. 3 năm sau sẽ cung cấp 50%, 5 năm sau phát triển dịch vụ cung cấp cho 79% và 10 năm sẽ phủ sóng 100%. Ông Lương Tất Thắng, Phó trưởng ban Tiếp thị - bán hàng VNPT: “Dự đoán 3G là xu hướng phát triển tất yếu của viễn thông di động trên toàn cầu nên trong quá trình đầu tư, phát triển 2 mạng Vinaphone, Mobifone đã được VNPT định hướng tiếp cận với 3G.

Về nguyên tắc 3G sẽ tạo ra băng thông rộng, giống như một xa lộ, tạo cơ sở hạ tầng mạng thuận lợi hơn để phát triển các dịch vụ giá trị gia tăng tiên tiến trên nền công nghệ 3G là: Nhóm dịch vụ liên lạc; Nhóm dịch vụ nội dung giải trí; Nhóm dịch vụ giao dịch điện tử; Nhóm dịch vụ thông tin xã hội; Nhóm dịch vụ định vị và Nhóm dịch vụ hỗ trợ cá nhân”.

(Theo Dân trí) 



Bình luận

  • TTCN (4)
Nemo Nguyen  21665

Bây giờ rõ rồi... doanh nghiệp cần 3G chỉ để chống nghẽn cho dịch vụ thoại mạng 2G, chứ ko mấy mặn mà cung cấp dịch vụ dữ liệu tiên tiến của mạng 3G.

MasterPhoenix  24

Mà có mặn mà đi chăng nửa cũng chả đủ sức mà sài ! Cả người dùng lẫn nhà cung cấp dịch vụ vẫn chưa sẵn sàng để ứng dụng những dịch vụ dữ liệu tiên tiến đó
Mà chắc mình mà sài thì giá trên trời quá
Cái gì cũng từ từ !
Mà nghe nói , thế giới đang nghiên cứu công nghệ 4G hả ?

Hải Nam  30904

VNPT 3 năm phủ sóng 98% còn Viettel phải chờ 10 năm mới 100%. Làm hơi chậm nhỉ? Còn về vụ thuê bao, nếu số liệu thuê bao thực sự là 60 triệu, mà diện tích VN chỉ có 330.000 km2, hết 3/4 là đồi núi kênh rạch còn lại đồng bằng chưa đến 100.000 km2, dân cư phân bố lại không đều, thì không có 3G lẽ ra phải nghẽn mạch từ lâu lắm rồi.

4G xong rồi thì phải (nghĩa là đang thử nghiệm), còn lăn tăn mới mỗi dịch vụ... thoại thôi.

Tin Tin  20

Hic, mấy con số 98% của Mobifone và 100% của Viettel đưa ra là % dân số được phủ sóng mà Hải Nam, nó có phải là % diện tích đâu nhỉ, đọc kỹ cái coi.

Trên thế giới cũng có mấy mạng 3G (cụ thể là UMTS ~ WCDMA2100 như VN) nào ngon lành với data đâu, hầu hết data đều phải lên 3,5G (HSPA) mà.

Còn 2G nghẽn tần số thì có lẽ các nhà mạng phải tự xem lại mạng của mình đi đã ...