Không hoàn toàn theo cơ chế "cấp - phát", "đến trước - cấp trước" như trước nữa, một hình thức cấp phép tần số mới được đưa ra trong dự thảo Luật Tần số, đó là: đấu giá hoặc thi tuyển quyền sử dụng tần số, đối với một số băng tần có giá trị kinh tế cao và có nhu cầu sử dụng vượt quá khả năng đáp ứng.

Điều 18 dự thảo Luật Tần số cho biết, việc cấp phép tần số vô tuyến điện sẽ được thực hiện thông qua 4 phương thức cấp phép, bao gồm: cấp phép trực tiếp trên cơ sở xem xét hồ sơ xin cấp phép, cấp phép thông qua thi tuyển trên cơ sở đánh giá các hồ sơ thi tuyển, cấp phép thông qua đấu giá trên cơ sở đánh giá các hồ sơ đấu giá và các hình thức cấp phép khác. Trong đó, đấu giá và thi tuyển là 2 hình thức cấp phép tần số mới, hiện chưa được áp dụng.

Trao đổi với VietNamNet, ông Đoàn Quang Hoan, Cục trưởng Cục Tần số, Bộ TT&TT, đơn vị chịu trách nhiệm soạn thảo Luật Tần số cho biết, hai hình thức cấp phép trên mới được đưa vào luật là xuất phát từ thực tế phát triển của lĩnh vực ấn định và cấp phép tần số vô tuyến điện hiện nay, là do sự bùng nổ của thông tin vô tuyến trong tất cả các ngành nghề, lĩnh vực khiến nhu cầu sử dụng tần số tăng cao, tài nguyên tần số ngày càng trở nên quý hiếm, đòi hỏi phải được quản lý và sử dụng hiệu quả hơn.

Đấu giá tần số

Hiện tại, một số nước như Anh, Pháp, Nhật, Hàn Quốc, Úc, Hồng Kông, Singapore, Malaysia, NewZealand, Đức, Ý... đang áp dụng các hình thức phân bổ, cấp phép tần số dựa trên định hướng của thị trường (Market Model) là đấu giá và thi tuyển, nhằm theo đuổi mục đích sử dụng phổ tần cao hơn, việc cấp phép được minh bạch và công bằng hơn.

Một số nước như Pháp, Hungary, Hàn Quốc đã thành lập các quỹ hỗ trợ giải phóng tần số, thu hồi những băng tần hoạt động không hiệu quả phục vụ những nghiệp vụ mới. Kinh phí của quỹ được lấy từ 2 nguồn chính: ngân sách nhà nước và đóng góp của các tổ chức, DN. Bằng việc giải phóng, thu hồi băng tần số, một số nước như Pháp, Hàn Quốc, Nhật, Mỹ đã cơ bản hoàn thành việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số, dành các băng tần truyền hình cho các dịch vụ vô tuyến băng rộng.

Theo thống kê của Cục Tần số, hệ thống thông tin vô tuyến và sử dụng phổ tần số vô tuyến điện ở Việt Nam bắt đầu phát triển mạnh mẽ từ năm 2000, được ứng dụng rộng rãi trong các lĩnh vực: thông tin di động, truyền dẫn viba, thông tin vệ tinh, truyền hình, các hệ thống bộ đàm dùng cho tàu, thuyền, sân bay, taxi, bảo vệ, xây dựng, siêu thị, nhà hàng, các thiết bị điều khiển mô hình, nhận dạng vô tuyến, giám sát, cảnh báo an ninh... Nếu như năm 1994, Cục Tần số mới chỉ tiếp nhận và xử lý khoảng 2.100 hồ sơ xin cấp phép, thì con số của năm 2007 là 22.500 hồ sơ, tăng gần 11 lần. Cụ thể, năm 2007, Cục Tần số đã cấp phép cho 1.200 mạng vô tuyến dùng riêng, 8.000 tuyến truyền dẫn viba, 600 trạm vệ tinh mặt đất, 853 đài phát hình, 1.022 trạm phát thanh, 1.816 đài tàu biển, 8.000 máy thu - phát sóng HF cho nghề cá...

Chính sự phát triển này đã đặt ra những thách thức, đòi hỏi những quy định cụ thể hơn về nhiều vấn đề như: thu hồi giấy phép, đền bù giải phóng băng tần, cấp phép những băng tần có giá trị cao mà nhiều đơn vị, DN cùng "tranh nhau" sử dụng.

Một cách dễ hiểu, đấu giá tần số là việc đưa một số băng tần nhất định ra đấu giá, đơn vị nào trả giá cao nhất sẽ được cấp phép quyền sử dụng tần số. Khoản thu khá lớn từ việc đấu giá sẽ nộp vào ngân sách Nhà nước. Thủ tướng Chính phủ sẽ có quyền quyết định băng tần nào được đưa ra đấu giá.

Thi tuyển để được cấp phép tần số thì khác hơn một chút. DN tham gia thi tuyển chỉ phải trả một mức phí quy định sử dụng tần số, nhưng hồ sơ thi tuyển phải đạt một số cam kết nhất định: số vốn đầu tư, chất lượng dịch vụ, thời gian cung cấp dịch vụ, tỷ lệ phủ sóng trên dân số, công nghệ sử dụng... Hình thức này đã vừa được Bộ TT&TT áp dụng với việc cấp phép cung cấp dịch vụ 3G.

Dự thảo Luật Tần số đã hoàn thành soạn thảo từ giữa năm 2008 và đưa ra lấy ý kiến tham gia của các bộ, ngành liên quan, ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp. Có 6 vấn đề lớn trong Luật được bàn thảo kỹ lưỡng và lấy ý kiến cụ thể của các thành viên Chính phủ. Riêng hình thức thi tuyển và đấu giá quyền sử dụng tần số nhận được 20/21 ý kiến đồng ý, 1/21 ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể các trường hợp thi tuyển, đấu giá.  

Đánh giá về điểm mới này trong Luật Tần số, Văn phòng Chính phủ cho rằng, 2 hình thức cấp phép tần số thông qua đấu giá và thi tuyển sẽ lựa chọn được những DN có khả năng khai thác, sử dụng tốt nhất phổ tần số và tiến tới phương thức cấp phép theo cơ chế thị trường, và đó là một sự thay đổi lớn trong chính sách cấp phép.

Ngoài ra, cùng với đấu giá và thi tuyển quyền sử dụng tần số, dự thảo Luật Tần số cũng đưa vào thực thi việc chuyển quyền sử dụng tần số và cho thuê, mượn các thiết bị tần số. Cụ thể, việc chuyển quyền sử dụng tần số sẽ áp dụng đối với các tổ chức DN được cấp phép thông qua đấu giá, nhằm đảm bảo lợi ích của người chuyển và nhận quyền sử dụng tần số, lợi ích của khách hàng cũng như việc quản lý của Nhà nước.

Theo VietNamNet.




Bình luận

  • TTCN (0)