Giao diện giới thiệu công cụ tìm kiếm trên Wolfram Alpha

Thế giới Internet ngày nay có lẽ không ai không biết đến "gã khổng lồ" Google dẫn đầu công nghệ tìm kiếm trực tuyến. Tuy vậy, vị trí của Google có thể sẽ phải lung lay trước một đối thủ mới được các chuyên gia đánh giá "có thể quan trọng như Google", đó là Wolfram Alpha.

Wolfram Alpha là đứa con tinh thần của nhà vật lý người Anh Stephen Wolfram. Website này cung cấp miễn phí chương trình giúp trả lời trực tiếp các câu hỏi của người dùng, thay vì hiển thị các trang web để đáp lại yêu cầu tìm kiếm như các công cụ tìm kiếm khác.

Website này ứng dụng công nghệ mới gọi là "Tri thức điện toán" sẽ được giới thiệu ra công chúng từ giữa tháng 5/2009. Nhưng tại thời điểm này, khi các chương trình PR đang ở giai đoạn cao trào, Wolfram Alpha đang là chủ đề nóng của giới truyền thông công nghệ.

Trong cuộc trình diễn tại Trung tâm Internet và Xã hội Berkman thuộc Đại học Harvard, Tiến sĩ Wolfram đã cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là làm cho những kiến thức chuyên môn có thể truy cập được bởi bất cứ ai, bất cứ nơi đâu, bất cứ lúc nào”. Công cụ web này sẽ tự động hóa việc trả lời các câu hỏi ngẫu nhiên nhờ lấy dữ liệu từ các cơ sở dữ liệu công cộng hoặc những dữ liệu có bản quyền, và các nguồn cấp dữ liệu trực tiếp như giá chứng khoán và thời tiết. Người dùng có thể vào website để tìm kiếm những thông tin đơn giản - ví dụ như chiều cao của núi Everest - hoặc những thông tin phức tạp đòi hỏi phải trộn lẫn nhiều dữ liệu với nhau, chẳng hạn như GDP cập nhật của một quốc gia. Các chức năng khác nhau của trang web cũng giúp giải quyết các bài toán phức tạp, số liệu khoa học hoặc vẽ biểu đồ các sự kiện tự nhiên.

Tiến sĩ Wolfram cho biết “Cũng giống như tương tác với một chuyên gia, trang web sẽ hiểu những gì bạn đang nói, thực hiện tính toán, và sau đó trình bày với bạn những kết quả”. Nhưng điều này cũng dẫn đến kết quả là phần lớn các dữ liệu mang tính khoa học, và có ít thông tin văn hóa như thông tin về các ngôi sao nhạc pop hoặc diễn viên điện ảnh. Về  tiến trình triển khai dự án mới này, Tiến sĩ Wolfram đã tiết lộ "hàng nghìn tỉ mẫu dữ liệu” đã được lựa chọn và quản lí bởi một nhóm các chuyên gia tại Trung tâm nghiên cứu Wolfram. Những chuyên gia này cũng đã tiến hành chuẩn hóa thông tin để đảm bảo hệ thống có thể đọc và hiển thị được.

Đánh giá về Wolfram Alpha, người đã sáng lập ra trang web Twine, Nova Spivak đã mô tả Wolfram Alpha có tiềm năng trở thành website quan trọng như Google. Ông đã viết “Truy cập vào Wolfram Alpha giống như “cắm” vào một bộ não điện tử khổng lồ. Nó tính toán để đưa ra câu trả lời chứ không chỉ đơn thuần là tìm trong một tập hợp dữ liệu lớn.”

Giao diện giống Google - Sự khác biệt nằm ở kết quả tìm kiếm

Ảnh
Tiến sĩ Stephen Wolfram

Những khó khăn, phức tạp khi phát triển website Wolfram Alpha lại nằm ở vấn đề ngôn ngữ. Công cụ web mới sử dụng một kỹ thuật được gọi là Công nghệ xử lí ngôn ngữ tự nhiên để đưa ra các câu trả lời. Điều này cho phép người dùng đặt các câu hỏi bằng cách sử dụng ngôn ngữ nói thông thường chứ không cần dùng các thuật ngữ tìm kiếm. Ví dụ, một yêu cầu tìm kiếm đơn giản chẳng hạn như "Ai là Tổng thống của Brazil năm 1923?", Sẽ câu trả lời là "Artur da Silva Bernardes". Công nghệ này từ lâu đã được coi là bảo bối của các nhà khoa học điện toán, nhằm mục đích để cho phép con người tương tác với máy vi tính theo bản năng, chứ không nhất thiết phải có trình độ chuyên môn về vấn đề cần tìm. 

Tiến sĩ Wolfram cho biết Wolfram Alpha đã giải quyết rất nhiều các vấn đề trong việc diễn giải các câu hỏi của người dùng. Ông nói: “Chúng tôi nghĩ rằng sẽ có rất nhiều ngôn ngữ tìm kiếm tối nghĩa, nhưng điều đó sẽ không thành vấn đề”. Ngoài ra, ông cho biết, hệ thống cũng đã làm "khá tốt trong việc loại bỏ những từ ngữ thừa", các loại từ ngữ mà không cần thiết cho hệ thống để tìm và tính các dữ liệu có liên quan.

Công nghệ xử lí ngôn ngữ tự nhiên từ lâu đã là lĩnh vực được nhiều công ty dot.com khai thác. Ví dụ, Powerset sử dụng công nghệ phát triển tại Trung tâm Nghiên cứu Palo Alto, trung tâm nghiên cứu trước đây của Xerox. Công ty này đang cố gắng xây dựng một website tìm kiếm "đọc và hiểu được tất cả các câu trên Web". Trong tháng năm 2008, công ty phát hành một công cụ cho phép mọi người tìm kiếm các phần của Wikipedia. Hai tháng sau, nó đã được Microsoft mua lại.

Mặc dù đã có nhiều dự án khác nhau tiếp cận vấn đề xử lý ngôn ngữ tự nhiên và tìm kiếm thông tin trên Internet, nhưng Wolfram Alpha với quy mô tiếp cận rộng lớn và tiếp thu được những thành tựu mới có thể sẽ tạo nên bước ngoặt thú vị trong lĩnh vực tìm kiếm trên Internet. Tiến sĩ Wolfram đã làm việc cho dự án Wolfram Alpha suốt mấy năm qua. Tuy nhiên, ông biết rằng Wolfram Alpha sẽ tiếp tục phát triển. Ông nói "Chúng tôi cảm giác là mình mới đang ở giai đoạn đầu".

(Theo Tuổi trẻ online/BBCNews)



Bình luận

  • TTCN (4)
MrTux  13

Vẫn phải chỉ là những tuyên bố ...

Rất nhiều người đã tuyên bố có thể đánh bại Google, và kết quả thì ai cũng thấy rõ ...
Mình không tin là hiện tại ai có thể đánh bại được Google !!!

Hải Nam  30903

Nếu làm như Wolfram nói thì không phải là "kình địch" rồi, vì mục tiêu khác nhau. Thí dụ đơn giản như "Ai là Tổng thống của Brazil năm 1923?" thì Google dư sức làm được, mà ngay cả hiện tại gõ câu này vào, click link đầu tiên là xong. Wolfram nói rằng "Nhưng điều này cũng dẫn đến kết quả là phần lớn các dữ liệu mang tính khoa học" nghĩ là giải quyết những vấn đề không trực tiếp có trên Web? Như là "Tại sao Apollo 13 thất bại?" hay là "Làm sao tính tích phân của blabla?"...

Công nghệ của Wolfram đã được khẳng định lâu nay rồi. Nhưng liệu có đối đầu nổi không thì còn xem đã, nếu mục tiêu là chiếm 1% thị phần (vài tỉ USD) thì cũng có thể gọi là thành công. Lớn như Microsoft mà cũng chỉ chiếm nổi 8% thôi.

Minh Đạt  823

Thị phần bây giờ đang thiếu 1 dịch vụ kiểu như Wolfram mà đủ mạnh để phục vụ người sử dụng internet.
Nhưng sao vô trang Wolframe alpha không gõ được gì hết vậy?

Hải Nam  30903

Chưa ra mắt mà! Sẽ có trong tháng 5 này.