Khăn quàng đỏ luyện game... quên học.

Game không lành mạnh đang tràn ngập thị trường, nhưng làm thế nào để kiểm soát chúng vẫn còn là vấn đề đặt ra đối với cơ quan chức năng. Người kinh doanh vẫn kinh doanh, người chơi vẫn cứ chơi còn hậu quả của nó thì chẳng mấy người để ý đến.

Nghiện game - bất kể lứa tuổi

Thay vì chăm lo cho việc học tập, một bộ phận không nhỏ trẻ em trong độ tuổi từ 10 đến 15 lại la cà trong tiệm nét và “say” với những trò game. Làm thế nào để giúp trẻ phát triển lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần đang là bài toán nan giải của các bậc phụ huynh hiện nay. 

Dạo một vòng quanh khu vực quận 9, quận Thủ Đức, TPHCM và huyện Dĩ An của tỉnh Bình Dương những tiệm game online mọc lên như nấm, người chơi đông như hội. Phần đông trong số đó là những game thủ nhí, các em vào tiệm net trong khi trên vai còn mang khăn quàng và đồng phục học sinh. 

Ảnh
Sinh viên cày game quên ăn quên ngủ

Ai đã từng một lần chứng kiến cảnh chơi game của những cô cậu học trò chắc hẳn sẽ không hết lo lắng cho tương lai của thế hệ trẻ. Lê Mạnh Hùng và Nguyễn Hữu Toàn, hai học sinh lớp 6 trường THCS Tam Bình, Thủ Đức với trò chơi đột kích, mắt dán lên màn hình, tay thoăn thoắt nhấn phím nhưng đồng thời miệng cũng liên tiếp buông ra những tiếng chửi thề, dường như điều đó đã trở thành vô thức. Giết được cũng chửi, không giết được cũng… chửi. Cứ như vậy những tiếng chửi thề không ngớt tuôn ra theo thế giới hỗn tạp trên màn hình. 

Khi được hỏi “các em kiếm tiền ở đâu để chơi game?” Toàn hồn nhiên cho biết: “Mỗi buổi trước khi đi học mẹ em đều cho 8 ngàn để ăn sáng, nhưng em không ăn mà để dành… chơi game”. Toàn còn cho biết thêm: “Nhiều hôm em chơi quá giờ, bị âm tiền phải đi mượn bạn để trả, gần đây chủ quán đã quen nên những hôm hết tiền chú ấy cho thiếu…” 

Trên thực tế những người nghiện game không chỉ ở độ tuổi nhí mà ngay cả người ở tuổi trưởng thành cũng rất say mê. Nhiều sinh viên chơi game nghiền đến mức quên ăn, quên ngủ, quên… học. Lê Văn Vượng, sinh viên trường ĐH Sư phạm tâm sự: “Minh là bạn cùng phòng với em, trước đây rất chăm học nhưng từ khi nối mạng Internet thì cậu ấy chơi game xuyên ngày đêm. Do thiếu ăn, thiếu ngủ nên người trở nên gầy tóp, việc học thì xuống dốc không phanh vì cậu ấy hầu như không đến trường”.  

Ảnh
Người chơi dễ bị ám ảnh từ những cảnh đâm chém nhau trong game

Để giúp các bạn trẻ chuyên tâm vào con đường học tập, tránh xa những trò game không lành mạnh, Tiến sĩ tâm Lý học Huỳnh Văn Sơn cho rằng: “Gia đình cần phải theo dõi những biểu hiện tâm lý của các em trong quá trình ăn uống, vui chơi, kể cả thời gian ngủ và thời gian học… Đồng thời kết hợp chặt chẽ giữa gia đình với nhà trường để có biện pháp giáo dục hợp lý đối với những em hay trốn học la cà ở tiệm game”. 

Giải pháp nào để hạn chế game không lành mạnh? 

Game là trò chơi giải trí, nếu người chơi biết cách hạn chế và kiểm soát thời gian của bản thân nó sẽ mang lại những khoảnh khắc thư giãn bổ ích. Tuy nhiên, đa phần người chơi đều bị đắm chìm trong thế giới ảo. Họ càng chơi càng bị cuốn hút vào những trò chém giết đến mức không thể dứt ra được. Vì thế game đã trở nên phản tác dụng, tạo nên những hiệu ứng không tốt đối với sự hình thành và phát triển nhân cách của thế hệ trẻ.

Theo thông tư 02 của Bộ Thông tin và truyền thông, khi trẻ em dưới 14 tuổi vào tiệm net bắt buộc phải có người lớn đi kèm, hướng dẫn. Nhưng trên thực tế thì hoàn toàn khác, Hầu hết các tiệm game đa phần đều là trẻ em, bởi người quản lý không hề kiểm tra độ tuổi. Thế giới game cũng có sự phân chia theo lứa tuổi trong các trò chơi tuy nhiên các em nhỏ vẫn hả hê thỏa thích với những trò chém, cướp, hiếp, giết…Chính điều đó đã đầu độc tâm lý của các em. 

Lương tâm và trách nhiệm quản lý trực tiếp đáng lẽ là nhiệm vụ của những chủ tiệm net, nhưng vì lợi nhuận họ đã đánh trống phớt lờ. Bà Mai Hoa, chủ tiệm net Ánh Ngọc trên đường Kha Vạn Cân cho biết: “Những trò game trong tiệm đa phần là học sinh cấp I, II tới chơi. Thấy chúng say mê quá, bỏ bê học hành tôi cũng áy náy, nhưng nếu không cho chúng chơi thì lại không có thu nhập”. 

Ở Mỹ đã có quy định khá rõ ràng về việc quản lý Internet. Cụ thể là với những chủ tiệm net bán game bạo lực cho trẻ em sẽ bị phạt 1.000 USD. Ở nước ta vẫn chưa thấy những chế tài xử phạt nghiêm minh các chủ tiệm net vi phạm.   

Mang vấn đề nhiều trẻ em nghiện game đã dẫn đến những hành vi giết người man rợ mà báo chí đã đưa tin. PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở Thông tin truyền thông TPHCM để tìm hiểu về cơ chế quản lý và giải pháp hạn chế các trò game này, PV đã được ông cho biết. 

“Hiện tại, Bộ thông tin truyền thông mới chỉ có quyết định cấm đối với các trò game nhập lậu. Còn lại đa phần các trò game đang lưu hành trên thị trường đều được cấp giấy phép của Bộ thông tin truyền thông”. 

Cũng theo ông Hà, Sở đã nhiều lần có kiến nghị lên Bộ đưa ra tiêu chí phân loại game. Cụ thể như: Thế nào là game bạo lực, thế nào là game khiêu dâm…và độ tuổi nào thì được chơi game nào. Có đưa ra được tiêu chí thì chúng ta mới có thể ngăn chặn từ gốc những trò game nguy hại và có hình thức chế tài với những loại game không lành mạnh. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có tiêu chí phân loại nên việc quản lý gặp khá nhiều khó khăn… 

“Làm thế nào để hạn chế game không lành mạnh?” vẫn còn là một câu hỏi bỏ ngỏ.

(Theo Dân trí) 



Bình luận

  • TTCN (0)