Trong quá trình chuyển đổi từ 2G sang 3G cần có một chính sách giá cước phù hợp tránh để người dùng “sốc” là bài học hữu ích cho Việt Nam khi triển khai 3G.

Sáng nay, 20/5, tại Hà Nội, Hội nghị viễn thông quốc tế Việt Nam 2009 do Viện Chiến lược Thông tin và Truyền thông tổ chức đã khai mạc với chủ đề “Xây dựng một tương lai di động và băng rộng bền vững cho Việt Nam”.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Thứ trưởng Bộ TT&TT Trần Đức Lai nói thị trường viễn thông di động Việt Nam còn tiềm năng to lớn. Bộ TT&TT vừa tiến hành cấp 4 giấy phép triển khai mạng di động 3G là một hành động khẳng định viễn thông Việt Nam đã và đang sẵn sàng khai thác những tiềm năng to lớn ấy.

Tuy nhiên, để triển khai thành công và có hiệu quả mạng di động 3G, các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam vẫn còn rất nhiều điều cần phải học hỏi, tìm tòi và nghiên cứu dựa trên những kinh nghiệm và bài học của các quốc gia đã đi trước.

Đại diện của các hãng viễn thông, các nhà nghiên cứu quốc tế thảo luận về những khó khăn, thách thức của việc triển khai 3G tại Việt Nam

Theo bà Karine Dussert-Sarthe, Giám đốc Marketing của Orange (Pháp), yếu tố tiên quyết để giúp các nhà mạng Việt Nam triển khai 3G thành công là phải xác định được “2 cái đúng”: đúng loại dịch vụ cho đúng khách hàng. Thêm vào đó, chất lượng dịch vụ (trên nền tảng thoại truyền thống và nền tảng dịch vụ) cần phải được đảm bảo với chất lượng cao nhất.

“Khách hàng sẽ không quan tâm đến việc nhà mạng sử dụng công nghệ nào, tốc độ bao nhiêu mà họ chỉ cần biết, chất lượng dịch vụ mà nhà mạng cung cấp cho họ có đảm bảo hay không mà thôi”, bà Karine nhấn nói.

Kinh nghiệm triển khai 3G của Orange tại Pháp từ năm 2007 đến nay cho thấy, dịch vụ Mobile TV là “ứng dụng sát thủ” (killer application) giúp 3G “cất cánh” tại Pháp.

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, ông Saiful Hidayat đến từ hãng di động PT Telekomunikasi (Indonesia) cho biết, số lượng thuê bao 3G của nước này tăng chậm. Qua 2 năm triển khai, đến nay Indonesia mới chỉ có khoảng 6 triệu thuê bao 3G trong tổng số 120 triệu thuê bao di động của đất nước này và doanh thu chủ yếu của các nhà mạng vẫn từ nguồn SMS.

Sự không mấy thành công của 3G tại Indonesia cho thấy hai bài học quan trọng: Thứ nhất, các nhà mạng cần chú trọng phát triển dịch vụ nội dung của riêng mình và kết hợp cùng với bên thứ 3 chứ không nên chỉ đơn thuần là nhà cung cấp kết nối. Thứ hai, để người dùng yên tâm sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng trên nền tảng 3G, cần phải phát triển mạnh hệ thống thanh toán điện tử và thanh toán di động.

Tại hội nghị, các đại biểu quốc tế còn đưa ra một bài học rất hữu ích cho Việt Nam rằng, trong quá trình chuyển đổi từ 2G sang 3G, cần có một chính sách giá cước phù hợp tránh để người dùng “sốc”. Với các quốc gia khác, việc đưa ra một gói cước trọn gói hàng tháng cho phép sử dụng không giới hạn tất cả các dịch vụ (Internet di động, Mobile TV...) là giải pháp tối ưu nhất. Nhưng với một thị trường viễn thông vẫn có thói quen “trả trước” như Việt Nam, các gói cước thuê bao theo ngày, theo tuần (người dùng trả một khoản tiền cố định và được sử dụng không hạn chế các dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định) sẽ là giải pháp tốt hơn cả.

Hội nghị kéo dài đến ngày 21/5 tập trung vào các nội dung: Các mục tiêu phát triển viễn thông Việt Nam giai đoạn 2011-2020 và kế hoạch triển khai của các doanh nghiệp; Làm thế nào để Việt Nam tối ưu hóa mạng di động và thiết lập kết nối Internet khắp nơi trên toàn quốc; Kinh nghiệm và những bài học của các nhà khai thác và cung cấp dịch vụ hàng đầu thế giới.

Tham dự Hội nghị có trên 150 đại biểu đến từ các Bộ, ngành, doanh nghiệp viễn thông trong nước và các nhà cung cấp dịch vụ, thiết bị viễn thông, các tổ chức nghiên cứu và tư vấn quốc tế.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (0)