Nhân hội nghị Viễn thông Quốc tế Việt Nam 2009 khai mạc tại Hà Nội ngày 20/5/2009, Nhóm nghiên cứu Vietnam Report vừa công bố báo cáo nghiên cứu với chủ đề “Báo cáo ngành Viễn Thông Việt Nam: Dự báo 2008 – 2012”. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu một số nhận định và kết quả rút ra từ báo cáo và các mô hình dự báo cho tăng trưởng của ngành trong giai đoạn 2008 – 2012.

Viễn thông Việt Nam 2008 – Vụ mùa bội thu

Năm 2008, ngành Viễn thông Việt Nam đã chứng kiến những con số khá ấn tượng, tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng là 82,25 triệu máy, thuê bao di động chiếm 85.5%, mật độ điện thoại là 97,5 máy/100 dân. Toàn quốc có trên 20,67 triệu người sử dụng Internet đạt mật độ 24,20%. Tổng số thuê bao băng rộng đạt 2 triệu. Doanh thu Bưu chính – Viễn thông năm 2008 đạt 92.445 tỷ đồng, tăng gần 38% so với năm 2007. Nộp ngân sách nhà nước 11.831 tỷ đồng, tăng 22/% so với năm 2007. Các doanh nghiệp viễn thông đã phát triển được hơn 14.700 trạm BTS.

Xét trên góc độ các chỉ số tài chính toàn ngành, ngành Viễn thông luôn là nằm trong top các ngành dẫn đầu. Với chỉ số ROA (Return on Asset), hệ số thu nhập trên tài sản, ngành Viễn thông đứng đầu (17,6%), vượt trên cả chỉ số ROA của ngành Bất động sản, một ngành vốn được xem là có chỉ số và tốc độ tăng trưởng ROA cao.

Nổi bật nhất trong xu hướng tăng trưởng của các dịch vụ viễn thông là sự trỗi dậy mạnh mẽ của thị trường thuê bao di động, trong đó số lượng đăng ký thuê bao di động tăng gấp trên 6 lần, từ 9 triệu thuê bao năm 2005 đến gần 58 triệu thuê bao trong năm 2008. Tương ứng với đó, tỷ lệ thuê bao di động tính trên 100 dân cũng tăng lên trên 6 lần, nếu trong năm 2005, tỷ lệ này là 11 thuê bao di động/100 dân, đến năm 2008, tỷ lệ này đã lên tới 67,8 thuê bao/100 dân. Đối với mảng thị trường điện thoại cố định, vẫn có sự tăng trưởng, tuy nhiên, không ồ ạt và nhanh như thị trường mạng di động. Nếu như năm 2005, cả nước có khoảng 6,5 triệu thuê bao đăng ký điện thoại cố định, thì đến cuối năm 2008, con số này tăng lên gần 13 triệu thuê bao.

Song song với thị trường điện thoại di động và cố định, thị trường Internet băng thông rộng cũng đã thể hiện một sức tăng trưởng rất nhanh qua từng năm. Năm 2005, số thuê bao Internet băng rộng ADSL tăng gần 300% so với năm 2004, đạt con số 210 nghìn thuê bao. Đến năm 2006, số thuê bao Internet băng rộng tăng 250% đạt con số 517 nghìn thuê bao, và tính đến hết năm 2008 đạt con số 2 triệu thuê bao.

Trong số các nhà cung cấp dịch vụ di dộng trên toàn quốc, mạng di động Viettel dẫn đầu với 19.426.006 thuê bao, chiếm khoảng 38% thị phần. Tiếp đến là mạng MobiFone với 13.341.217 thuê bao, chiếm 26,2% thị phần, VinaPhone với 12.108.310 thuê bao chiếm 23,6%, còn S-Fone vẫn khiêm tốn ở mức 3.148.252 thuê bao, chiếm 6,3% thị phần.

Cùng với việc Việt Nam gia nhập WTO, thị trường Internet và băng rộng ngày càng phát triển, đặc biệt tại các khu vực thành thị. Tính đến hết tháng 3/2009, cả nước có 21,1 triệu người sử dụng Internet, chiếm gần 25 % dân số của cả nước, dự báo sẽ tăng lên 36% vào năm 2012. Bên cạnh con số 2,2 triệu thuê bao băng thông rộng của cả nước, hiện có trên 90% doanh nghiệp tại Việt Nam đã kết nối Internet và có sử dụng dịch vụ băng thông rộng, nhu cầu sử dụng máy tính cá nhân cũng ngày càng tăng mạnh.

Tăng trưởng di động và Internet – Tầm nhìn 2012

Theo dự báo của Nhóm nghiên cứu Vietnam Report, đến năm 2012 số thuê bao di động sẽ tăng lên đến 124 triệu thuê bao và mật độ thuê bao di động trên 100 dân sẽ tăng vượt mốc 120. Điều này thể hiện một tốc độ tăng trưởng sẽ rất ấn tượng của thị trường điện thoại di động. Song song với đó, trong thời gian tới với việc 4 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông vừa trúng tuyển giấy phép 3G, bao gồm Vinaphone, Mobifone, Viettel, EVN Telecom liên danh với HT Mobile, dự báo thị trường di động sẽ có chiều hướng cạnh tranh và phát triển rất đáng kể.

Tốc độ tăng trưởng trong số lượng thuê bao băng thông rộng được dự báo theo mô hình của VNR cũng cho thấy, đến năm 2012, sẽ có trên 30 triệu thuê bao đăng ký băng thông rộng (gấp gần 15% so với thời điểm hiện tại). Tốc độ tăng chóng mặt được dự báo này rất có tính khả thi khi trong định hướng kế hoạch phát triển Internet Việt Nam từ nay đến năm 2010 của Bộ Bưu chính-Viễn thông, Internet sử dụng công nghệ băng thông rộng sẽ được tập trung phát triển.

Những dịch vụ Internet không phải băng thông rộng được dự báo sẽ không còn duy trì trong vài năm tới. Băng thông rộng sẽ phổ cập và đang trở thành dịch vụ hội tụ tất cả các loại hình dịch vụ. Thị trường sẽ phát triển mạnh trong những năm tới và mức tăng trưởng sẽ gấp đôi mỗi năm.

Nhóm Nghiên cứu Vietnam Report (www.vnr500.com.vn)



Bình luận

  • TTCN (0)