Nếu so chiếc laptop mới nhất hiện nay với chiếc laptop đầu tiên trong lịch sử thì có thể thấy rằng chúng khác nhau một trời một vực. Những chiếc laptop mới trông thanh mảnh, thời trang và sành điệu bao nhiêu thì chiếc laptop xưa trông không khác gì một … cục gạch.

Laptop ngày nay luôn được trang bị những công nghệ mới nhất như ổ cứng trạng thái rắn SSD dung lượng cao, bộ vi xử lý lõi tứ, ổ Blu-ray, kết nối Wi-Fi cao cấp, và nhiều công nghệ đắt tiền khác. Tuy nhiên, cũng có một số tính năng nguyên thủy của laptop vẫn được giữ lại cho tới ngày nay.

Osborne 1 (1981)

Chiếc laptop nặng tới 9kg và có kích cỡ như một chiếc vali, tuy nhiên Osborne 1 lại có ý nghĩa rất lớn bởi nó là chiếc laptop được ứng dụng rộng rãi đầu tiên trong lịch sử. Osborne 1 được phát minh bởi Adam Osborne, máy sử dụng bộ vi xử lý 4-MHz Zilog Z80, RAM 64KB, 2 ổ mềm 5,25-inch, màn hình trắng đen độ phân giải 52x24 pixel. Với trọng lượng không mấy nhẹ nhàng này, ít người mang theo mình chiếc laptop Osborne 1 bởi như thế sẽ vô cùng bất tiện.

Compaq LTE (1989)

Compaq LTE là đời laptop đầu tiên mà giới công nghệ mạnh dạn gọi chúng là “máy tính di động” nhờ thiết kế mỏng hơn và nhẹ hơn (so với Osborne 1), và có thiết kế giống với những chiếc laptop ngày nay. Với trọng lượng 3kg, LTE đã tỏ ra khá nhẹ nhàng với việc được trang bị chip Intel 8086 9.55-MHz, RAM 640KB, ổ cứng 20MB, màn hình độ phân giải 640 x 200.

IBM ThinkPad 700 Series (1992)

Đây là “thủy tổ” của thương hiệu máy tính ThinkPad nổi tiếng ngày nay. Cách đây 17 năm, dòng máy tính IBM ThinkPad 700 đã được thiết kế cho những người dùng chuyên nghiệp, và ngày nay người dùng chủ yếu vẫn là giới doanh nghiệp. ThinkPad 700 Series được trang bị chip IBM 486 25-MHz, RAM 4MB, ổ cứng 80MB hoặc 120MB, cùng màn hình 9,5-inch (640 x 480).

Apple PowerBook 500 Series (1993)

Kể cả khi không mấy ấn tượng về các mẫu laptop “cổ” thì bạn vẫn phải nghiêng mình trước Apple PowerBook 500 Series, bởi bắt nguồn từ đây nhiều chuẩn thiết kế và công nghệ vẫn được ứng dụng cho đến ngày nay. PowerBook 500 Series cũng là dòng laptop đầu tiên sử dụng bàn di chuột cảm ứng, âm thanh nổi 16-bit, loa âm thanh nổi, và nhiều công nghệ nổi trội khác. Dòng laptop này có tất cả 5 mẫu sản phẩm, được trang bị RAM 4MB, màn hình độ phân giải 640 x 400-pixel, có nhiều lựa chọn kích cỡ màn hình (9,5-inch – 10,4-inch), tốc độ xung nhịp (25 MHz - 33 MHz), và dung lượng ổ cứng (160MB - 750MB).

HP Jornada 820 (1998)

Bạn hãy nghĩ về Jornada 820 như thế hệ netbook đầu tiên trong lịch sử. Chiếc laptop này được thiết kế với kiểu dáng vỏ sò khá nhỏ, chạy hệ điều hành di động Windows CE (hoặc Handheld PC Professional Edition 3.0), sử dụng bàn di chuột cảm ứng. Máy được trang bị màn hình a 640 x 480 –inch, chip Intel StrongARM 190-MHz, RAM 16MB, và ROM 16MB. Cũng giống các mẫu netbook ngày nay, HP Jornada 800 có thời lượng sử dụng pin khá dài. Và do hệ điều hành được lưu trữ trên ROM nên thời gian khởi động máy gần như tức thì.

Acer Travelmate C100 (2000)

Đây là chiếc laptop đầu tiên trên thế giới có khả năng chuyển đổi thành máy tính bảng (Tablet PC). Nhờ khả năng xoay chiếc màn hình 10,4-inch (1024 x 768) mà Acer Travelmate C100 đặc biệt thích hợp cho người dùng chuyên nghiệp. Màn hình của Travelmate C100 có thể gập ngược lên như một quyển sổ để người dùng viết ghi chú, hoặc sử dụng chúng như một chiếc laptop thông thường với hệ thống bàn phím chuẩn. Máy nặng 1,4kg, được trang bị chip Intel Pentium 3 900-MHz, RAM 512MB và ổ ứng 40GB.

HP Pavilion dv2000 Series (2006)

Cũng phải có lý do chính đáng nào đó cho việc HP trở thành hãng sản xuất laptop đỉnh cao tại Mỹ chứ! Hiệu suất và thiết kế chính là hai yếu tố mà HP chăm chút từng li từng tí cho chiếc HP Pavilion dv2000. Với thiết kế bóng mặt gương và công nghệ thiết kế HP Imprint (và sau này là Radiance và Dragon), nên Pavilion dv2000 trông không khác gì một tác phẩm nghệ thuật. Sau này Dell và Gateway cũng đi theo hướng thiết kế những chiếc laptop bắt mắt kiểu này để thu hút sự chú ý của người dùng.

ASUS Eee PC 701 (2007)

Đây là một trong những cộc mốc lớn nhất trong lịch sử ngành chế tạo laptop thời gian gần đây. ASUS Eee PC là chiếc netbook với màn hình 7-inch (800 x 480), RAM 512MB, ổ cứng SSD 4GB, kích thước 8,9 x 6,5 x 1,4-inch, và chỉ nặng có 0,9kg. Dĩ nhiên, chiếc netbook này vẫn có nhiều nhược điểm chẳng hạn như bàn phím quá bé – khó sử dụng, màn hình độ phân giải thấp – khó duyệt Web, nhưng cái giá 399USD của sản phẩm thì thực sự hấp dẫn. Với sự khởi đầu từ Asus, hàng loạt tên tuổi khác Acer, MSI, HP, Lenovo, Dell, và Samung cũng nhảy vào lĩnh vực mới mẻ và dễ kiếm ra tiền này.

Apple MacBook Air (2008)

Nói trắng ra là nếu không có MacBook Air thì cũng không có Dell Adamo hoặc Voodoo Envy 133, bởi những chiếc laptop này dập khuôn theo thiết kế của hãng Quả táo. Với độ mỏng 0,8-inch, trọng lượng xấp xỉ 1kg, MacBook Air thực sự là một siêu phẩm đáng giá của ngành công nghiệp laptop thời điểm này. Mặc dù thiếu thốn các kết nối ngoại vi nhưng nhờ màn hình cực rộng 13,3-inch nên MacBook Air vẫn rất hiệu quả cho những người dùng chuyên nghiệp nhờ sức mạnh của bộ vi xử lý Intel Core 2 Duo 1.6-GHz, RAM 2GB, và ổ cứng 80GB.

Theo VnMedia



Bình luận

  • TTCN (0)