Mô hình rước kiệu Kago mà các đội tuyển Robocon đã thi đấu trong vòng loại năm 2009. Ảnh: Đăng Bền.

Gần 300 đội tuyển từ 62 trường Đại học, Cao đẳng trên khắp đất nước đã tham gia thi đấu vòng loại Cuộc thi sáng tạo Robocon 2009. 32 đội tuyển đã giành chiến thắng và chính thức bước vào vòng chung kết toàn quốc, từ ngày 11/5 đến 17/5 tới tại thành phố Huế.

Cả 32 đội tuyển này đều đang háo hức và quyết tâm dành ngôi vô địch để được thi đấu tại Cuộc thi Sáng tạo Robot khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại Nhật Bản vào tháng 8/2009 - đấu trường mà Việt Nam là cái tên được xướng lên một cách đầy nể trọng trong 3 lần vô địch.

Cuộc thi Robocon bắt đầu từ năm 2002. Sau 7 lần tổ chức, Robocon 2009 lần đầu tiên thu hút được sự tham gia đông đảo nhất của các trường ĐH, CĐ (62 trường) và đặc biệt là số lượng tham gia của các trường Cao đẳng.

Chủ đề của cuộc thi Robocon 2009 mà nước chủ nhà Nhật Bản đề ra là "Nhịp trống khải hoàn", với mô phỏng là cuộc rước kiệu Kago - một phong tục cổ của người Nhật vào thời cận đại. Một robot khiêng kiệu tự động ở phía trước và một robot khiêng kiệu bằng tay ở phía sau, cùng hợp tác để đón một robot thứ 3 - tên gọi là "robot lữ hành" - lên kiệu. Cuộc khiêng kiệu của 3 robot này phải vượt qua chặng đường gian nan bao gồm 1 vách núi độ dốc 17 độ, một khu rừng có 3 cọc gỗ ngáng đường, và cuối cùng, robot lữ hành phải tự đi xuống kiệu, trèo lên bục và đánh vào 3 cái trống.

Hiện tại, sau các vòng loại, thành tích của các đội Việt Nam đang đứng ở mức 45 - 60 giây để đánh được 3 tiếng trống. Theo thông tin từ các đội tuyển đối thủ trên thế giới, các đội tuyển Việt Nam cần phải đạt thành tích từ 30 - 40 giây thì mới có thể một lần nữa mang ngôi vô địch về. Tất cả đều đang chờ đợi những đột phá bất ngờ trong vòng chung kết sắp tới tại thành phố Huế. 

T.S Ngô Thái Trị, Trưởng Ban Giám khảo cuộc thi Robocon 2009 cho biết, chủ đề thi năm nay dường như ít chú trọng tính đối kháng nhưng có sự phô diễn về công nghệ và kỹ thuật. Kỹ năng cần thiết đối với mỗi con robot là tính an toàn, ổn định, chính xác, tốc độ cao, cộng với khả năng lập trình thông minh và sự khéo léo, nhịp nhàng của người điều khiển. Nâng cao sự hợp tác giữa con người và robot cũng là nội dung thi của năm 2009.

Như vậy, để chế tạo và điều khiển vận hành một con robot, các sinh viên cần phải kết hợp nhiều kỹ năng thuộc các ngành nghề khác nhau như: tự động hóa, CNTT, cơ khí, điện tử viễn thông...

Trả lời những thắc mắc cho rằng, tại sao đến 8 năm tổ chức rồi mà tham gia thi đấu trình diễn tại các cuộc thi Robotcon vẫn chỉ là những con Robot sơ sài, đơn giản với các bánh xe chạy, không có hình thù gì của một con Robot đặc trưng, giống con người và thay thế con người?, ông Phạm Việt Tiến, Phó trưởng ban tổ chức cuộc thi Robocon 2009 giải thích: Mục đích của Cuộc thi Robocon không hướng sinh viên tham gia chế tạo những robot phức tạp, mà nhằm khơi dậy và thúc đẩy niềm say mê, các ý tưởng sáng tạo các bạn sinh viên. Những sinh viên đã ra trường, kỹ sư đã đi làm không được tham gia cuộc thi này.

Robocon không chỉ là một cuộc thi mà còn là sân chơi của sinh viên, nhằm khuyến khích những ý tưởng sáng tạo vô tận cho sinh viên. Sinh viên Việt Nam vốn ham học hỏi, mày mò và sáng tạo, tuy mức kinh phí để các em chế tạo ra những con robot dự thi không lớn, chỉ bằng các vật liệu, nguyên liệu rẻ tiền, nhưng thành tích của các đội Việt Nam trên trường quốc tế đã rất đáng nể, với 3 lần đoạt ngôi vô địch, 1 lần giải nhì và một số giải ấn tượng khác.

(theo VietNamNet)




Bình luận

  • TTCN (0)