Suốt hơn 40 năm qua, mạng thông tin Viba (vô tuyến chuyển tiếp) đã đóng góp không nhỏ trong việc đảm bảo thông tin liên lạc nước nhà được thông suốt qua các thời kỳ, cả trong chiến tranh cũng như khi hoà bình được lập lại.

Bài viết này ghi lại một số dấu mốc quan trọng trong quá trình phát triển mạng lưới thông tin viba nhất là giai đoạn phát triển hệ thống thông tin viba RVG-950, nền tảng cho sự ra đời các công trình viba số sau này, nhằm giúp độc giả thấy được những đóng góp, hy sinh của các thế hệ “người viba” đối với sự phát triển của ngành Viễn thông Việt Nam.

Để hỗ trợ cho phương thức thông tin hữu tuyến và vô tuyến sóng ngắn, đảm bảo thông tin liên lạc thông suốt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tổng cục Bưu điện đã đề nghị và được Cộng hòa dân chủ (CHDC) Đức đồng ý viện trợ một hệ thống thông tin viba băng hẹp. Sự kiện này đã mở đầu cho thời kỳ đáng nhớ, đầy tự hào của “các chàng trai, cô gái Viba”.

Góp phần đáp ứng nhu cầu thông tin

Giai đoạn từ năm 1955 đến giữa năm 1964 là thời kỳ hoà bình trên miền Bắc, quân dân miền Bắc tiến hành công cuộc khôi phục kinh tế, tiến lên xây dựng và bảo vệ CNXH. Trong thời kỳ này, thông tin liên lạc của ta chỉ có 2 phương thức là viễn thông hữu tuyến và vô tuyến sóng ngắn.

Mạng thông tin hữu tuyến chủ yếu được truyền dẫn trên đường dây trần. Với sự giúp đỡ của các nước XHCN, mạng hữu tuyến của ta được trang bị một số thiết bị ghép kênh như: tải ba 1 kênh TFC của Cộng hoà dân chủ (CHDC) Đức; thiết bị tải ba 2 kênh B2 của Liên Xô; thiết bị tải ba 3 kênh BBO-3 của Hungary; thiết bị tải ba 3 kênh ZM202 và thiết bị tải ba 12 kênh ZM312 của Trung Quốc…Mặc dù vậy, dung lượng của mạng lưới hữu tuyến khi đó vô cùng eo hẹp, số lượng kênh báo và kênh thoại vẫn rất hạn chế. Đơn cử như, thông tin đường dài quốc tế bằng hữu tuyến khi đó chỉ gồm 3 tuyến điện thoại Hà Nội - Nam Ninh, Hà Nội - Bắc Kinh, Hà Nội - Mat-xcơ-va (thông qua đường trung gian Bắc Kinh) và 1 kênh điện báo Hà Nội - Nam Ninh. Còn hệ thống vô tuyến sóng ngắn chủ yếu để làm điện báo và theo phiên, liên lạc điện thoại rất khó khăn.

Rõ ràng là, với 2 phương thức thông tin nói trên chưa thể đáp ứng được nhu cầu thông tin liên lạc. Đây cũng là một trong những động lực để Tổng cục Bưu điện tính toán đến việc bổ sung thêm phương thức thông tin mới cho mạng lưới thông tin liên lạc nước nhà.

Cùng hữu tuyến đảm bảo liên lạc thời chiến

Ngày 5/8/1964, Mỹ đã mở đầu cuộc chiến tranh phá hoại trên miền Bắc. Trung ương Đảng nhận định “đế quốc Mỹ có thể mở rộng chiến tranh cục bộ ra miền Bắc”. Trước nhận định này, Tổng cục Bưu điện đã có những bước chuẩn bị để có thể đảm bảo thông tin liên lạc nếu chiến tranh cục bộ mở rộng ra miền Bắc. Một mặt, Tổng cục chỉ đạo chuyển tất cả các thiết bị thông tin vào các hầm, các hang đá hoặc đưa đến những nơi có địa hình vững chắc, an toàn, có công sự che chắn để tránh sự phát hiện, đánh phá của đế quốc Mỹ; đồng thời, tổ chức dịch chuyển các tuyến đường dây xa các trọng điểm đánh phá của địch như: Hải Phòng, Vinh…, xây dựng các đường vòng, đường tránh, đường dự phòng để hạn chế những thiệt hại do bom Mỹ, đảm bảo thông tin liên lạc.

Mặt khác, lãnh đạo Tổng cục khi đó cũng cân nhắc đến việc lựa chọn phương thức thông tin mới, cơ động, phù hợp hơn với điều kiện có chiến tranh ở miền Bắc. Bởi lẽ, ngay sau khi phát động chiến tranh phá hoại miền Bắc vào năm 1964, một trong những mục tiêu quan trọng mà địch nhắm tới là cắt đứt mạng lưới thông tin liên lạc để ta không thể chỉ đạo, điều hành vận chuyển gạo, xăng dầu, súng đạn viện trợ cho chiến trường miền Nam. Thời kỳ đó, mạng thông tin hữu tuyến truyền dẫn trên đường dây trần của ta cũng bị đánh phá nghiêm trọng, đặc biệt là tuyến thông tin vào khu IV (Thanh Hoá, Nghệ An). Làng hữu tuyến ngày đó còn truyền nhau câu: “Đứt dây như đứt ruột, gẫy cột như gẫy xương” để khẳng định tinh thần quyết tâm bảo vệ nối thông các tuyến thông tin. Mỗi khi đường dây bị đánh phá, anh em đường dây đã không quản ngại hy sinh để nối dây. Mặc dù vậy, việc nối dây vẫn mất rất nhiều thời gian, mạng thông tin liên lạc vẫn bị gián đoạn, phần nào ảnh hưởng đến việc chỉ đạo, điều hành của Trung ương Đảng và Chính phủ tới các vùng trọng điểm, các tỉnh, huyện trong nước. Trước tình hình mạng hữu tuyến khó đảm bảo thông tin thông suốt, lãnh đạo Tổng cục đã tính đến phương án kêu gọi các nước XHCN viện trợ cho chúng ta một hệ thống viba băng hẹp. Năm 1966, Tổng cục Bưu điện đã xin Chính phủ đề nghị CHDC Đức giúp ta thiết lập một hệ thống thông tin viba (vô tuyến chuyển tiếp). Đề nghị này đã được phía Đức chấp thuận, đưa đến sự ra đời của công trình K21-95.

Về khối lượng công trình, CHDC Đức đã viện trợ cho ta một hệ thống thiết bị mang tên RVG-950 cho phép ghép 5 kênh, được trang bị trên các xe rơ-bua. Công trình này có tổng cộng 72 xe ôtô rơ-bua trang bị thiết bị, rất cơ động và cho phép triển khai nhanh chóng. Trong đó, 68 xe trang bị thiết bị viba RVG-950 gồm có: 11 trạm rẽ, 23 rơ-le để thực hiện chuyển tiếp thông tin, 34 chiếc đầu cuối; 2 xe phục vụ công tác sửa chữa thiết bị và 2 xe trang bị thiết bị tải ba 12 kênh đi trong cáp để làm các đường trung kế, ví dụ các trạm viba có thể dùng tải ba này đi trong cáp để dẫn hệ thống. Ngoài ra, các xe còn được trang bị máy nổ và ac-quy để có thể phục vụ cơ động.

Cuối năm 1968, hệ thống thiết bị viba RVG-950 được chuyển từ Đức sang, toàn bộ 72 ôtô rơ-bua thông tin được tập kết tại Đài thu Quế Dương (thuộc địa phận Sơn Đồng, Dương Liễu, Hà Nội ngày nay). Ngay từ khi phía Đức đang sản xuất thiết bị viện trợ cho ta, Tổng cục Bưu điện đã cử 2 đoàn gồm 12 cán bộ sang học tập, bồi dưỡng tại CHDC Đức nhằm nắm bắt cách thức thiết kế, xây dựng và quản lý hệ thống thông tin vô tuyến chuyển tiếp RVG-950.

Ấm áp tình cảm quốc tế

Cùng với việc viện trợ cho TCBĐ hệ thống thiết bị viba RVG-950, CHDC Đức còn giúp ngành Bưu điện VN đào tạo các cán bộ thiết kế, xây dựng và quản lý công trình. Trong 2 năm 1967 và 1968, TCBĐ lúc đó do ông Vũ Văn Quý là quyền Tổng cục trưởng đã cử 2 đoàn cán bộ sang Đức. Đoàn thứ nhất gồm các cán bộ Cục Kiến thiết cơ bản (KTCB) và đoàn thứ hai là các cán bộ của Cục Điện chính. Ông Nguyễn Quang Trung, thành viên Đoàn cán bộ Cục KTCB kể: “Ngày đó, Cục được giao nhiệm vụ chính là thiết kế và xây dựng công trình thông tin liên lạc. Cuối năm 1967, nhận lệnh của TCBĐ, chúng tôi lên đường sang Đức học tập nhằm nắm bắt được tính năng thiết bị, các yếu tố để triển khai thiết kế, xây dựng mạng viba RVG-950. Đoàn gồm có 1 phiên dịch là ông Nguyễn Văn Vĩ thuộc Vụ Hợp tác quốc tế và 6 cán bộ của Cục KTCB: ông Nguyễn Văn Tân, Cục phó Cục KTCB làm trưởng đoàn; ông Nguyễn Thái Hoà, kỹ sư vô tuyến làm phó đoàn; ông Phan Mạnh Lương, kỹ sư vô tuyến; ông Vũ Văn Minh, trung cấp vô tuyến; bà Nguyễn Thị Canh, trung cấp vô tuyến và tôi. Chúng tôi sang Đức học từ tháng 3 đến tháng 7/1967. Đến năm 1968, đoàn cán bộ của Cục Điện chính sang Đức học cách quản lý các công trình viba. Đoàn thứ hai này do anh Nguyễn Công Quang làm trưởng đoàn.

Cảm nhận chung của những cán bộ thuộc TCBĐ sang Đức học tập ngày ấy là tình cảm đằm thắm của tình hữu nghị anh em giữa các nước trong khối XHCN. Ông Nguyễn Quang Trung bộc bạch: “Trong giai đoạn VN tiến hành cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước gian khổ, các nước XHCN đã giúp đỡ rất vô tư. Riêng các bạn Đức, mặc dù họ chưa thật hiểu về chúng ta nhưng qua các phương tiện thông tin đại chúng, họ biết đến cuộc chiến tranh ở VN cực kỳ ác liệt nên họ vừa có tình cảm yêu mến nhưng trong đó lồng cả tình thương đối với những người anh em đến từ đất nước đang bị chiến tranh tàn phá”. Đồng cảm với ông Trung, bà Tạ Thị Quế, cán bộ Cục Điện chính tâm sự: “Vừa đặt chân đến Béc-lin, chúng tôi rất xúc động khi nhìn thấy hình ảnh đầu tiên đập vào mắt là những tấm ảnh người VN đội mũ rơm được phóng lớn treo trên đường để tuyên truyền, cổ động cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của VN”.

Bà Quế kể: “Người dân Đức đặc biệt quý mến người Việt. Tôi còn nhớ, có lần mấy anh chị em ra phố chơi, gặp một bà cụ người Đức, khi nghe phiên dịch giới thiệu đây là người VN, bà cụ đã dúi tiền vào tay chúng tôi nói là để ủng hộ, giúp đỡ người Việt. Hay như chuyện một thầy giáo của chúng tôi cũng là một kỹ sư của nhà máy thường mang cho đoàn cán bộ VN giỏ hoa quả hái ở vườn nhà và nói đùa: “Đây là hành động thiết thực để ủng hộ Việt Nam”.

Nắm bắt kiến thức mới

Đoàn cán bộ của TCBĐ được đưa đến học tập tại nhà máy thiết bị thông tin của CHDC Đức ở thị trấn Ra-dơ-béc thuộc tỉnh Đret-xđen. Các cán bộ được bố trí học ngay tại phân xưởng sản xuất thiết bị Đức viện trợ cho ta. Phía Đức đã cử các chuyên gia làm việc tại nhà máy trực tiếp hướng dẫn cán bộ VN tìm hiểu thiết bị, hướng dẫn cách thức khảo sát, thiết lập tuyến trên bản đồ và cách sử dụng, quản lý hệ thống thiết bị RVG-950.

Các kỹ sư Đức mở hết các ngăn, hộp của thiết bị để giới thiệu cho cán bộ ta từng mạch điện, hướng dẫn cách kiểm tra thiết bị. Bên cạnh đó, các chuyên gia Đức còn đưa các cán bộ VN đến xem một số công trình thông tin viba nằm trên điểm cao và xem một số tuyến viba họ xây dựng ở đồng bằng. Đối với các cán bộ Cục Điện chính, mục đích của phía Đức là đào tạo cho VN những cán bộ sẽ đảm nhiệm việc quản lý những công trình viba sau này. Do đó, ngoài việc được các kỹ sư Đức hướng dẫn cách điều chỉnh công suất, điều chỉnh máy thu tại nhà máy, họ còn được đưa lên núi thực tập dựng ăng-ten, chỉnh máy thu.

Ông Trung kể: “Mặc dù chúng tôi đều được đào tạo về thông tin liên lạc như anh Lương học kỹ sư vô tuyến trong nước, anh Thái Hoà học ở Liên Xô, tôi học ở Trung Quốc… song kiến thức về thông tin viba là hoàn toàn mới mẻ. Tuy nhiên, với nhiệt tình của tuổi trẻ, với nền tảng kiến thức nhất định cùng với sự hướng dẫn tận tình của các kỹ sư Đức, chúng tôi đã tiếp thu được kiến thức về thiết bị và nắm bắt được cách thức thiết kế, thi công các công trình vô tuyến chuyển tiếp”.

Hai đoàn cán bộ của TCBĐ sau khi về nước đã đào tạo được một lớp quản lý viba đầu tiên cho ngành; đồng thời  khảo sát, xây dựng và quản lý được các tuyến viba. Các tuyến viba băng hẹp ít kênh lúc bấy giờ chính là nền tảng để những thế hệ “người viba” sau này kế thừa triển khai xây dựng các tuyến viba băng rộng.                                                                                                   

Theo ICTnews

(Ghi theo lời kể của ông Hoàng Bạn, nguyên Cục phó Cục kiến thiết cơ bản và ông Nguyễn Quang Trung, cán bộ Cục kiến thiết cơ bản)



Bình luận

  • TTCN (0)