Cứ mỗi năm 3 lần họ lại gặp nhau ở một địa điểm không được định trước. Những tên tuổi “cũ kỹ” như Google, Yahoo, AT&T, Comcast, Verizon góp mặt trong các cuộc gặp này để bàn về đề tài “muôn thuở”: Làm thế nào để “lái con thuyền Internet” ra khỏi vòng xoáy của spam, của virus hay những vụ tấn công của những tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.

Dân IT sống đời... điệp viên

Có một điểm đáng chú ý là họ rất “ghét” khi nghe thấy ai đó nói về các cuộc họp của mình và giới truyền thông không bao giờ được họ chào đón. “Một số người sẽ cảm thấy hốt hoảng nếu họ biết những gì mà chúng tôi đang nói chuyện với nhau”, Michael O’Rierdan - Chủ tịch nhóm các nhà hoạt động chống lạm dụng tin nhắn (MAAWG) phân trần.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là giúp cho môi trường Internet an toàn hơn nhưng chúng tôi không muốn mọi người vì sợ hãi mà bỏ không dùng Internet nữa”. Họ buộc phải gặp gỡ nhau theo cách của những điệp viên vì một lý do quan trọng: Không muốn trở thành mục tiêu của những tổ chức tội phạm xuyên quốc gia.

Kinh nghiệm trong nhiều năm qua cho thấy, hầu hết các hoạt động spam (gửi thư, tin nhắn rác) hay các vụ tấn công (hacking) đều do các đường dây tội phạm quốc tế thực hiện. “Hầu như ngày nào chúng tôi cũng nhận được những sự đe dọa”, Larry, Giám đốc kỹ thuật của Spamhaus - tổ chức phi lợi nhuận chuyên làm nhiệm vụ vạch mặt những kẻ gửi thư rác - cho biết.

Bước ra ánh sáng

Cuộc họp của MAAWG năm nay được tổ chức mới đây tại khách sạn Krasnapolsky (Amsterdam - Hà Lan), với sự tham dự của 270 đại biểu đến từ 19 quốc gia. Những thủ thuật “tình báo” vẫn được áp dụng. Tuy nhiên, điểm khác biệt của cuộc gặp lần này là MAAWG bắt đầu hé lộ đôi chút về công việc họ đang làm và các khách hàng bắt đầu hình dung được những gì đã xảy ra trong thế giới web.

Theo thống kê của hãng bảo mật Symantec, năm 2008, có khoảng 349,6 tỷ thư rác được gửi đi trên khắp thế giới, chiếm đến 94% tổng lượng email được gửi đi và 90% trong số đó là xuất phát từ những chiếc máy tính bị hacker chiếm mất quyền quản trị và bị kiểm soát, điều khiển từ xa để gửi thư rác. Thế giới có khoảng 9,4 triệu chiếc máy tính dạng này và gần như toàn bộ chủ nhân của những chiếc máy tính ấy không hề biết rằng họ đã bị mất quyền quản trị.

“Đôi khi chúng tôi rất muốn mọi người biết công việc mà chúng tôi đang làm để trở thành một cộng đồng kêu gọi các chính trị gia giúp đỡ chúng tôi”, Jerry Upton, Giám đốc điều hành của MAAWG nói.

Không có hy vọng thắng?

Cuộc chiến chống lại nạn thư rác nhiều khi khiến các công ty Internet “khốn khổ”. Có rất ít công ty có thể định lượng được họ đã tốn bao nhiêu tiền cho cuộc chiến này. Thường thì một ISP lớn phải tuyển dụng từ 5-10 nhân viên chuyên trách việc theo dõi spam.

Thêm vào đó là các cơ sở vật chất như máy chủ, bộ định tuyến, bộ lọc thư rác, phần mềm ngăn chặn tấn công web, thành lập các trung tâm trợ giúp khách hàng và nhiều loại thiết bị khác để có thể “tải” nổi lượng thư rác ngày càng khổng lồ.

Viriya Upatising, Giám đốc kỹ thuật của True Internet, một nhà ISP lớn của Thái Lan cho biết, thư rác chính là nguyên nhân chính dẫn đến các sự cố của đường cáp quang ngầm xuyên biển nối châu Á với châu Âu hay châu Mỹ.

“Thư rác đang ngày càng khiến cho băng thông trở nên vô cùng đắt đỏ ở châu Á. Trung bình chúng tôi tốn tới 250 USD/megabit/tháng”. True Internet vừa thiết lập xong một hệ thống cho phép ngăn chặn những kẻ phát tán thư rác từ khi chúng bắt đầu “dội bom” để giảm lượng email không mong muốn từ 3,5 triệu hiện nay xuống còn 250.000.

Nhưng với các chuyên gia an ninh Internet, nỗi sợ lớn nhất của họ là đến một lúc nào đó họ sẽ thua trận trước giới tội phạm mạng. Đây cũng chính là lý do khiến lần đầu tiên những thông tin về MAAWG được tiết lộ.

Dave Crocker, Trưởng cố vấn kỹ thuật của MAAWG thừa nhận: “Đó là một cuộc chạy đua vũ trang. Mỗi khi chúng tôi có một bộ lọc mới tốt hơn thì chúng cũng có một thủ đoạn tấn công mới hiệu quả hơn. Thế nên chúng tôi chưa thể biết kết quả của cuộc chiến bí mật này sẽ ra sao”.

(Theo ICT News)



Bình luận

  • TTCN (0)