Linux Ubuntu, một phiên bản hệ điều hành nguồn mở mới nổi. Ảnh: Infoworld.

Trong mắt Viện công nghệ Massachussettes (MIT), tương lai của phần mềm và phát triển Web chính là một "sự kiện mang tính toàn cầu", cần có sự hợp tác giữa tất cả các nước.

Ngay sự nổi lên của những mạng xã hội ảo như MySpace cũng chỉ mới là "khởi đầu cho một ngôi làng toàn cầu đích thực."

Một điểm hết sức thú vị trong bài phát biểu của đại diện MIT tại hội thảo E-content Summit 007 chính là những thay đổi trong cách đưa tin và tiếp nhận thông tin của con người.

Những đế chế truyền thông khổng lồ, nơi mọi luồng thông tin ra vào đều bị kiểm soát lại song hành tồn tại với các mạng xã hội ảo, nơi bất cứ thông tin nào cũng có thể được người dùng post lên, chia sẻ một cách tự do.

Họ thậm chí còn có quyền bình phẩm, bầu chọn cho những nội dung theo mình là thú vị và hấp dẫn, bác bỏ vai trò của một độc giả thụ động, chỉ biết tiếp nhận một chiều những nội dung đã qua biên tập do báo giới chuyển đến.

"Trong một tương lai gần, chúng ta sẽ chứng kiến tác động của "tính cộng đồng" này lên những môi trường vốn đơn thuần là thương mại hóa hiện nay. Lấy thí dụ như phát triển phần mềm", đại diện MIT tuyên bố.

Nguồn mở đang từng bước chinh phục thế giới, với những bước đi chậm mà chắc. Nhiều hãng phần mềm đã công khai mã sản phẩm của mình để huy động khả năng sáng tạo và sự nhiệt tình của cộng đồng các nhà phát triển thứ ba.

"Hợp tác không biên giới, đấy mới chính là tương lai cần hướng tới của phát triển phần mềm. Khi cả thế giới cùng nói đến toàn cầu hóa, không có lý gì để công nghệ nói chung và phát triển phần mềm nói riêng lại đứng ngoài cuộc chơi và quay lưng lại với xu thế chung."

(Theo Vietnamnet) 



Bình luận

  • TTCN (0)