Dịch vụ tìm kiếm MentalPlex của Google có khả năng đọc được suy nghĩ của người dùng

Trong thế giới công nghệ, có lẽ chỉ Google xứng đáng được “trao vương miện” bởi truyền thống “quậy” trong ngày “Cá tháng Tư” của họ.

Dịch vụ tìm kiếm MentalPlex

Năm 2000, mặc dù mới có 2 tuổi đời nhưng “chú bé” Google đã biết chơi xỏ người dùng Internet toàn thế giới bằng chiêu "MentalPlex". Theo tin của Google đưa khi đó, MentelPlex là công cụ tìm kiếm thế hệ mới mà hãng vừa phát triển với khả năng “đọc được suy nghĩ” của người dùng ngay khi họ chuẩn bị gõ lệnh tìm kiếm. Cách lý giải về công nghệ này cũng tỏ ra khá thuyết phục: Google sẽ lưu trữ và phân tích các lệnh tìm kiếm cũng như các trang web vừa truy cập, kết hợp cùng với tốc độ di chuột và ngày sinh của người dùng để từ đó đoán ra mục đích tìm kiếm tiếp theo của họ. Nhưng khi truy cập vào MentalPlex, người dùng sẽ nhận được một trang “đầy ắp” những kết quả liên quan đến ngày “Cá tháng Tư”.

Hệ điều hành Luna/X

Năm 2004, Google khiến cả thế giới công nghệ được một phen “cười bò” khi công bố tuyển nhân viên làm việc cho phòng thí nghiệm của họ trên… mặt trăng với dự án phát triển hệ điều hành mang tên Luna/X (một hệ điều hành tổng hợp dựa trên các tính năng ưu việt của Linux, Windows XP và Mac OS X).

Nếu có ai đó tò mò muốn biết dự án này và bấm vào đường link mà Google đưa sẵn? Họ sẽ nhanh chóng phát hiện ra rằng mình là một “chú cá” mới nhất mắc vào lưỡi câu trong ngày 1/4 của Google.

Dịch vụ "chuyển email qua đường bưu điện" của Google

Ảnh
Dịch vụ Gmail Paper của Google

Tuy nhiên, phi vụ “chuyển email qua đường bưu điện” của Google hồi năm 2007 mới thực sự khiến nhiều người bị mắc lỡm.

Đúng 10 giờ sáng (tính theo múi giờ nơi đặt trụ sở của hãng – California – Mỹ) ngày 30/3/2007, Google đổi giao diện đăng nhập dịch vụ email Gmail của mình với một cái tên khác: Gmail Paper. Theo thông báo của Google khi đó, dịch vụ này cho phép người dùng đóng gói và chuyển toàn bộ số email trong hòm thư Gmail của họ đến tận nhà theo địa chỉ đường bưu điện bằng một nút bấm. Tất nhiên, Google hứa sẽ in toàn bộ số email đó và chuyển miễn phí. Thậm chí những bức ảnh được lưu trên đó còn được in ra trên nền giấy ảnh loại cao cấp. Google còn khiến mọi người thêm phần tin tưởng bằng việc thông báo không chuyển những file âm thanh dạng MP3 hay WAV để bảo vệ bản quyền.

Thậm chí, Google khẳng định chương trình này sẽ ngăn chặn nạn phá rừng lấy gỗ sản xuất giấy để... in thư điện tử vì chất liệu mà Google dùng có đến "96% là nước bọt".

Tất nhiên, đây cũng chỉ là một trò “quậy” nhân ngày nói dối của Google nhưng theo thống kê của sau đó, 96% người dùng Gmail đã tưởng thật và đã click vào nút “Stack”.

Mạng Internet truyền qua đường toilet 

Ảnh
Ảnh Google minh họa mạng Internet truyền qua đường toilet

“Kinh dị” nhất trong số những trò quậy của Google phải kể đến Google TiSP (viết tắt của cụm từ Toilet Internet Service Provider – nhà cung cấp dịch vụ Internet qua đường nước thải toilet). Khi đó, Google thông báo họ đã thiết kế thành công một chuẩn đường truyền Internet mới thông qua đường ống dẫn nước thải của các thành phố có băng thông lên tới 8 Mbit/s (tốc độ upload 2 Mbit/s) và cung cấp miễn phí cho tất cả mọi người.  Sau một hồi giải thích “lòng vòng” về phương pháp kết nối mới này, Google đưa ra lời kết luận: "Nếu bạn vẫn gặp trục trặc khi kết nối, hãy lấy 8 giọt tinh dầu bạc hà trộn vào trong 1 bát nước và pha thêm 2 chai soda nhỏ rồi “tu” hết".

“Ngửi” sách cùng Google

Theo tuyên bố của Google, dịch vụ tìm kiếm sách của họ có thêm chức năng mới: scan và đưa lên mạng cả mùi của những cuốn sách. Người dùng được yêu cầu: "...vui lòng dí mũi sát vào màn hình máy tính, bấm vào nút “Go” và tận hưởng mùi của những cuốn sách”. Tất nhiên đây chỉ là một tính năng không tưởng bởi khi người dùng không “ngửi thấy gì”, họ bấm vào nút "Help" (trợ giúp), Google sẽ đưa họ tới một trang tìm kiếm thông thường với những kết quả thu được bằng từ khóa “April Fool Day” (Ngày cá tháng Tư).

Thực ra, không chỉ có một mình Google biết “chơi xỏ” người khác trong ngày “Cá tháng Tư”. Ngày 1/4/1994, tạp chí PC Computing có một bài viết của tác giả John Dvorak nói về một dự luật mà quốc hội Mỹ “đang chuẩn bị thông qua” trong đó những hành vi say xỉn trong khi đang lướt net được coi là một hành vi vi phạm pháp luật. Dự luật này tất nhiên còn được đánh số 010494 (hàm ý chỉ ngày 1/4/1994). Tạp chí PC Computing còn tiết lộ rằng Cục điều tra liên bang sẽ sử dụng dự luật này để đặt băng nghe lén qua đường điện thoại để kiểm tra có ai đó đang “sử dụng hay lạm dụng đồ uống có cồn” trong khi đang truy cập Internet hay không.

Với lập luận cho rằng “uống rượu khi tham gia giao thông trên xa lộ thông thường là nguy hiểm và Quốc hội cho rằng hành vi đó cũng có mức độ nguy hiểm tương tự khi tham gia siêu xa lộ thông tin”, bài báo đã “dụ” được không ít người tin rằng dự luật đó là có thật và rồi các đường dây điện thoại của Quốc hội Mỹ cũng như văn phòng của thượng nghị sĩ Edward Kennedy đã nhận được vô số những cuộc gọi đến để bày tỏ sự phản đối.

Tất nhiên sau đó độc giả của PC Computing mới biết rằng mình đã mắc bẫy và cũng chỉ biết cười trừ.

Theo ICTnews (Libcomputer)



Bình luận

  • TTCN (1)
www.SodepCatTuong.com ( S...  38

www.SodepCatTuong.com ( Số Đẹp Cát Tường): Vui thật!