Ngay sau khi Bộ Truyền thông và thông tin (TT&TT) công bố kết quả thi tuyển giấy phép 3G, bốn doanh nghiệp trúng tuyển đã tiết lộ kế hoạch triển khai hạ tầng và cung cấp dịch vụ trong thời gian tới. 

Viettel sẽ chi 800 triệu USD cho 3G 

Ông Hoàng Sơn, giám đốc Viettel Telecom, cho biết dịch vụ 3G của Viettel sử dụng chuẩn HSPA (3,75G). Khoảng 9 tháng sau khi nhận được giấy phép từ Bộ TT&TT, Viettel sẽ chính thức khai trương dịch vụ 3G với vùng phủ sóng tới 86,5% dân số và khoảng 5.000 trạm thu phát sóng tại thời điểm cung cấp dịch vụ.

Số tiền Viettel cam kết đầu tư cho mạng 3G trong 3 năm đầu tiên là 800 triệu USD. Về lâu dài, Viettel dự kiến đầu tư khoảng 1,5 - 1,8 tỷ USD trong 15 năm thời hạn của giấy phép 3G. Ngoài ra, 16.000 trạm BTS của Viettel đang được sử dụng có thể tái sử dụng cho 3G.

Công nghệ HSPA (High Speed Packet Access) hay còn được gọi là công nghệ 3,75G. Nghĩa là nếu công nghệ 3G có tốc độ đường truyền đạt 2Mbps thì công nghệ 3,75G có tốc độ đường truyền lên tới 7,2 Mbps. Với chuẩn HSPA tốc độ truy cập dịch vụ Internet di dộng của Viettel sẽ đạt mức tối thiểu là 2 Mbps tại khu vực thành phố - cao hơn 5 lần so với yêu cầu của bộ đưa ra (384 Kbps).

MobiFone phủ sóng 3G tới 100% các đô thị

Ông Đỗ Vũ Anh, phó giám đốc Công ty VMS MobiFone, cho biết MobiFone sẽ chuẩn bị thủ tục đặt cọc và tiến hành kế hoạch triển khai theo đúng cam kết trong hồ sơ. MobiFone cam kết sẽ phủ sóng 3G tới 100% các đô thị trên 63 tỉnh thành và tiến hành cung cấp dịch vụ 3G đầu tiên trong vòng 3 tháng sau khi được cấp phép.

Trong vòng 1 năm kể từ ngày cấp phép, MobiFone cam kết sẽ phủ sóng 3G tới 100% đô thị thuộc 63 tỉnh thành trên cả nước và trong 3 năm sẽ phủ sóng 3G tới 98% dân số. Theo cấp độ ưu tiên giảm dần, MobiFone sẽ tiến hành phủ sóng 3G từ đô thị đông dân, đô thị, ngoại ô, nông thôn và tuyến quốc lộ.

Để tiết kiệm kinh phí đầu tư và đẩy nhanh tiến độ triển khai 3G, trong năm đầu tiên MobiFone sẽ dùng chung 100% cơ sở hạ tầng mạng 2G hiện có. Việc dùng chung cơ sở hạ tầng 2G có thể giúp khách hàng MobiFone tiếp cận dịch vụ 3G trong khoảng thời gian ngắn nhất và kinh phí hợp lý nhất. Cơ sở hạ tầng hiện có như nhà trạm, cột ăngten, thiết bị truyền dẫn kết nối mạng lõi của 2G sẽ được "trưng dụng" cho 3G.

VinaPhone dùng công nghệ WCDMA 2100 MHz

Ông Hoàng Trung Hải, phó giám đốc VinaPhone, cho biết đã có kế hoạch chuẩn bị triển khai mạng 3G từ cuối năm 2008, do đó các kế hoạch triển khai đều đã sẵn sàng cả về mặt hạ tầng và dịch vụ cung cấp.

VinaPhone sẽ sử dụng theo chuẩn WCDMA 2100 MHz. Đây là một trong các công nghệ về 3G tiên tiến nhất hiện nay, phù hợp cho các mạng GSM 2G khi chuyển tiếp lên 3G. VinaPhone đang hợp tác với các nhà cung cấp thiết bị hàng đầu về 3G trên thế giới để có thể nhanh chóng nâng cấp, lắp đặt và khai trương mạng 3G trong thời gian sớm nhất.

EVN Telecom - Hanoi Telecom rót 6.000 tỷ

Ông Đinh Thế Phúc, giám đốc EVN Telecom, cho biết liên danh EVN Telecom và Hanoi Telecom dự kiến đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng cho triển khai 3G trong ba năm đầu tiên. Dự kiến khoảng 9 tháng sau khi được cấp phép của Bộ TT&TT, liên doanh sẽ cung cấp dịch vụ 3G với vùng phủ sóng 50% dân cư.

EVN Telecom đã có hợp đồng với một số nhà cung cấp dịch vụ nội dung số để triển khai sau khi cung cấp dịch vụ 3G. Dự kiến doanh thu từ dịch vụ nội dung sẽ chiếm khoảng 5-10% doanh thu từ dịch vụ di động của EVN Telecom trong vài năm tới. Hiện tại, doanh thu từ dịch vụ nội dung chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong doanh thu của EVN Telecom.

(Theo ICTnews)



Bình luận

  • TTCN (0)