Ông Lưu Vũ Hải - Ảnh: Cù Zap.

Xung quanh việc các nhà kinh doanh mạng đang hốt bạc từ những nội dung dung tục, phản cảm, vi phạm đời tư và vi phạm bản quyền, cơ quan quản lý nhà nước lên tiếng và xử lý như thế nào với những trường hợp mà dư luận bức xúc từ lâu này?

Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, tiến sĩ Lưu Vũ Hải trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ.

Thưa ông, việc các doanh nghiệp viễn thông kinh doanh các tin nhắn qua nhiều mạng thông tin khác nhau: điện thoại di động, truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số, báo điện tử, các trang web xã hội với những nội dung vi phạm bản quyền: hình ảnh cá nhân không xin phép, tải nhạc chuông, nghe nhạc không mua bản quyền... các cơ quan chức năng thuộc Bộ Thông tin - truyền thông (TT-TT) có biết không? Nếu đã biết thì họ đã bao giờ bị cơ quan chức năng xử lý hay chưa?

- Tất nhiên là các cơ quan chức năng đã biết, qua thanh tra, kiểm tra thường xuyên và qua phản ánh của công luận, báo chí. Chính vì thế mà ở góc độ truyền thông, Chính phủ đã có nghị định 90 (ngày 13/8/2008) về chống thư rác - trong đó có bao gồm tin nhắn rác, Bộ TT-TT đã có thông tư 12 (ngày 30/12/2008) để hướng dẫn thi hành nghị định này. Ở góc độ quản lý báo chí, Bộ TT-TT và trước đây là Bộ Văn hóa - thông tin cũng luôn xử lý rất chặt với các cơ quan báo chí, truyền hình vi phạm và đã có khá nhiều cơ quan báo, đài bị xử phạt, nhắc nhở.

Gần đây, vấn đề rộ lên và bị công luận bức xúc nhất lại nằm ở mảng tin nhắn viễn thông. Chúng ta có cơ quan quản lý viễn thông chung và chúng tôi đã có ý kiến với Bộ TT-TT về “vấn nạn” tin nhắn viễn thông mà báo chí đang phản ánh. Cái khó ở đây lại nằm ở việc quản lý thuê bao trả trước. Nếu quản lý tốt các thuê bao này thì việc kiểm soát các hoạt động kinh doanh tin nhắn sẽ có hiệu quả.

Bộ đã có yêu cầu quản lý thông tin đối với thuê bao trả trước và việc này được giao cho VNCERT (Trung tâm Ứng cứu khẩn cấp máy tính VN) làm đầu mối quản lý. Tôi tin rằng sau thời gian rà soát, kiểm tra và xử lý, hoạt động kinh doanh tin nhắn sẽ tránh được những sai phạm như trong thời gian vừa qua.

Ảnh
Bạn đọc huynhtankhai2003@... vừa gửi đến tòa soạn Tuổi Trẻ hình ảnh này, kèm theo ghi chú: “Mới đây, cầm tờ báo bóng đá của cậu em đang học lớp 9, nhìn trang quảng cáo mình thật sự sốc”

Thưa ông, tại sao trong khi các tờ báo chính thống, đài truyền hình chính thống phát analog chịu sự kiểm soát rất nghiêm ngặt của nhiều cơ quan thì các kênh truyền hình cáp và kỹ thuật số lại có thể “vô tư” cho chạy trên màn hình những nội dung bói toán, mê tín dị đoan, hành vi giới tính phản cảm rất công khai như vậy trong một thời gian dài mà không bị xử lý và hiện tại vẫn tiếp diễn? 

- Thật ra tất cả hoạt động phát thanh - truyền hình đều được quản lý theo Luật báo chí, không có chuyện với báo, đài này chặt hơn, báo đài kia lỏng hơn, ngay các kênh truyền hình cáp thì cũng thuộc sự quản lý của một đài truyền hình nào đó.

Tất cả những sai phạm nếu bị phát hiện đều phải được xử lý bình đẳng. Cũng chính vì thế mà Bộ TT-TT vừa ra văn bản 1439 yêu cầu tất cả các đài PT-TH phải kiểm tra, chấn chỉnh ngay các hoạt động nhắn tin - quảng cáo - dịch vụ trên truyền hình và sắp tới bộ sẽ tổng kiểm tra, xử lý nghiêm với tất cả sai phạm.

Thưa ông, phải chăng chưa có sự nhìn nhận nghiêm túc về mức độ nguy hại của loại hình kinh doanh văn hóa mà lại rất thiếu văn hóa này nên chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành văn hóa - thông tin truyền thông - công thương?

- Chúng ta đã nhìn nhận rất nghiêm túc vấn đề này và đang tổ chức triển khai rất cụ thể để thực hiện. Nhưng quả thực sự phối hợp nhiều lúc chưa được như ý. Công tác quản lý quảng cáo trên các phương tiện thông tin còn chồng chéo giữa hai ngành văn hóa và thông tin. Về quản lý nội dung tin nhắn cũng còn bất cập trong việc quản lý thuê bao trả trước. Nhưng những gì cần làm thì chúng tôi đã và đang làm.

Theo ông, từ góc độ người quản lý TT-TT, các doanh nghiệp viễn thông kinh doanh loại hình tin nhắn này có nên và cần thiết phải thu hồi giấy phép kinh doanh nếu tiếp tục kinh doanh tin nhắn với nội dung nhiều sai phạm như trên hay không?

Trong khi chờ đợi những quy chế bổ sung cho những thiếu sót (nếu có) của các văn bản pháp quy hiện thời, chúng ta có thể áp dụng những chế tài nào ngay lập tức với những sai phạm này, vì quyền lợi của người tiêu dùng, người đọc báo mạng, người xem truyền hình?

- Thanh tra Bộ TT-TT và các cơ quan chức năng sẽ căn cứ vào sai phạm cụ thể để xử lý. Tuy nhiên rút giấy phép kinh doanh thì tôi cho rằng chưa đến mức. Có ý kiến muốn tăng mức chế tài vì cho rằng mức xử phạt hành chính, phạt tiền như hiện tại chưa đủ sức nặng răn đe, tuy nhiên chế tài nào cũng phải theo các văn bản pháp luật hiện hành. Nếu muốn tăng mức chế tài cần phải có lộ trình điều chỉnh các văn bản pháp quy.

(Theo Tuổi trẻ online) 


Bình luận

  • TTCN (0)