Trên thị trường tìm kiếm thông thường, có lẽ chiến thắng của Google là mãi mãi

Trong khi Google đã “phủ bóng” 3/4 thị trường tìm kiếm trên web, các cuộc chiến âm thầm nhằm lật đổ “ách thống trị” của họ vẫn đang diễn ra.

“Người” duy nhất có thể đánh bại Google là…

Theo tiết lộ của hãng nghiên cứu thị trường MoneyTree, chỉ tính riêng trong năm 2008, cả thế giới đã có khoảng trên 50 hãng tìm kiếm Internet mới ra đời cùng với đó là hàng trăm nhà tài trợ đứng ra rót vốn. Tổng số tiền mà các hãng tìm kiếm mới ra đời này đã huy động được ít nhất là 330 triệu USD. Nhưng các cỗ máy tìm kiếm non trẻ này sẽ hoạt động và phát triển ra sao khi xung quanh họ và dưới chân của Google, “xác” của những kẻ bại trận vẫn còn đang ngổn ngang? Tất nhiên, mỗi hãng sẽ có một chiến lược riêng với những dự định hết sức bí mật nhưng có một điều gần như chắc chắn rằng họ sẽ không đi theo con đường của Cuil.com – một cỗ máy tìm kiếm đã có thời rất “đình đám” và tưởng rằng sẽ đủ sức thay thế Google nhưng sau đó cũng “gục ngã tức tưởi”.

Menlo Park – công ty có trụ sở ở bang California (Hoa Kỳ) là một ví dụ của hướng đi mới. Có một điều thú vị là công ty này do chính một cựu lãnh đạo cao cấp của Google đứng ra thành lập hồi tháng 5/2008. Theo tiết lộ của một lãnh đạo trong Menlo Park, máy tìm kiếm mà họ xây dựng có bảng cơ sở dữ liệu và chỉ số tìm kiếm cao gấp 3 lần các tác vụ tìm kiếm hiện nay của Google. Những ngày đầu mới ra mắt, địa chỉ tìm kiếm của họ đã thu hút được một lượng truy cập khá lớn nhưng rồi chỉ sau một thời gian ngắn, mọi thứ lại cuốn theo vòng xoáy của Google và hút người dùng quay về đó.

Một lần nữa, bài học của Cuil đã được chứng minh: Các cỗ máy tìm kiếm ra đời sau có thể tốt hơn, đẹp hơn, ưu việt hơn Google nhưng cái sự “tốt, hay và đẹp” đó so với những gì mà Google đang có là không quá lớn và không đủ sức lôi kéo người dùng từ bỏ Google.

"Không hề có nhiều đất để xây dựng một đế chế tìm kiếm mới" Anand Rajaraman, một nhà sáng lập của Kosmix – hãng tìm kiếm chuyên biệt mới ra đời, lên tiếng thừa nhận, “Để hạ gục Google chỉ có một người duy nhất đó là… Google”.

Đi đường vòng?

Các hãng tìm kiếm mới ra đời giờ đây đã biết rút kinh nghiệm bằng cách “đi đường vòng” tức là đưa ra một số dịch vụ chuyên biệt mà Google chưa có và cổng tìm kiếm Like.com là một ví dụ. Đây là công cụ tìm kiếm do hãng San Mateo phát triển. Không đi vào tìm kiếm thông tin tổng quát như Google, Giám đốc Munjal Shah của Like.com đã quyết định đưa máy tìm kiếm của mình sang hoạt động trong lĩnh vực mua sắm và thời trang. Chỉ cần người dùng đưa ra một bức ảnh sản phẩm nào đó mà họ có hoặc đang được hiển thị trên Like.com,  công cụ tìm kiếm này sẽ tổng hợp các thông tin liên quan như nơi bán sản phẩm đó, giá đề nghị…

Giám đốc Shah cho biết, mô hình tìm kiếm này của hãng đã thành công và không ngừng phát triển trong những năm qua. Dự đoán, doanh thu của Like.com sẽ đạt mốc 20 triệu USD trong năm nay tăng 10 triệu so  với tổng doanh thu của cả năm ngoái và vượt xa mức doanh thu 1 triệu USD của năm đầu tiên (năm 2007).

Một công cụ tìm kiếm mới khác là Aardvark lại có cách làm cũng khá độc đáo. Thay vì tìm kiếm theo từ khóa hay hình ảnh, máy tìm kiếm này lại cho phép người dùng web đặt cả một câu hỏi và nó sẽ tự động tìm kiếm câu trả lời đầy đủ nhất. Tuy vậy, mô hình này vẫn chưa thể thành công vì trong nhiều trường hợp, kết quả (câu trả lời) mà nó đưa ra vẫn còn khá ngây ngô. Đại diện của Aardvark cho biết, trong một thời gian nữa, các phần mềm và ứng dụng của họ sẽ được cải tiến, bổ sung để thông minh hơn.

Theo hãng chuyên theo dõi môi trường web Hitwise, hiện các cỗ máy tìm kiếm khác ngoài Google mới chỉ chiếm một thị phần rất nhỏ, chưa đến 2% nhưng thời gian qua, chúng lại có tốc độ tăng trưởng khá ấn tượng. Cỗ máy tìm kiếm Kosmix là một điển hình rõ nét nhất khi thị phần của nó đã tăng với tốc độ 730%.

"Tôi nghĩ, những cuộc chơi trên thị trường tìm kiếm thông thường đã kết thúc và phần thắng có lẽ sẽ thuộc về Google mãi mãi nhưng điều đó không có nghĩa là môi trường Internet đã khép cửa với những công cụ tìm kiếm khác”, Rajaraman – ông chủ của Kosmix kết luận.

Theo ICTnews (Forbes)



Bình luận

  • TTCN (0)