Khi bạn bước vào tòa nhà số 99 trong khuôn viên Microsoft tại Redmond, Washington, bạn sẽ được đón chào bởi một lễ tân tên là Laura. Lạ ở chỗ Laura không phải là người thường mà là một nhân vật trên màn hình máy tính.

Tuy là một lễ tân ảo nhưng Laura có thể nói chuyện và tương tác với khách. Cô cũng đáp lại những cái gật đầu hoặc bắt tay của khách, cũng như phản ứng với những cử chỉ và lời nói. Công nghệ mà Microsoft sử dụng cho Laura là một ví dụ điển hình cho xu hướng giải phóng con người khỏi bàn phím và các thiết bị điều khiển từ xa, để hướng tới những giao tiếp tự nhiên hơn với máy tính, TV và thiết bị di động.

Công nghệ của tương lai

Những công nghệ tương tự như Laura chắc sẽ mất khá nhiều thời gian trước khi xuất hiện trên thị trường. Nhưng ở thời điểm hiện tại, người dùng đã có thể thưởng thức một phần công nghệ này, đó chính là thiết bị điều khiển cầm tay của Nintendo Wii và công nghệ màn hình cảm ứng iPhone. Với những sản phẩm đã sớm ra mắt kiểu vậy, người ta có thể vào một tương lại không xa các thiết bị điện tử quan trọng có thể điều khiển qua cử chỉ và giọng nói.

Tại Microsoft, những dự án liên quan tới công nghệ cảm ứng tương tác đang được thực hiện rất khẩn trương. Microsoft cũng đã từng ra mắt một sản phẩm đại diện cho xu hướng công nghệ này, đó chính là chiếc máy tính mặt bàn Microsoft Surface. Sản phẩm này được phát triển như một công nghệ kết hợp cả phần cứng và phần mềm, cho phép người dùng, hoặc nhiều người dùng, xử lý nội dung số bằng cách sử dụng những cử động tự nhiên, ra dấu bằng tay, hoặc bằng vật chất. Surfac được công bố vào ngày 29/ 5/ 2007 tại hội nghị D5, và hiện đã được bán cho các cơ sở kinh doanh như nhà hàng, khách sạn, công ty bán lẻ, và những nơi gặp gỡ giải trí công cộng.

Surface là một máy tính chạy Windows Vista có kích thức khá cồng kềnh giống như một chiếc bàn. Bên trên mặt bàn là màn hình cảm ứng 30-inch và bên dưới màn hình là 5 chiếc máy quay có thể cảm nhận được những vật gần đó. Người dùng có thể giao tiếp với máy bằng cách chạm hoặc rê đầu ngón tay và vật dụng như cọ vẽ dọc theo màn hình, hoặc bằng cách đặt những vật thực sự có dán nhãn mã vạch đặc biệt lên nó. Surface có khả năng đáp ứng 52 điểm chạm cùng một lúc và hiện đang được bán với giá tối đa là 10.000USD.

“Chúng tôi muốn mang lại những trải nghiệm thú vị hơn cho người dùng thông qua hình thức tương tác bằng cử chỉ và ngôn ngữ điều khiển tự nhiên”, Eric Horvitz, nhà nghiên cứu của Microsoft nhấn mạnh.

Sẽ sớm xuất hiện

Công nghệ tương tác mà Microsoft cũng như một số hãng đang sử dụng dự kiến sẽ được triển khai trên các mẫu TV, PC và một số thiết bị cầm tay khác trong năm tới. Hãng sản xuất TV của Nhật Bản – Hitachi đang phấn đấu trở thành tên hiệu lớn đầu tiên bán ra thị trường dòng TV có thể điều khiển bằng lệnh cử chỉ. Đây là một phần trong nỗ lực lớn hơn của Hitachi nhằm đơn giản hóa quy trình điều khiển trong bối con người ngày càng sử dụng các thiết bị công nghệ phức tạp hơn.

Ý tưởng về việc sử dụng các thiết bị điều khiển bằng cử chỉ đã có từ năm 1968 trong bộ phim mang tên: “2001: Chuyến du hành vào vũ trụ” (2001: A Space Odyssey). Giờ thì công nghệ này đã trở thành hiện thực và trong thời gian không lâu tới, những thiết bị điều khiển bằng cơ chế này sẽ xuất hiện đại trà trên thị trường.

Vậy thành tựu lớn nhất liên quan tới công nghệ này là gì? Đó là những chiếc máy quay đặc biệt có khả năng phát hiện khoảng cách vật thể từ ống kính, và biến các chuyển động trở nên chính xác hơn rất nhiều. Mặc dù các loại máy quay này vẫn còn khá đắt nhưng trong thời gian không xa trước mắt, chúng có thể sử dụng cho các loại TV hoặc thiết bị điện tử với giá thấp hơn. Khi đó, người dùng chỉ cần ngồi cách xa TV khoảng 3m rồi vẫy tay để thay đổi kênh. Còn khi đang trình bày PowerPoint, bạn chỉ cần xoay bàn tay theo chiều kim đồng hồ là tăng âm lượng trên chiếc laptop phát bài trình chiếu.

Nhiều tiềm năng

Do công nghệ điều khiển bằng cử chỉ khá mới nên các chuyên gia nhận định thị trường này sẽ biến chuyển theo nhiều chiều hướng khác nhau. Một số thì dự báo rằng chỉ có ít sản phẩm người dùng mới có thể điều khiển mà không phải sử dụng phím bấm hoặc màn hình. Còn những sản phẩm khác sẽ vẫn được tích hợp màn hình cảm ứng và vẫn cần có sự tiếp xúc vật lý. Theo nhà phân tích Roger L. Kay của Endpoint Technologies, thị trường màn hình cảm ứng dự kiến sẽ tăng gấp 5 lần trong khoảng thời gian từ nay cho đến năm 2013, đạt 500 triệu USD.

Trong khi đó, Phil McKinney, giám đốc kỹ thuật của bộ phận hệ thống cá nhân thuộc HP thì dự báo rằng nhu cầu công nghệ cử chỉ sẽ tăng rất mạnh trong thời gian tới. Cuối năm nay, HP dự kiến sẽ tích hợp nhiều tính năng điều khiển bằng cử chỉ cho dòng máy tính thông minh TouchSmart PC của hãng này, mặc dù HP vẫn chưa tiết lộ cụ thể công nghệ đó sẽ là gì. “Khả năng sử dụng điều khiển cử chỉ sẽ loại bỏ đáng kể những nhân tố ảnh hưởng tới dòng sản phẩm này”, McKinney cho biết.

Khi giá giảm xuống, các hệ thống được trang bị công nghệ cử chỉ sẽ xuất hiện ngày càng nhiều. Những thiết bị lắp đặt camera có thể giúp y bác sĩ quyết định xem các nạn nhân cao tuổi có phản ứng tích cực với các cử chỉ hướng dẫn hay không. Còn ở trường hợp, việc tương tác thông qua hệ thống cử chỉ sẽ giúp cho học sinh cảm thấy đỡ nhàm chán hơn.

Hiện tại công nghệ cử chỉ vẫn gặp nhiều trở ngại. Một trong số này là sự đa dạng về ngôn ngữ, tiếng địa phương, và văn hóa. Trong khi người Mỹ có thể sử dụng một ngón tay để chỉ thì ở châu Á hành động đó bị coi là khiếm nhã. Ngoài ra, người dùng cũng sẽ phải học cách huấn luyện cho thiết bị, và cũng khá tốn nhiều thời gian mới đạt được hiệu quả thực sự.

Theo VnMedia (PCW, C.Net, IDG News)



Bình luận

  • TTCN (0)