Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay thì mạng xã hội nào có sự tham gia của nhiều người nổi tiếng lập tức cũng nổi tiếng không kém. Vô hình chung sự cạnh tranh giữa Facebook, MySpace, hay Twitter là cuộc đua xem ai lôi kéo được nhiều người dùng VIP hơn.
Khi các “sao” đi đâu đó, họ sẽ kéo theo một lượng “fan” hùng hậu theo sau. Quy luật đó cũng không khác gì trong thế giới ảo, và nhất là đối với mạng xã hội. David Karp đã rút ra “chân lý” đó khi thấy rằng lượng người sử dụng dịch vụ blog của anh tăng đột biến sau khi một số nhạc sĩ nổi tiếng bắt đầu viết blog trên dịch vụ Tumblr của anh. Chính vì thế việc khích lệ người dùng “VIP” sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp đã được đưa vào kế hoạch kinh doanh và lộ trình phát triển riêng của từng hãng. David Karp đã thuê hẳn một người chuyên quản lý các tài khoản “VIP” và đáp ứng một cách nhanh nhất những yêu cầu của người dùng này.
Quảng bá thương hiệu
Các nhân vật nổi tiếng trong nhiều lĩnh vực - từ màn bạc với thể thao, từ âm nhạc tới chính trị, tham gia vào mạng xã hội ảo không còn là chuyện hiếm. Sự tham gia này mang lại lợi ích cho hai phía. Các VIP sử dụng mạng xã hội ảo để kết nối với các “fan” và đánh bóng thương hiệu. Trước đây, các kênh “đánh bóng thương hiệu” thường là tạp chí People hoặc Vogue thì nay là mạng xã hội. Từ những nhân vật “cực VIP” như Tổng thống Mỹ Obama, tới các ca sĩ, nhạc sĩ tầm tầm khác cũng đều biết cách tận dụng FaceBook hoặc MySpace để quảng bá cho bản thân mình. Theo Robert Passikoff, giám đốc tổ chức Brand Keys – chuyên theo dõi giá trị quảng bá thương hiệu người nổi tiếng, thì Facebooknay đã trở thành thứ không thể thiếu cho chiến lượng PR của các nhân vật nổi tiếng.
Như đã nói ở trên, xu thế quảng bá trong thế giới ảo sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía. Các nhà dịch vụ sẽ được hưởng lợi từ sự quan tâm đông đảo của người dùng. Chẳng hạn như việc Oprah Winfrey sử dụng dịch vụ “tiểu blog” Twitter mới đây đã khiến lưu lượng sử dụng của dịch vụ này tăng đột biệt 43% so với các tuần trước đó. Ngay cả với các trang dịch vụ 2.0 khác như Facebook, YouTube, Ning… đều có số người truy cập vào các profile nổi tiếng tăng mạnh. Một số mạng xã hội khác như Tumblr còn thực thi những chính sách làm hài lòng người dùng, đặc biệt là những người dùng “VIP” để họ sử dụng dịch vụ lâu bền hơn, và cũng đồng nghĩa với việc thu hút được số người quan tâm nhiều hơn.
"Hiệu ứng" Obama
Ngày 1/5 vừa qua, chính quyền Obama nói rằng Nhà Trắng sẽ thiết lập các trang profile trên 3 mạng xã hội nổi nhất hiện nay là MySpace, Facebook, và Twitter. Để làm hài lòng người dùng “cực VIP” này, cơ quan chủ quản của MySpace là News Corp. đã ngay lập tức đồng ý xây dựng các trang blog không có quảng cáo và “khuyến mại” thêm cơ chế tự động cập nhật nội dung từ trang blog chính thức của Nhà Trắng.
Trong một số trường hợp, các mạng xã hội còn cung cấp cho khách VIP nhiều ưu đãi khác, chẳng hạn như thiết kế blog theo yêu cầu. Mới đây Facebook đã trực tiếp làm việc với một số thành viên VIP như Katie Couric của kênh truyền hình CBS, và Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy để thu thập ý kiến của những người này về một trang blog thiết kế riêng trước khi nó chính thức được giới thiệu ra ngoài công chúng vào tháng 3 vừa qua. “Tuy không có chương trình hỗ trợ chính thức cho các nhân vật nổi tiếng nhưng chúng tôi sẽ hỗ trợ họ ở mức tận tình nhất”, phát ngôn viên Facebook, Brandee Barker, cho biết.
Một số thành viên “quyền uy” khác còn được dành đặc quyền địa chỉ URL dễ nhớ. Đó thường là những địa chỉ Web ngắn và đơn giản, kiểu như www.facebook.com/Obama. Mạng xã hội này đang cân nhắc việc cấp phát tính năng cho nhiều người dùng khác, chứ không chỉ tập trung cho mỗi khách VIP như hiện nay. Tháng 4 vừa qua, Facebook đã đưa ra một cuộc tham khảo ý kiến về việc người dùng liệu có đồng ý trả tiền cho việc sử dụng những dạng địa chỉ URL như trên hay không.
Ngoài Facebook, Twitter cũng thực hiện những chiếc lược tương tự. Twitter thậm chí còn tạo những profile cực “xịn” cho diễn viên nổi tiếng Ashton Kutcher và cầu thủ bóng rổ Shaquille O'Neal bởi sự tham gia của họ, dù ở mọi góc độ nào, đều giúp cho Twitter có cơ hội tiếp cận và mở rộng số lượng người dùng rộng hơn. “Kể cả họ có tình cờ truy cập vào Twitter và nói mỗi câu ‘xin chào’ thì đối với chúng tôi điều đó cũng đã có ý nghĩa rất lớn rồi”, Biz Stone, sáng lập Twitter, bộc bạch.
Tạo doanh thu tiềm ẩn
Ngoài giá trị quảng bá, sự tham gia của các nhân vật nổi tiếng vào mạng xã hội còn mang lại nguồn lợi nhuận tiềm ẩn khác, đặc biệt là đối với các mạng xã hội mới thành lập. Mới đây mạng xã hội “lính mới” Tumblr đã giúp nhạc sĩ John Legend thiết kế trang blog chuyên nghiệp trông không khác gì một trang web chuyên nghiệp của Sony Music Entertainment. Tumblr nói rằng đã miễn phí toàn bộ chi phí thiết kế, và chỉ hy vọng vào số lượng “fan” của John Legend sẽ kéo tới đông đảo hơn. “Chúng tôi chỉ muốn nói mạnh rằng nếu các bạn sử dụng dịch vụ blog Tumblr thì ngay cả những dịch vụ cao cấp đều được chúng tôi cung cấp miễn phí”, đại diện của Tumblr khẳng định.
Trong khi đó, Ning lại thu phí tất cả người dùng, kể cả khách VIP. Nếu bạn chỉ xây dựng một profile không thì sẽ hoàn toàn miễn phí, nhưng bạn sẽ phải trả 55USD/tháng nếu muốn trang blog của mình không có quảng cáo. Ngược lại, nếu người dùng nào đó muốn duy trì cơ chế quảng cáo trên blog của mình cũng phải trả 55USD/tháng. Quy định này được áp dụng cho tất cả mọi người, không loại trừ các “sao”.
Rất nhiều tên tuổi lớn trong giới kinh doanh như giám đốc điều hành hãng Dell - Michael Dell, cũng sử dụng các trang mạng xã hội chuyên nghiệp làm công cụ kinh doanh, chẳng hạn như LinkedIn. Cho dù nguyên nhân đằng sau việc làm này có là thế nào đi chăng nữa thì đến nay đã có gần 500 doanh nghiệp lớn đã tham gia vào LinkedIn, chủ yếu là để quảng báo tên tuổi và thương hiệu.
Theo VnMedia
Bình luận