Hiện có rất nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp của các doanh nghiệp dân doanh hoạt động giống như báo điện tử thực sự.

Tuần qua, trang web sieunhanh.vn vừa bị tạm dừng hoạt động vì một trong số các vi phạm là “hoạt động như một báo điện tử nhưng chưa được cấp phép”. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn tồn tại nhiều website có nội dung tin tức tổng hợp mà người sử dụng Internet không thể phân biệt với báo điện tử.

Ngoài nội dung trích dẫn từ các nguồn thông tin chính thống, các website này còn tổ chức đội ngũ nhân lực viết bài, dịch bài – những hành vi vượt quá giới hạn pháp luật cho phép đối với một trang thông tin tổng hợp.

Nở rộ…

Chị Phạm Bích Vân, nhân viên tập đoàn bán lẻ Casino tại Việt Nam, cho biết hàng ngày chị hay đọc thông tin về tài chính, chứng khoán tại các website như CafeF hay VietStock. Lý do bởi đây là những website có phân tích, nhận định chuyên sâu và hầu như tin tức tài chính, chứng khoán ở các báo điện tử lớn đều được sưu tập về những trang này.

Nguyễn Minh Tiến, học sinh lớp 10, trường PTTH Lê Quý Đôn (Hà Nội) nói mỗi khi vào mạng, em hay lướt qua Zing hay Kenh14 – những website mà các bạn em cũng thường truy cập vì “dành cho teen”, Tiến nói.

Những website nói trên đều là của các công ty dân doanh trong nước và được cấp phép hoạt động dưới dạng trang thông tin điện tử chứ không phải là báo điện tử hay trang tin điện tử của cơ quan báo chí.

Chị Vân, em Tiến hay cũng như bất kỳ người lướt Web tìm kiếm tin tức nào ở Việt Nam có lẽ không quan tâm đến sự khác biệt giữa báo điện tử và trang tin điện tử tổng hợp là gì mà quan trọng là chúng thỏa mãn nhu cầu thông tin đến đâu. Đó cũng chính là lý do từ vài năm trở lại đây, số lượng các trang tin điện tử tổng hợp nở rộ như nấm mọc sau mưa.

Có những trang tin chỉ chuyên lọc tự động tin tức tổng hợp từ các báo điện tử hoặc các trang tin tổng hợp khác như baomoi.com, docbao.com, tin247.com, baongay.com, baotructuyen.com, tinnong24.vn, tinmoi.com, thoisu.com…

Có nhiều website nhắm đến đối tượng độc giả riêng bằng nội dung thông tin chuyên sâu mà nổi bật là Công ty VC Corp với một series các “kênh” dành cho độc giả ham mê ô tô, xe máy autopro.com.vn; thông tin gia đình, du lịch afamily.vn; thế giới game gameK.vn; dành cho giới teen Việt (độ tuổi từ 13-19 thường hay được gọi là lứa tuổi teen) là kenh14.vn và website thông tin tài chính, ngân hàng, chứng khoán cafeF.vn. Trong 5 website này, kenh14 và cafeF thành công nổi bật về lượng truy cập, thể hiện ở thứ hạng cao tương ứng là 13 và 86 trong bảng xếp hạng các website Việt Nam của Alexa chỉ sau khoảng 1 năm xuất hiện.

Ngoài ra, còn nhiều trang web thông tin chuyên sâu khác cũng “nổi đình nổi đám” không kém báo điện tử như Vietstock.com.vn chuyên về thông tin tài chính; cổng thông tin hướng đến lứa tuổi teen Zing.vn của công ty phát hành game số 1 Việt Nam VinaGame...

Những website này đều có các chuyên mục tin tức như một tờ báo điện tử với nội dung được phân biệt rõ ràng giữa tin tức được biên tập lại từ các nguồn bên ngoài và tin tức do website đó thực hiện. Những tin tức do chính họ thực hiện được “đóng dấu” tên website ngay ở phần dẫn bài viết và tên tác giả như nhiều báo điện tử khác.

… và “xé rào”

Theo Nghị định số 97 của Chính phủ ban hành năm 2008 về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin điện tử trên Internet có quy định rõ “Trang thông tin điện tử tổng hợp là trang thông tin điện tử trên Internet của tổ chức hoặc doanh nghiệp cung cấp thông tin tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trên cơ sở trích dẫn lại thông tin từ nguồn chính thức của các cơ quan báo chí hoặc từ các trang thông tin điện tử của các cơ quan Đảng và Nhà nước”.

Trên thực tế, nhiều trang thông tin điện tử tổng hợp đã không chỉ dừng lại việc trích dẫn lại thông tin từ các nguồn chính thống mà thậm chí tổ chức thu thập tin tức, viết bài như bất kỳ cơ quan báo chí nào. Điều khác biệt duy nhất là những trang thông tin này không có chức danh tổng biên tập được pháp luật công nhận.

Trong năm 2008, thông tin cafeF và kenh14 quảng cáo tuyển biên tập viên, phóng viên đã được đăng tải rộng rãi trên một số báo điện tử và website. Công việc được mô tả là viết bài, biên dịch, biên tập bài vở hoặc thu thập thông tin, viết bài về các lĩnh vực liên quan đến kinh tế tài chính: chứng khoán, tài chính ngân hàng, bất động sản, hoạt động kinh tế của doanh nghiệp...

Một cựu nhân viên VC Corp cũng xác nhận các kênh thông tin này hoạt động giống như một báo điện tử thực sự, phóng viên đi khai thác viết tin bài trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, nếu tinh ý có thể nhận thấy sự khác biệt với báo điện tử chính thống của các trang này ở cách viết “thoải mái hơn” - chẳng hạn các bài viết trên kenh14.vn dành cho giới trẻ thường xuyên xuất hiện những từ và cụm từ như “rùi”, “nè”, “ná”, “kute”, thậm chí cả “náh”, “dư lào nhá”… Em Minh Tiến cũng nhận xét em không thích kênh14 ở chỗ ngôn ngữ sử dụng quá nhiều tiếng lóng mà nhiều khi ngay cả em cũng không hiểu.

Ông Ngô Huy Toàn, Thanh tra Bộ TT&TT khẳng định, Nghị định 97 đã “mở” rất nhiều về việc thông tin trên mạng Internet, phạm vi thông tin rất rộng so với trước. Mặc dù vậy, đã có những trang tin điện tử tổng hợp đã hoạt động vượt quá khuôn khổ cho phép như tổ chức viết bài, đưa tin như một tờ báo. Đây là hành vi vi phạm nghiêm trọng Luật Báo chí sửa đổi năm 1999.

Ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VH-TT-DL cũng khẳng định các trang thông tin điện tử không được đưa tin như báo điện tử.

“Việc họ copy từ các báo như hiện nay là sai luật báo chí. Ở khía cạnh bản quyền cũng vi phạm. Tuy nhiên, lĩnh vực bản quyền tác giả là quan hệ dân sự. Thanh tra Bộ chỉ có thể nhắc nhở, tuyên truyền về việc tôn trọng bản quyền. Còn với những trường hợp cụ thể phải có khiếu nại của chủ sở hữu tác phẩm báo chí (cơ quan báo chí) thì mới xem xét xử lý được”, ông Thành nói.

Song điều quan trọng hơn, theo ông Toàn là hiện nay nhiều trang tin điện tử tổng hợp tập trung quá mức vào thông tin, hình ảnh câu khách, phản cảm làm xói mòn sự trong sáng của tiếng Việt, các giá trị thuần phong mỹ tục. Cá biệt có những trang đưa hình ảnh khủng khiếp, man rợ, rao mua bán tình trên mạng…

Ông Toàn cho biết tất cả các trường hợp phát hiện có vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định số 28 về xử phạt vi phạm hành chính về Internet có hiệu lực từ 15/5/09. Hành vi vi phạm các quy định về giấy phép thiết lập trang tin điện tử tổng hợp; giấy phép xuất bản báo điện tử có thể bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 70 triệu đồng. Trong đó mức phạt cao nhất 70 triệu đồng có thể được áp dụng đối với hành vi xuất bản báo điện tử không có giấy phép. Ngoài ra, hành vi xuất bản điện tử như vậy còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thu hồi tên miền.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (0)