Oracle vừa ký thỏa thuận mua tập đoàn Sun với giá 7,4 tỉ USD nhằm biến hãng này thành một nhà sản xuất phần cứng, tích hợp phần sản xuất phần mềm vào với Oracle, đồng thời đưa Sun vào danh sách các công ty mới nhất bị thôn tính tại Thung lũng Silicon.

Oracle đồng ý trả 9,50 USD/cổ phiếu cho Sun, trị giá 7,4 tỉ USD (vì Sun hiện đã có 1,8 tỉ USD tiền mặt nên Oracle thực tế chỉ mất 5,6 tỉ USD). Động thái này được thực hiện sau khi Oracle liên tiếp mua lại các công ty nhỏ trong vài năm trở lại đây, bao gồm Siebel, PeopleSoft và BEA Systems.

Theo chân IBM

Thỏa thuận đạt được giữa Oracle và Sun diễn ra chỉ sau vài tuần khi Sun rút khỏi cuộc đàm phán với IBM. Chính IBM đã chủ động rút lại lời đề nghị mua lại Sun Microsystems với giá 7 tỉ USD trong thương một vụ sáp nhập mà nếu thành công sẽ vẽ lại “bản đồ” ngành công nghệ thông tin thế giới. Một trong những lý do dẫn tới sự đổ vỡ của thương vụ này chính là việc hai bên không đạt được thỏa thuận về giá cả.

Trước đây, IBM đề nghị trả Sun mức giá 9,50 USD/cổ phiếu, gấp đôi giá trị cổ phiếu cuối tháng trước của Sun. Tuy nhiên, sau khi tin tức về vụ sát nhập IBM - Sun công bố ra ngoài, giá cổ phiếu của Sun cách đây 2 tuần đã tăng lên nhanh chóng và đạt mức 8,49 USD/cổ phiếu.

Ít bị chồng chéo

Microsoft sửng sốt khi Oracle mua lại Sun

Giám đốc điều hành Steve Ballmer của Microsoft không thể che giấu sự ngỡ ngàng và bất ngờ trước kế hoạch mua lại Sun Microsystems và nhảy vào thị trường phần cứng của đối thủ Oracle. “Tôi vừa mới biết chuyện... Tôi cần có thời gian để suy ngẫm về việc này. Tôi thực sự ngạc nhiên”, ông Ballmer chia sẻ với báo giới tại Moscow. (theo VietNamNet/PC World)

Mặc dù Oracle có ý định mua lại Sun, nhưng trước đây hãng này chưa bao giờ có một bộ phân kinh doanh hệ điều hành máy chủ hoặc phần cứng – 2 lĩnh vực liên quan mật thiết với Sun. Trên thực tế, hệ điều hành Solaris của Sun đã và đang là nền tảng rất thành công đối với hoạt động kinh doanh cơ sở dữ liệu của Oracle.

Cả Oracle và Sun đều có một số lĩnh vực cùng quan tâm, chẳng hạn như hỗ trợ phần mềm Java – một trong ít ỏi những lĩnh vực chồng chéo của cả hai. Sun đã có máy chủ ứng dụng Java nguồn mở Glassfish mà Oracle quan tâm, mặc dù phần mềm Java thương mại chính thức của Sun là Java Enterprise System (JES) lại không phổ biến.

Oracle cũng khá chồng chéo về lĩnh vực trên khi hãng này mua lại BEA. Tuy nhiên BEA WebLogic lại tỏ ra khá hiệu quả và mang lại bộn tiền cho Oracle. Trong khi JES quá nhỏ và chắc Oracle không có ý định giữ lại bộ phận này sau khi sát nhập với Sun.

Oracle nói rằng thỏa thuận với Sun sẽ giúp mang lại nhiều doanh thu cho hãng này trong năm đầu tiên. Doanh thu này thậm chí hơn nhiều hơn vụ sát nhập BEA Systems, PeopleSoft và Siebel cộng lại. Sun sẽ đóng góp khoảng 1,5 tỉ cho lợi nhuận khai thác của Oracle trong năm đầu tiên. Con số này sẽ tăng lên gấp đôi vào năm sau.

Cứu rỗi

Đối với Sun, việc “bán mình” cho Oracle sẽ giúp CEO Jonathan Schwartz không phải chống chọi với việc vực dậy hãng này, vốn kinh doanh trì trệ trong nhiều năm qua. Doanh thu của Sun đã giảm liên tục kể từ thời điểm đỉnh cao “dot-com” khi khách hàng chủ yếu sử dụng hệ máy chủ UNIX đắt tiền của hãng thay cho nền tảng x86 của Microsoft. Giá cổ phiếu của Sun trong nhiều năm qua luôn trong tình trạng tụt dốc và chưa bao giờ tăng trở lại.

Nếu sáp nhập với Sun, Oracle sẽ phải tính toán lại bộ phận kinh doanh phần cứng và hệ điều hành máy chủ. Ngoài việc hỗ trợ Solaris trong nhiều năm qua, Oracle cũng sẽ hỗ trợ phần mềm trên Linux. Thỏa thuận mới cũng giúp Oracle kết hợp mô hình kinh doanh phần cứng/phần mềm sát với mô hình của đối thủ IBM hơn.

“Vụ Oracle - Sun chẳng ảnh hưởng đến IBM!”

Với một cái nhún vai bình thản, Giám đốc tài chính của IBM Mark Loughridge phát biểu về thương vụ Oracle – Sun: “Cái gì thay đổi ở IBM ư? Tôi nghĩ chẳng có gì cả”.

Trong một hội nghị truyền hình thường kỳ về tài chính của tập đoàn, Giám đốc tài chính Loughridge đã trả lời câu hỏi của các phóng viên về thái độ của IBM trước thương vụ này. Theo Mark Loughridge, từ nhiều năm nay IBM đã phải cạnh tranh khốc liệt với cả 2 đối thủ Sun và Oracle và việc họ tồn tại độc lập hay sáp nhập với nhau cũng chẳng ảnh hưởng gì đến các chiến lược kinh doanh của IBM. “Điều duy nhất thay đổi là số phận và sự tồn tại của Sun. Còn với IBM, dù với điều kiện nào thì chúng tôi cũng đã chiến thắng”, Loughridge nói.

Để lý giải cho tuyên bố của mình, ông giám đốc tài chính đã cho biết, trong quý I/2009, dòng sản phẩm hệ thống và máy chủ của IBM đã tăng thêm 4% thị phần, trong đó các hệ thống AIX và hệ điều hành Linux dành cho máy chủ  của họ đang cạnh tranh trực tiếp với các sản phẩm của Sun. Đại diện của IBM còn mạnh dạn tuyên bố rằng thị phần của họ ở nhóm sản phẩm phần mềm trung gian cũng đã khiến cho Oracle phải lo lắng.

Vị giám đốc tài chính của Big Blue (biệt danh của giới IT đặt cho IBM) còn cho biết thêm rằng IBM đã hoàn tất hơn 100 vụ thâu tóm kể từ năm 2000 đến nay và tiêu tốn tới 20 tỷ USD cho các thương vụ này. “Chúng tôi vẫn có những dòng tiền mặt rỗi rãi và có đủ phương án để sử dụng chúng một cách linh hoạt nhất như đầu tư nội bộ, chia cổ tức, mua lại cổ phiếu hay thâu tóm – sáp nhập. Sun không phải là sự lựa chọn duy nhất của IBM”.

(Theo VnMedia, ICTnews/CNET, PC World)



Bình luận

  • TTCN (3)
Hải Nam  30903

Lúc trước Sun bỏ ra 1 tỉ mua MySQL. Giờ Oracle lụm Sun. MySQL sẽ ra sao nhỉ, vì MySQL AB cũng có giải pháp dành cho xí nghiệp lớn, nghĩa là đối chọi với Oracle.

OpenOffice lọt vào tay Oracle thì tình hình hi vọng sáng sủa hơn nữa.

Nguyễn Tiến Long  32

Khả năng Oracle bỏ đi mảng MySQL Enterprise là rất lớn.. 1 mất mát cho cộng đôòg Open Source.

Hải Nam  30903

Oracle bỏ thì đứa khác nhảy vào làm Smile Không lâu sau khi tiến hành vụ mua bán này, thì thành viên sáng lập MySQL, Monty Widenius, cùng một số "bạn hữu" đã lập ra Open Database Alliance Wink http://bit.ly/a1xjEX