Học sinh một trường tiểu học - THCS quốc tế và những “chú dế” ngoài giờ học - Ảnh: H.T.

55,9% học sinh (HS) cấp I, II có điện thoại di dộng (ĐTDĐ). Trong 44,1% còn lại có 14,4% HS xài ké điện thoại của ba mẹ, bạn bè; nâng số HS dưới 16 tuổi thường xuyên sử dụng ĐTDĐ lên 70,3%.


Đó là những con số chúng tôi có được qua cuộc khảo sát bỏ túi với trên 500 mẫu về thực tế sử dụng ĐTDĐ trong tuổi học trò từ lớp 4 đến lớp 9 ở TP.HCM.

Học trò dùng ĐTDĐ để làm gì?

Ngoài giờ học, 30,5% HS dùng ĐTDĐ để giải trí. Cụ thể nghe nhạc (22,8%), gọi (20,5%), chơi game (16,6%), nhắn tin (16,6%), chụp hình (14,9%), quay phim (8,6%)...

Với câu hỏi “Nếu được mua điện thoại mới, bạn thích mua loại nào?”, Thanh Tuấn (*), lớp 7 Trường THCS Kim Đồng, hồn nhiên cho biết: “Sẽ mua những điện thoại độc đáo so với ĐTDĐ của các bạn và lạ để ba mẹ... khỏi xem tin nhắn”.

Trong khi đó, dù được sở hữu ĐTDĐ từ tiểu học nhưng Tùng Lâm, lớp 9 Trường Kim Đồng, lại cho rằng: “Mình chỉ nên mua loại nào phù hợp túi tiền học trò”. Kinh Luân, lớp 5 Trường APC, cụ thể: “Loại nghe được, nhắn tin được vì có thể liên hệ cha mẹ đến đón sớm”.

ĐDDĐ từ đâu? Giá cả? Sử dụng ra sao?

Hơn 80% mẫu khảo sát trả lời được ba mẹ tặng điện thoại vào dịp sinh nhật, đạt kết quả tốt trong các kỳ thi, nghỉ hè, đi học xa nhà... 7,2% bạn trả lời được họ hàng tặng, một số khác cho rằng mình tự mua (11,9%), bạn bè tặng (0,9%). “Cha mẹ muốn biết chị em mình đang ở đâu, làm gì” - Tuấn Tú, lớp 8 Trường THCS Thị trấn 2, huyện Củ Chi, cho biết.

Giá cả ĐTDĐ mà các bạn HS đang sử dụng rải khá đều từ thấp lên cao: dưới 500.000 đồng (24,6%), 500.000-1 triệu (17,1%), 1-2 triệu (17,8%), 2-3 triệu (16,3%) và 24,2% bạn cho biết “chú dế” của mình có giá trên 3 triệu đồng.

Một điều đáng lưu ý: tuy chưa đến 16 tuổi nhưng 32,9% HS được khảo sát từng sử dụng 2-3 ĐTDĐ; 16,7% từng dùng qua trên ba ĐTDĐ.

Khi được hỏi, hơn nửa số HS được khảo sát trả lời nhắn dưới năm tin/ngày, 18,9% bạn gửi 5-10 tin/ngày và 30,5% bạn gửi trên 10 tin/ngày. Mỗi ngày 49,2% HS gọi bằng ĐTDĐ 1-3 lần và 30,4% bạn gọi trên ba cuộc trong ngày. Với tình trạng nhắn tin và gọi bằng ĐTDĐ như vậy, chỉ có 32,6% HS bị ba mẹ than phiền.

Nếu không có ĐTDĐ?

Trả lời câu hỏi “Nếu không có ĐTDĐ như bạn bè, bạn cảm thấy thế nào?”, 46% tỏ ra chán nản, buồn, tủi thân... Anh Thư, lớp 9 Trường tiểu học - THCS quốc tế Tân Nam Mỹ, bức xúc: “Chán, bất công. Tại sao bạn bè có mà mình không có!”.

Tuy nhiên, 54% HS lại cho rằng không có ĐTDĐ cũng là điều bình thường. Bạn Tâm Lan, lớp 6 Trường Kim Đồng, cho rằng “dùng ĐTDĐ rắc rối và tốn tiền cha mẹ. Trong giờ học, ĐTDĐ kêu phiền phức lắm”. Còn Ngọc Nga, HS lớp 9 Trường Kim Đồng, cho biết: “Chúng mình thường liên hệ qua điện thoại bàn cho đỡ tốn tiền”.

(*) Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi. 

Nhà trường nói sao?

 * Cô Nguyễn Thị Xã (hiệu trưởng Trường tiểu học-THCS quốc tế Tân Nam Mỹ):

“Do hoàn cảnh, một số HS nội trú trong trường cần ĐTDĐ để liên lạc thường xuyên với gia đình. Thế nên nhà trường không cấm các em sử dụng ĐTDĐ, chỉ không được dùng trong giờ học”.

* Thầy Nguyễn Văn Tiến (hiệu trưởng Trường THCS quốc tế châu Á-Thái Bình Dương):

“Khó cấm HS mang ĐTDĐ đến trường nhưng nhà trường sẽ nhắc nhở những em sử dụng trong giờ học”.

* Thầy Lê Thái Minh Hầu (hiệu trưởng Trường tiểu học Trần Quốc Toản):

“Nhà trường đã thông báo khi cần thiết các em có thể liên hệ với giáo viên để sử dụng điện thoại bàn trong trường khi liên hệ với gia đình”.

(Theo Tuổi trẻ online)



Bình luận

  • TTCN (0)