Do không đạt được thỏa thuận về giá cả và một số điều khoản khác mà thương vụ IBM - Sun Microsystems trị giá 7 tỉ USD để bị đổ bể. Chúng ta hãy nhìn lại một số vụ sát nhập bất thành lớn nhất trong thời gian qua để thấy rằng không phải lúc nào “cá lớn cũng nuốt được cá lớn”.

Microsoft - Intuit (1994 - 1995)

Năm 1994, Microsoft đưa ra đề xuất trị giá 2 tỉ USD, số tiền được coi là khổng lồ nhất tại thời điểm đó, để mua lại công ty phần mềm tài chính Intuit. Microsoft đã nhìn thấy cơ hội thu phí của Intuit đối với hoạt động xử lý các phiên giao dịch ghi tài khoản trực tuyến. Khả năng này nhờ vào phần mềm tài chính Quicken của Intuit.

Tuy nhiên, Microsoft cũng có một chương trình tài chính riêng có tên là Money, và cùng với Quicken, hai phần mềm này chiếm tới 90% thị trường xử lý tài chính trực tuyến của Mỹ. Tháng 4/2005, Bộ Tư pháp đã ngăn chặn thương vụ sáp nhập này vì cho rằng nó vi phạm luật chống độc quyền. Một tháng sau đó, Microsoft và Intuit đã hủy vụ làm ăn này.

Bell Atlantic - TCI (1993 - 1994)

Năm 1993, trong một vụ sáp nhập doanh nghiệp được mô tả lớn nhất nước Mỹ, Công ty điện thoại Bell Atlantic đã đồng ý trả 33 tỉ USD để mua lại công ty truyền hình cáp Tele-Communications (TCI) lớn nhất nước này. Tuy nhiên, thỏa thuận giữa hai bên đã đổ vỡ vào đầu năm tiếp theo khi John Malone (sau nay là CEO của TCI) và Raymond W. Smith (lãnh đạo của Bell Atlantic) không tìm thấy sự đồng nhất về văn hóa doanh nghiệp giữa hai công ty. Giờ thì Bell Atlantic là một phần của hãng viễn thông Verizon Communications; còn TCI đã được AT&T mua lại năm 1999 rồi sau đó bán cho Comcast năm 2001.

Deutsche Telekom - Qwest (2000)

Trong nỗ lực thâp nhập vào thị trường viễn thông Mỹ, hãng viễn thông của Deutsche Telekom (DT), Đức đã đưa ra đề nghị mua lại nhà khai thác dịch vụ viễn thông Qwest Communications với giá 51 tỉ USD. Thương vụ khổng lồ này cũng thất bại vì các ông chủ Mỹ không tin rằng việc họ bán Qwest là phục vụ lợi ích của đất nước.

Hewlett-Packard - PricewaterhouseCoopers (2000)

Trước khi CEO HP, Carly Fiorina, chỉ đạo quyết liệt vụ sáp nhập trị giá 25 tỉ USD với Compaq, bà này cũng đạo diễn một thương vụ có giá trị khổng lồ khác, đó là chi 18 tỉ USD để mua lại công ty tư vấn và quản lý IT PricewaterhouseCooper (PwC).

Trước đó PwC đã tìm cách giảm bớt mối liên hệ giữa bộ phận tư vấn và kinh doanh kế toán. Động thái này đã bị Ủy ban giao dịch chứng khoán Mỹ đặt câu hỏi vì nó xung đột với lợi ích của chính hãng này. Tháng 9/2000, HP đã đưa ra đề nghị mua lại PwC nhưng sau đó lại giãn ra khi giá cổ phiếu của PwC giảm và doanh thu không được như mong muốn. Một năm sau đó, IBM mua lại PwC với giá chỉ có 3,5 tỉ USD.

MCI WorldCom - Sprint (2000 - 2001)

Tháng 10/1999, MCI WorldCom đưa ra cái giá 129 tỉ USD (trả bằng cổ phiếu và thanh toán nợ) để mua lại Sprint. Mức giá đề nghị này cao hơn 29 tỉ USD so với mức giá mà hãng đối thủ BellSouth trả cho Sprint. Tham vọng của MCI WorldCom khá lớn bởi hãng này đang đứng thứ 2 trên thị trường viễn thông, còn Sprint đứng thứ ba.

Các nhà làm luật của Mỹ và châu Âu đã chất vấn khá nhiều về thương vụ này, và cuối cùng thỏa thuận mua bán cũng bị hủy bỏ. Sau đó, WorldCom còn bị phát hiện gian dối tài chính khiến cho CEO hãng này là Bernard Ebbers và một số quan chức cao cấp khác của hãng buộc phải ra đi. WorldCom bị phá sản và cuối cùng bị Verizon mua lại năm 2005 với giá 7,6 tỉ USD.

EMI - Warner Music (2000)

Tưởng chừng thương vụ EMI-Warner Music đã thành công nhưng lại hóa ra thất bại. Năm 2000, hai công ty này đã cố vận động hành lang để các nhà làm luật châu Âu chấp nhận thỏa thuận sáp nhập trị giá 20 tỉ USD. Không những thế, một số hãng thu âm lớn khác cũng có các động thái tương tự. AOL và Time Warner công bố thỏa thuận sáp nhập lên tới 135 tỉ USD. Còn thương vụ Warner - EMI được cho rằng buộc phải hy sinh để đạt được các thỏa thuận lớn hơn. Năm 2003, EMI lại một lần nữa cố mua Warner Music từ tay TimeWarner nhưng không thành.

Microsoft - SAP (2003)

Các thỏa thuận mua bán giữa Microsoft và công ty phần mềm SAP của Đức đáng ra là được giữ bí mật nếu không có vụ ầm ĩ giữa Oracle và PeopleSoft. Oracle đã mạnh tay chi 10,3 tỉ USD để mua lại hãng phần mềm PeopleSoft. Vụ mua bán này ầm ĩ đến nỗi Bộ Tư pháp Mỹ phải nhạy vào cuộc để ngăn chặn. Chính vì vậy thương vụ Microsoft - SAP cũng bị để mắt tới và cuối cùng cũng không thành do những lý do tương tự.

Viacom - MySpace (2005)

Năm 2005, Viacom theo đuổi vụ sáp nhập trí giá 500 triệu USD với MySpace nhưng lại bị “bật bãi” do News Corp. đưa ra mức giá cao hơn – 580 triệu USD. CEO của News Corp. là Rupert Murdoch đã có cuộc gặp riêng với Roger Rosenblatt, CEO của MySpace để thỏa thuận làm ăn và cuối cùng vụ mua bán này diễn ra vẻn vẹn có 6 ngày.

Cũng tại thời điểm đó, CEO Viacom Tom Freston đang có kỳ nghỉ tại Hawaii và rõ ràng ông này không thiếu hẳn lợi thế so với ông chủ của News Corp.

Yahoo! - Facebook (2006)

Yahoo đã đưa ra đề nghị mua lại Facebook với giá 1,4 tỉ USD nhằm thâm nhập sâu hơn vào lĩnh vực mạng xã hội. Tuy nhiên, Facebook đã từ chối lời đề nghị này và thỏa thuận hai bên đã đổ vỡ vào tháng 7 năm đó. Cũng trong năm này, Facebook nhận được 240 triệu USD từ Microsoft và đưa giá trị ước tính của hãng này lên tới 15 tỉ USD. Tuy nhiên, đến nay thì giá giá của Facebook chỉ còn 4 tỉ USD.

Microsoft - Yahoo! (2008)

Với con mắt luôn dè chừng đối thủ Google, gã khổng lồ phần mềm Microsoft đã làm cả thế giới công nghệ phải “sốc” khi đưa ra mức giá đề nghị 44,6 tỉ USD để mua lại Yahoo vào tháng 2/2008. CEO khi đó của Yahoo là Jerry Yang đã kịch liệt phản đối vụ mua bán này.

Đầu tháng 5/2008, CEO Microsoft Steve Ballmer rút lại lời đề nghị 47,5 tỉ USD mà hãng này đã đưa ra trước đó để “dụ ngọt” Yahoo. Một tháng sau đó, Steve Ballmer tuyên bố hủy toàn bộ các thương thuyết giữa hai bên. Cuối cùng cũng chính do phản đổi vụ mua bán với Microsoft mà Yang đã phải rút lui khỏi vị trí CEO và nhường lại cho Carol Bartz (từng là CEO của Autodesk).

Xem thêm: Toàn cảnh thương vụ Microsoft - Yahoo!.

Facebook - Twitter (2009)

Cùng với những động thái được thực hiện từ cuối năm 2008, Facebook đã cố mua lại trang tiểu blog Twitter với giá 500 triệu USD (trả bằng cổ phiếu và tiền mặt). Thương vụ này cũng đổ vỡ vì cả hai bên không đạt được thỏa thuận về giá trị thực của Facebook.

(Theo VnMedia/CNET, IDG News, PC World)




Bình luận

  • TTCN (0)