Nguyên Phó Tổng Giám đốc Linkton Vina Trần Công Điền (đeo kiếng): “Đến giờ phút này bị cáo chưa thấy mình có gì vi phạm cả”.

Có hai phương án khắc phục để đưa hơn 300 ngàn điện kế điện tử giả này vào sử dụng.

Hôm qua (22/5), khi nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty Linkton Vina Nguyễn Công Điền trình bày thêm “chứng cứ mới” là hợp đồng chuyển giao công nghệ “sản xuất điện kế điện tử” giữa Linkton Singapore với Linkton Vina, tòa đã tạm dừng phiên xử để xem xét. Tuy nhiên, tình tiết này đã có trong hồ sơ và hợp đồng này chưa được cơ quan chức năng công nhận nên bị xem là không có hiệu lực. Vì vậy, sau khi hội ý, tòa tiếp tục xử.

“Chủ công ty mù tịt như... bà nội trợ”

Nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Linkton Vina Trần Thị Liên tiếp diễn điệp khúc “không biết”.

VKS hỏi: “Từ khi thành lập đến nay, Linkton Vina sản xuất những gì?”. Liên không trả lời được. “Thế bà có biết việc Linkton Singapore trúng thầu lô điện kế điện tử với Công ty Điện lực TP không?”. Bị cáo: “Tôi có nghe bên kia (tức Linkton Singapore - PV) báo là có hợp đồng trúng thầu như thế”. Liên cũng trả lời có biết việc công ty mình sản xuất điện kế điện tử tại căn nhà thuê của ông Hoành để giao cho Công ty Điện lực TP nhưng lại không biết nhân viên nhập linh kiện gì, để làm gì mà chỉ biết... ký vào những hợp đồng nhập linh kiện.

VKS phán: “Bị cáo bỏ tiền ra lập liên doanh mà chuyện sản xuất, kinh doanh của công ty cái gì cũng trả lời không biết. Bị cáo trả lời giống như mình chỉ là bà nội trợ, trong khi công ty bị cáo tuy không trúng thầu vẫn làm hàng giả nhãn mác và giao cho đơn vị mà mình không hề ký hợp đồng cung ứng. Thế bị cáo trả lời thế nào về việc mình ký nhập hơn 34 ngàn nhãn Linkton Singapore về để gắn lên điện kế điện tử giả do mình sản xuất?”. Liên im lặng.

Đến phần trả lời tòa, nội dung trả lời của bị cáo có phần thành khẩn hơn: “Bị cáo chỉ nghĩ đơn giản là lắp ráp chứ không nghĩ đến xuất xứ hàng hóa, không biết làm vậy là làm hàng giả”. Chủ tọa: “Những hành vi bị cáo làm theo BLHS là làm hàng giả, bị cáo thấy có oan không”?. Bị cáo Liên: “Dạ, bị cáo thấy oan, chẳng qua bị cáo chỉ... ngộ nhận”.

Nguyên Phó Tổng Giám đốc Linkton Vina Trần Công Điền thì hùng hồn: “Đến giờ phút này tôi chưa thấy mình có gì vi phạm cả. Tôi nhận thức chữ Linkton Singapore chỉ là thương hiệu”. Bị cáo bị quy kết là người giúp sức cho Justin, Kaho và Liên sản xuất, bán 270 ngàn điện kế điện tử giả; là người ký 42 hợp đồng mua và nhập linh kiện, ký 15 lệnh giao hàng hơn 54 ngàn chiếc điện kế điện tử cho Công ty Điện lực TP. Cáo trạng thể hiện trước đó bị cáo đã khai nhận tội.

Thiệt hại bao nhiêu?

Mấu chốt của vụ án là phải xác định giá trị thiệt hại để quy trách nhiệm cho các bị cáo. Đây là điểm các cơ quan tố tụng chưa thống nhất và TAND TP từng phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Hôm qua tại tòa, đại diện tổ chức giám định tư pháp Bộ Công thương cho biết có hai phương án khắc phục để đưa hơn 300 ngàn điện kế điện tử giả này vào sử dụng. Phương án một: Nếu giữ nguyên số điện kế điện tử này và chỉ thay nhãn mác (từ Singapore sang Vina) thì chỉ mất hơn 370 triệu đồng. Phương án hai: Vẫn giữ nguyên mẫu mã, bo mạch của số hàng này, chỉ sửa chữa, cải thiện hợp lý, thay nhãn mác thì mất khoảng 1,2 tỷ đồng. Về yêu cầu giám định tổng giá trị thiệt hại gồm việc tháo các công tơ xuống, lưu kho, bảo quản, khoản chi phí giám định, khoản cải tạo, khắc phục và thay nhãn mác..., tổng cộng mất hết hơn 8,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, theo đại diện tổ chức giám định, do không có điều kiện nên không thể xác định được giá chênh lệch giữa điện kế điện tử của Linkton Vina với điện kế điện tử Linkton Singapore chính hiệu.

Mối quan hệ giữa Linkton Vina và Công ty Điện lực TP

Những ngày xét xử, tòa đã thẩm vấn nhiều bị cáo để tìm xem có mối quan hệ gì không giữa Công ty Điện lực TP.HCM và Linkton Vina vì hàng loạt dấu hiệu:

Ba tháng trước khi được chấp nhận làm nhà thầu, Linkton Singapore đã kịp lập ra một liên doanh với bị cáo Trần Thị Liên, lấy tên là Linkton Vina. Khoảng hai tháng sau, Linkton Vina đã thuê hai căn nhà của nguyên Phó Giám đốc Công ty Điện lực TP Lê Văn Hoành để ở và làm việc (312 ngàn chiếc điện kế điện tử giả sau đó đã được lắp ráp, sản xuất tại đây).

Cạnh đó, trong hồ sơ còn phát hiện văn bản về kế hoạch mua trực tiếp điện kế điện tử mang tính nội bộ của Công ty Điện lực TP lại được fax đi từ máy fax của bị cáo Liên. Chưa hết, nguyên Phó Giám đốc Công ty Điện lực TP Trần Công Điền chỉ sau một thời gian nghỉ hưu rất ngắn đã vào làm phó giám đốc của Linkton Vina. Sau đó, chính bị cáo Điền đã ký giao số điện kế giả này cho Công ty Điện lực TP...

Theo Pháp Luật.




Bình luận

  • TTCN (0)