"Khoảng cách số" giữa nông thôn và thành thị còn xa - Ảnh: P.V.

Khuyến mãi ồ ạt, tăng tốc dung lượng, chiều lòng người dùng... tất cả những chiêu thức cạnh tranh khốc liệt trên đã khiến thị trường phân hóa. Từ đây, các "đại gia" tạo được sự áp đặt thị trường. Mặc dù vậy, chất lượng Internet lại vẫn là điều đáng bàn.

Cạnh tranh và phân hóa

Tại giải thưởng CNTT vừa công bố tháng 3-2009 vừa qua, VDC ẵm 3 giải thưởng lớn. Lý do rất đơn giản là bấy lâu nay, VDC vẫn thống soái và áp đặt thị trường. Theo thống kê về bưu chính viễn thông (BCVT) và Internet do Bộ Thông tin truyền thông công bố tháng 5-2009 thì doanh nghiệp (DN) này đang chiếm tới 58,25% thị phần. Việc chiếm thị phần áp đảo đã khiến cho các DN khác khó lòng cạnh tranh. Cụ thể dù rất nhiều nỗ lực, Viettel và FPT chỉ chiếm được thị phần lần lượt ở mức 16,76% và 15,38%; các DN còn lại chiếm 9,61%.

Đi sâu phân tích thì thấy, VDC chính là DN lớn và lâu đời của Nhà nước. Việc thừa hưởng lợi thế độc quyền một thời gian dài đã giúp cho DN này lớn mạnh. Bên cạnh đó, khi xuất hiện sự cạnh tranh thì DN này vẫn có được lợi thế vì từ những khách hàng lớn thuộc hệ thống hành chính, DN nhà nước, khách hàng lớn... Trong khi đó, Viettel và FPT dù đã đổ cả núi tiền để đầu tư hạ tầng; song những lợi thế và đặc quyền như VDC lại không thể có được.

Tuy nhiên, cũng cần nói đến việc "phủ sóng" Internet của các DN. Thực tế là với lợi thế của mình, VDC đã mở rộng thị trường cả ở thành phố, nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Trong khi đó, FPT, Viettel và DN khác lại chỉ "hớt váng mỡ" tại khu vực thị thành. Khi nhu cầu khu vực này bão hòa, nguồn cầu cạn kiệt, những DN này đã khó lòng mở rộng thị phần bởi "lỡ" quên chưa đầu tư hạ tầng ở các khu vực khác. Mặc dù vậy, việc có mặt của FPT và Viettel đã giúp thị trường có được "quy luật cạnh tranh".

Chất lượng không theo kịp nhu cầu

Cách đây 4 năm, việc lắp đặt Internet là cực kỳ khó khăn, đắt đỏ và tốn kém thời gian. Thế nhưng cho đến nay, các DN sẵn lòng "cho không" chi phí lắp đặt, thiết bị; thậm chí là khuyến mãi tặng và giảm cước rất mạnh nhằm thu hút khách hàng. Bên cạnh đó, các DN đều tăng tốc mở rộng dung lượng. Tuy nhiên, chất lượng dịch vụ vẫn là điều đáng bàn.

Đầu tiên là vấn đề chất lượng phục vụ. Ngay tại Hà Nội, do bị "băm nát" quy hoạch nên nhiều khu vực đã không thể kéo cáp và kết nối Internet. Bên cạnh đó, dù quảng cáo là tăng dung lượng đường truyền; song tốc độ truy cập nhiều khu vực vẫn như... rùa bò. Đặc biệt, việc quy hoạch hạ tầng manh mún đã khiến các đường cáp Internet thường hay xảy ra sự cố và khó khắc phục hậu quả.

Điều đáng lo ngại hơn thế chính là "chất lượng phát triển". Việc các DN chỉ đáp ứng nhu cầu cho khách hàng lớn, khu vực thành thị đã khiến cho thị phần Internet ở nông thôn, vùng sâu, vùng xa gần như bị bỏ ngỏ. Đây là "tiền lệ" khá nguy hiểm khi mà "khoảng cách số" giữa các khu vực ngày càng tăng cao. Đặc biệt, việc các khu vực khó khăn không tiếp cận được Internet được ví như rào cản trong việc ứng dụng CNTT vào phát triển kinh tế, xã hội.

Ngoài ra, chỉ số ứng dụng Internet, chất lượng sử dụng Internet của VN vào sự phát triển kinh tế - xã hội còn ở mức rất thấp. Hiện tại, Internet băng thông rộng VN đang phát triển mạnh với hơn 19 triệu người sử dụng Internet.

(Theo Lao động)



Bình luận

  • TTCN (0)