Với tình trạng thị trường mua bán sim số "loạn" như hiện nay nhiều người dùng điện thoại di động không khỏi băn khoăn làm thế nào để mua được một chiếc sim điện thoại số đẹp một cách an toàn?
Anh Đạt, admin của website www.trumsim.com chia sẻ: Với kinh nghiệm của một người kinh doanh sim số đã nhiều năm, mình khẳng định nếu người bán hàng đã chủ tâm lừa đảo trong bán sim, thì 90% là khách hàng... “vào tròng".
Vậy phải làm thế nào để đảm bảo mua được một số sim đẹp như ý muốn một cách an toàn? VietNamNet xin giới thiệu một số kinh nghiệm của dân mua bán sim chuyên nghiệp nhằm giúp người dùng di động có thể mua được chiếc sim mong muốn, đồng thời hạn chế tối đa khả năng bị lừa đảo.
Nguyên tắc khi mua sim:
- Nhận sim mới trao tiền
Không nên chuyển tiền trước nếu không biết rõ người bán là ai, ở đâu, số điện thoại di động và cố định thế nào, uy tín ra sao. Thường những người bán sim uy tín sẽ sở hữu một một sim số đẹp, đây cũng có thể là một “thước đo” để người mua hàng đánh giá uy tín người bán.
- Phải chắc chắn sim là của mình khi mua
Nhiều người mua hàng bị lừa mua phải sim đã kích hoạt, sim dùng rồi. Không nên nhầm lẫn giữa sim nguyên kit và sim mới 100%. Người làm sim có thiết bị riêng gọi là hộp kích hoạt, chỉ cần nhét cả thẻ sim lớn chưa bẻ sim vào và nối với máy di động để kích.
Nếu người bán chủ tâm lừa đảo, họ sẽ kích hoạt sim bằng thông tin cá nhân của họ và gọi đi 5 - 10 cuộc. Sau khi người mua nhận được sim còn nguyên kit và người bán đã nhận được tiền, họ sẽ lên trung tâm di động khai báo 5-10 cuộc gọi đi gọi đến và lấy lại sim.
- Khi đã sở hữu sim rồi, phải đảm bảo thông tin về sim là bảo mật
Nếu người sử dụng để lộ thông tin cuộc gọi đi gọi đến, và vì một lý do nào đó không dùng sim trong một khoảng thời gian khoảng vài tháng, người biết thông tin của có thể lên trung tâm di động và xin cấp lại chiếc sim đó sau khi khai 5-10 cuộc gọi đi gọi đến.
- Luôn đăng ký trả sau cho những sim số đắt tiền
Với những sim số có giá trị lớn, khi đăng ký trả sau người dùng có thể khai báo đầy đủ thông tin cá nhân. Những thông tin này sẽ làm bằng chứng để người dùng khiếu nại khi xảy ra trường hợp bị mất sim
- Nguyên tắc lòng tham
Thông thường ít có sim số đẹp mà giá rẻ, nhất là những sim đầu số cũ (090, 091, 098…), vậy nên người mua sim nên nghi ngờ khi bắt gặp sim giá quá rẻ. Sẽ không bao giờ có những trường hợp như “Sim tứ quý 8 đã dùng chán muốn bán, giá rẻ 1.5 triệu”. Những thông tin rao vặt như vậy thông thường 99% là lừa đảo.
Sau đây là những bước cần thiết để đảm bảo bạn có thể tìm mua được một chiếc sim số đẹp đúng như ý muốn.
Với sim mới:
1. Tìm cửa hàng, cá nhân bán sim.
2. Liên lạc người bán, thống nhất giá cả.
3. Nhận sim.
4. Kiểm tra sim còn mới 100% hay đã đăng ký bằng cách dùng chính sim đó thực hiện cuộc gọi và dùng sim khác gọi vào. Trên nguyên tắc nếu là sim mới, mạng di động sẽ chặn 1 hoặc 2 chiều sim đó.
5. Yêu cầu người bán đăng ký thông tin chủ thuê bao cho mình hoặc đi cùng người bán mang CMT lên hãng di động trình và đăng ký. Thông thường, nếu có đủ điều kiện, bạn nên chuyển số sim đẹp mình mới mua sang thuê bao trả sau để đảm bảo quyền sở hữu trong mọi trường hợp.
6. Gọi lên tổng đài kiểm tra thông tin đăng ký của chủ thuê bao, nếu tổng đài không đọc vì phải bảo mật, bạn có thể đề nghị là bạn đọc thông tin cá nhân mà người bán cung cấp, nhân viên tổng đài chỉ cần trả lời “Có” hoặc “Không”. Thông thường các nhân viên ít khi từ chối đề nghị này.
7. Truy cập website của nhà cung cấp dịch vụ di động đăng ký 1 tài khoản cho số di động của bạn để hưởng các dịch vụ tiện ích và tiện cho bạn theo dõi thông tin thuê bao mình dùng: thông báo cuộc gọi nhỡ, nhắn tin miễn phí, nhạc chuông. Việc làm này sẽ rất hữu ích khi trong trường hợp người dùng mất số và không nhớ thông tin các cuộc gọi đi gọi đến.
Với sim cũ:
Mua sim cũ thường xảy ra hai trường hợp. Nếu mua sim đã sử dụng trước khi có luật đăng ký thông tin thuê bao, người dùng mua về chỉ cần mang CMND lên đại lý di động là đăng ký được. Đối với những đầu số sim mới, người mua cần chú ý những bước sau:
- Hỏi người bán “Sim đã được đăng ký chưa, tôi cần đổi tên chủ thuê bao thành tiên tôi”. Thường thì 90% muốn đổi tên, thì cả 2 người (người đứng tên và người chủ mới) phải cùng mang CMND tới các đại lý di động để làm thủ tục chuyển đổi.
Nếu mua sim ở xa, người mua cần kiểm uy tín của người bán xem có đáng tin cậy hay không (Xem các bài họ rao bán và giao dịch trên diễn đàn, tìm kiếm các mối quan hệ của họ, đánh giá số điện thoại sử dụng…) Nếu thật sự cần thiết và sim có giá trị lớn người mua nên tìm đến tận nơi mua.
- Trong mọi trường hợp người mua đều cần gọi lên tổng đài kiểm tra thông tin đăng ký, truy cập website dịch vụ để đăng ký hoặc sửa đổi thông tin tài khoản.
Nhìn chung tất cả các hình thức lừa đảo – chiếm đoạt sim số đều chỉ là những mẹo vặt nhắm vào thông tin về cuộc gọi của người dùng. Anh Tùng – một người có thâm niên kinh doanh sim thẻ chia sẻ :”Bất kỳ ai sử dụng điện thoại di động, dù là số xấu hay đẹp cùng đều nên đăng ký đầy đủ thông tin cá nhân thuê bao. Chỉ cần người sử dụng chú ý đăng ký đầy đủ thông tin cá nhân với chiếc sim của mình thì sẽ chẳng bao giờ phải lo nghĩ có kẻ khác chiếm đoạt sim của mình. Cũng như ngôi nhà có sổ đỏ và thông tin chủ sở hữu, sẽ chẳng ai tự nhiên tới lấy được của mình.”
Theo VietnamNet
Bình luận