Đề tài băng rộng di động gần đây đang tập trung vào LTE, WiMAX và 4G. Điều này như thể 3G đã chết còn 2G thuộc về một kí ức xa xôi. Tuy nhiên, khi nhìn vào thực tế, các mạng số liệu di động ngày nay lại khá trái ngược. Theo nhóm nghiên cứu thị trường In-Stat, 2G đang thống trị, và 3G chỉ vừa mới bắt đầu định hình.


Quảng cáo trong ngành công nghiệp không dây đi nhah hơn nhiều so với thị trường thực sự. Phải mất cả thập kỉ để nhà khai thác đóng cửa một mạng trước đó. Chẳng hạn, AT&T bắt đầu chuyển dịch người sử dụng mạng 1G sang TDMA vào năm 2001. Nhưng mạng 1G đã không hoàn toàn bị đóng cửa cho đến năm ngoái. NTT Docomo ra mắt mạng 3G đầu tiên vào năm 2001, nhưng đến tháng 2 vừa rồi họ mới thông báo sẽ đóng cửa 2G vào năm 2012.

Ở nhiều vùng trên thế giới như Ấn Độ và châu Phi, 2G còn nhiều năm nữa trong chu kì sống. Trung Quốc vừa bắt đầu giới thiệu các mạng 3G. Ấn Độ, đất nước có dân số đông thứ hai trên thế giới, lại tụt hậu sau Trung Quốc về mặt này.

Nếu bạn nghe nói về sự hối hả sắp đến của 4G, thì cần quan tâm đến số liệu sau:

  • Hơn nửa trong tổng số các trạm gốc được giao bán trong năm 2008 là 2G
  • Vào năm 2012, số trạm gốc LTE sẽ ít hơn 1% của tất cả số trạm gốc giao bán cho năm. Số trạm gốc 2G (chủ yếu sử dụng EDGE) sẽ lớn hơn 25 lần so với LTE trong năm đó.
  • Vào năm 2013, trong số hơn 1,5 tỉ điện thoại di động được bán ra theo dự báo của In-Stat, chỉ có 1,7% là LTE. Phần còn lại thuộc về công nghệ 2G và 3G.
  • Doanh thu của dịch vụ 3G sẽ không vượt qua được 2G cho đến năm 2012
  • Về tổng số, 2G tạo ra nhiều doanh thu hơn. Về trung bình trên người sử dụng, 3G có doanh thu cao hơn.
  • Các thị trường hàng đầu của 3G là Bắc Mỹ, Tây Âu và các khu vực phát triển của châu Á.

Có vài lý do giải thích tại sao các công nghệ cũ hơn sẽ vẫn tiếp tục tồn tại lâu dài sau khi các nhà khai thác bắt đầu nói về mạng 4G của họ. Lí do đầu tiên là không phải tất cả khu vực trên thế giới đều phát triển ở cùng tốc độ. Các khu vực ít phát triển hơn về mặt kinh tế thì chậm chấp nhận các công nghệ mới hơn.

Thứ hai, các công nghệ cũ cũng cần để đảm bảo việc phủ sóng. Chẳng hạn, nước Mỹ có nhiều mạng 3G phát triển tốt. Tuy nhiên, những mạng này thiếu sự phủ sóng rộng khắp toàn bộ quốc gia. Những nhà khai thác khi triển khai các mạng mới đều bắt đầu ở những khu vực tập trung đông dân cư nhất. Họ giữ các mạng 2G để phủ sóng ở những nơi 3G không có mặt. Để cho một mạng cũ hơn “về hưu”, nhà khai thác cần phải hoàn thiện vùng phủ sóng với công nghệ mới hơn và đảm bảo rằng tất cả thuê bao của họ có thiết bị để có thể làm việc với mạng mới này. Như là chúng ta sẽ thấy trong thập kỉ tới với 4G, việc sẽ chiếm rất nhiều thời gian.

Huyền Nga (theo EET India)



Bình luận

  • TTCN (0)