Ảnh minh họa.

"Dương thịnh âm suy", thường xuyên bị stress, lương tăng chậm, dễ phải lấy người cùng nghề... là những thực tế bạn phải đối mặt nếu muốn theo đuổi nghề IT. Dưới đây là 10 thống kê vui những "nguy cơ" tiềm ẩn trong ngành IT mà bạn có thể phải đối mặt nếu quyết tâm theo đuổi nghề này, thông qua con mắt của một blogger làm trong nghề.

1. Ở những ngành khác thì nữ vừa nhiều vừa xinh đẹp, ngành IT thì ngược lại

Điều này ai đã và đang học CNTT ở các trường ĐH đều biết rồi. Không riêng gì trong ngành CNTT mà những ngành kỹ thuật, số lượng nữ giới cũng rất thấp. Tuy nhiên so với các ngành như cơ khí, điện tử thì tỉ lệ nữ giới học CNTT cũng còn khá cao. Nhưng khi học xong và đi làm, tỉ lệ nữ giới làm lập trình lại càng giảm, đa số các bạn ấy làm QC, DB, BA… Ở nhóm tôi khoảng 20 người chỉ có mỗi 2 dev, 2 QC là nữ, còn lại toàn "đực rựa". Tuy nhiên điều an ủi là trong công ty vẫn có nhiều chị em xinh lắm, nhưng không làm ở bộ phận lập trình. Thiếu thốn này thường dẫn đến điều thứ hai.

2. Xác suất phải lập gia đình với người cùng ngành rất cao

Nghe có vẻ như hơi mâu thuẫn, đã ít nữ thì làm sao xác suất này cao được. Thế nhưng với những người làm IT thì kể từ lúc đi làm thường nhìn máy tính nhiều hơn giao tiếp với ngưòi thật nên sẽ ăn nói kém, giao tiếp kém, cơ hội gặp phụ nữ khác ngành cũng ít hơn người làm ở ngành khác nên trời kêu ai nấy dạ. Tuy nhiên chúng ta thường quen nửa cuộc đời của mình từ trong trường ĐH hoặc ở nơi làm việc nên điều này có thể cũng đúng với những người làm ở các ngành khác. Dù những người làm ở ngành IT chúng ta thường được cái thông minh, nhưng hai người thông minh thì sinh con ra chưa chắc thông minh nên đây cũng là một hiểm họa tiềm tàng. Hơn nữa, hai người cùng ngành IT giờ gặp nhau ngoài nói chuyện bug, code thì chán chết. Phải chi chàng kể chuyện bug, nàng hỏi bug là gì hở anh thì có phải thú vị hơn biết bao.

3. Bạn sẽ bị yếu đi

Điều này không có gì phải bàn cãi. Thứ nhất ngồi nhiều… thì bụng và mông sẽ to. Bụng càng to càng khó làm... nhiều thứ và tuổi thọ giảm. Ngồi nhiều còn có thể gây ra nhiều bệnh tế nhị khác. Ngoài hai bệnh đằng trước và đằng sau thì còn bệnh ở mắt do nhìn quá nhiều. Đa số người làm IT xung quanh ta đều bị cận thị. Gõ máy tính thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến tim, rê chuột thường xuyên sẽ thoái hóa cổ tay. Ngoài ra cột sống sẽ bị chai hoặc mọc gai do tật ngồi nhiều hơn đứng của công việc này.

Ngoài ra, người làm IT thường có thói quen làm việc, sinh hoạt ban đêm. Cái giờ đáng lẽ những người ở những ngành khác làm cái việc mà ai cũng biết là việc gì thì người trong ngành IT lại gõ gõ, click click và thường gây ra bệnh đau bao tử. Tay chân ít hoạt động nên con người thường cảm thấy mỏi mệt, lười vận động, thậm chí cả lười tắm nên đừng thắc mắc tại sao một số SV ngành IT thường ở dơ. Nói chung làm cái nghề này nếu ko chịu sinh hoạt… điều độ thì đừng mong thọ.

4. Bạn sẽ thường xuyên bị làm phiền bởi người quen

Đây là một trong những điều tệ hại và khó chịu nhất bạn sẽ gặp phải. Những người quen của bạn: bạn bè, bà con, cô dì chú bác, bạn của ba của mẹ sẽ gọi điện nhờ bạn giúp khi họ không nghe nhạc được, máy khởi động chậm, không thấy webcam, không biết đưa hình lên blog. Kiểu hỗ trợ kỹ thuật miễn phí này nên cẩn thận vì nó sẽ thường xuyên lặp đi lặp lại. Một số trường hợp bạn sẽ được trả công nhưng theo tôi, bạn chẳng cần số tiền chả đáng đổ xăng đó làm gì so với thời gian phải chạy đi chạy lại. Đa số người nhờ bạn giúp sẽ mong muốn được hỗ trợ miễn phí và tôi chắc chúng ta sẽ không vui gì về điều đó. Vì vậy hãy tập nói không khi có thể.

5. Bạn sẽ phải thường xuyên về trễ mà không được trả tiền

Đặc thù của ngành IT là công việc thường không thể tính chính xác bằng giờ. Có nghĩa là không phải cứ một lượng thời gian nào đó thì sẽ làm xong một công việc. Thường chúng ta sẽ phải ở lại thêm 1 giờ, 2 giờ để làm nốt công việc của mình nếu bạn là người có trách nhiệm. Nhưng dù có trách nhiệm hay không thì khi công việc chưa xong mà đã gần đến deadline thì bạn vẫn phải ở lại để hoàn thành những gì còn dở dang, tất nhiên không có xu nào cả.

6. Bạn sẽ thường xuyên bị stress

Khi làm việc với những project lớn nhiều người, công việc sẽ theo flow rõ ràng, bạn làm, người khác test, manager gí, và khi đến những ngày cuối cùng là lúc bạn làm việc nhiều nhất. Phải suy nghĩ nhiều, cơ thể mệt mỏi, thiếu ngủ cộng với căng thẳng khi làm việc sẽ khiến nhiều người bị stress. Theo một số điều tra, thủ phạm gây stress nhiều nhất là email. Khi phải đọc khoảng 100 email một ngày thì người hiền lành cũng trở nên gắt gỏng. Bởi vậy những người làm IT thường hay khó chịu đột xuất.

7. Lương bạn sẽ tăng rất chậm

Làm IT lương khởi điểm sẽ khá cao so với một số ngành nhưng tốc độ tăng sẽ chậm và ít đột biến. Thường người làm IT sẽ giải quyết nhu cầu tăng lương bằng cách nhảy sang công ty khác. Cho nên những bạn sinh viên mới ra trường nên tìm một công ty có lương khởi điểm khá tốt, vì thông thường chu kỳ tăng lương sẽ là từng năm và khi lạm phát hai chữ số mà tăng lương dưới 15% cộng với trả lương bằng tiền Việt thì hơi bị đuối. Tốt nhất nên tìm hiểu những anh chị đi trước hoặc xác định mục tiêu của mình để tìm hướng đi khác vì làm lập trình chay khó làm giàu lắm.

8. Không phải lúc nào cũng được làm công việc ưa thích

Bạn từng nghĩ sẽ áp dụng những kỹ thuật tiên tiến nhất của các ngôn ngữ lập trình hiện đại, sẽ học hỏi những công nghệ mới nhất và làm việc với những chuyên gia đầy kinh nghiệm trong lĩnh vực CNTT nhưng thường không phải như vậy. Ở những công ty càng lớn càng có những project kỳ lạ kiểu như chuyển nguyên một chương trình từ VB6 sang C#, hoặc từ một ngôn ngữ rất cổ xưa sang C#.

Tuy đòi hỏi kiến thức lập trình trên hai ngôn ngữ, khả năng đọc hiểu code nhưng nói chung công việc như vậy khá nhàm chán và tôi nghĩ chẳng ai muốn theo đuổi lâu dài. Đối với những project lớn thì chi phí công nghệ mới là một trong những vấn đề quan tâm của khách hàng. Bạn muốn sử dụng SQL 2005 nhưng khách hàng sẽ nói “No” khi họ đã có licence cho SQL 2000 và không muốn bỏ tiền mua thứ mới. Bạn muốn sử dụng ASP.NET để làm website cho khách hàng nhưng họ cho rằng PHP sẽ rẻ hơn vì không tốn nhiều licence cho máy chủ WINDOWS. Bạn muốn dùng ORM tool để tiết kiệm thời gian lập trình nhưng khách hàng nhất quyết bạn phải dùng Store Procedure và viết code gọi bằng C# vì làm vậy nhanh hơn 30 milisecond khi gọi 10.000 query. Nói chung khách hàng là thượng đế và chúng ta phải nghe theo.

9. Khi nhảy việc cũng không đơn giản, có khi phải bắt đầu lại từ đầu

Lương bạn hiện không cao trong khi lương tụi bạn đã gấp hai mình. Đề nghị sếp tăng lương thì sao, liệu sếp có chịu tăng cho mình gấp rưỡi không chứ đừng nói gấp hai. Tại sao không nhảy việc khi vừa có thể có lương cao hơn lại có thể học hỏi nhiều cái mới và làm quen nhiều con người mới. Nhưng khi nhảy việc là lúc bạn phải chấp nhận làm lại từ đầu. Có thể bạn có nhiều kinh nghiệm từ công ty cũ nhưng sang môi trường mới sẽ không có đất để dụng võ. Và khi chưa biết gì hết thì bạn sẽ là một newbie (dân tay mơ) và chấp nhận làm lại từ con số không. Vì vậy, theo tôi, nếu tìm được công việc mới lương gấp rưỡi trở lên thì hãy nhảy, còn không ở lại cho lành và chờ thời cơ.

10. Rất khó để tự kinh doanh riêng về IT

Tỉ lệ thất bại cao của các công ty IT mới thành lập đã nói lên điều này. Nếu bạn làm IT khi muốn mở một công ty làm phần mềm thì rất khó. Một trong những khó khăn lớn nhất là sự cạnh tranh. Bạn sẽ khó kiếm được project từ những khách hàng lớn khi công ty của bạn chưa hề có tên tuổi hoặc không có công ty mẹ đỡ đầu. Nếu chấp nhận làm dự án nhỏ thì có vô khối công ty đã làm như vậy. Những công ty may mắn sống sót nhờ vào dạng những project nhỏ này họ có thể thực hiện website trong một tuần nhờ tái sử dụng những cái đã có từ project cũ và chúng ta sẽ khó cạnh tranh mỗi khi kinh nghiệm tổ chức và kinh doanh là con số 0. Giỏi lập trình không có nghĩa là giỏi quản lý, và càng không có nghĩa là giỏi kinh doanh nên làm công ty về IT không hề đơn giản. Và khi không có project nào trong khi phải nuôi đội quân cỡ năm người, cộng với trả tiền điện, tiền mặt bằng trong ba tháng là bạn phải nghĩ đến chuyện giải tán.

Đó là 10 trong khá nhiều những khó khăn, thiệt thòi, gian khổ của ngành IT. Làm IT không đơn giản và không sướng chút nào, càng không dễ làm giàu. Thế nên những ai nghĩ làm IT sướng và lương cao thì nên xem lại và cân nhắc nếu như đang chọn nghề cho mình. Đây là những ý kiến chủ quan của tôi, có thể có nhiều ý kiến trái ngược và bổ sung khác nên rất mong được sự chia sẻ từ các bạn. Mọi comment khen ngợi, chửi bới đều hoan nghênh.

Theo Tuổi trẻ (Blogger Thoại Nguyễn)




Bình luận

  • TTCN (7)
minhkhongbietgi  1

Đúng, đúng quá anh ơi. Không còn gì để đúng hơn nữa. Nhưng lỡ mê rồi đến chết cũng chẳng rút ra được. Phải cố gắng thôi. Anh em IT phải cố gắng theo đuổi nha. Mặc kệ mấy cái khó khăn này. Ngành nào cũng có khó khăn của ngành đó mà, nhưng em thấy cái khó khăn của ngành mình là trớ trêu nhưng tức cười nhất, haha ^^

nhok carem  2

hay lam

đúng nhất là điều 4.
lập trình thì dễ.
sáng tạo và ý tưởng thì rất khó

black  1

123

Lương nghề này thiệt thòi so với những thứ bỏ ra quá, không biết làm thêm cái gì bên ngoài, chung thuỷ với nghề thì đói, là phản bội sức khoẻ và tuổi trẻ Big Grin

Thien Nguyen  1

Mới bổ sung thêm 5 điều

11) Bạn sẽ xấu đi, nhan sắc tàn phai theo năm tháng:
La`m coder hay làm leader thì thường xuyên phải suy nghĩ cau mày, nhăn nhó, cáu gắt lo lắng nên sẽ mau già đi và nhan sắc sẽ xuống cấp như mụn nổi nhiều hơn người trở nên khô khan do môi trường bức xạ nhiều theo thâm niên nếu không biết cách chăm sóc.
12) Bạn phải chấp nhận những cách quản lý theo phong cách Á đông ở cấp trên như dựa vào cảm tính, hay đánh giá dựa vào thái độ nhân viên hơn là chỉ dựa vào công việc và kết quả công việc hoàn thành. Quản lý theo tin đồn, nghe người này người kia, tám hỏi thăm dò chuyện, vô facebook nhân viên ... dựa trên quan hệ dễ thành lập những nhóm thân thiết làm việc ai không hợp thì khó mà làm việc chung khi ở những vị trí cấp cao.
13)Tiếng việt của bạn bị tiếng Anh hòa trộn: Do sử dụng tiếng Anh và từ chuyên môn nhiều trong công việc thường ngày nên nói chuyện bằng tiếng Việt với nhau trong một câu 10 từ thì có xen tiếng Anh hết 3-4 từ rồi ví dụ thường nghe: "Hi các bạn buổi training hôm nay mình sẽ present về một topic rất là interesting ... nếu có questions gì cứ stop mình hay contact qua email ..."
14) Bạn có nguy cơ chết sớm hay mắc bệnh về thần kinh:
Do phải suy nghĩ quá nhiều và làm việc trong tình trạnh áp lực căng thẳng sức khỏe không có đã có xảy ra trường hợp tử vong hi sinh vì nền CNTT nước nhà. Có trường hợp bị bệnh về thần kinh như những câu chuyện "tôi là thiên hạ đệ nhất nhân" chiều chiều đi lòng vòng ở ETown khóc một mình ...
15) Bạn sẽ bị tự kỉ và trở nên nhỏ nhen, dễ cáu gắt, cãi nhau và hay ghen tỵ và trở nên bon chen, tham lam:
Sống trong thế giới ảo thường xuyên với các trang mạng thông tin online, mạng xã hội là một trong những nguyên nhân gây ra những điều đó. Ngoài ra những khi làm performance review tự đánh giá bản thân, ngồi kể công, liệt kê show bằng chứng trong quá trình làm việc rất dễ trở nên nhỏ nhen, bệnh thành tích làm việc thủ đoạn ... có người thì sẽ trở nên tự ty khi đánh giá thấp bản thân mình, có người sẽ trở nên tự cao hay còn gọi là mắc bệnh ngôi sao khi tự đánh giá quá cao bản thân mình. Những lần performace review thường bị line manager hay team leader tìm những lỗi hay thiếu xót trong quá trình làm việc để "dìm hàng" hạ điểm rating rồi cộng với cuối năm tăng lương không nhiều có bạn thì phải ấm ức chịu đựng có bạn thì cải nhau thường xuyên có bạn thì âm thầm ra đi tìm công ty khác.

formica  4

mình không phải IT nhưng cũng thuộc dạng sửa phần mềm máy tính tương đối tốt, và mình phải công nhận điều 4 rất chuẩn xác, mình rất hay giúp bạn bè và người quen những vấn đề về máy tính, hay cầm máy về cài lại. mình lấy niềm vui vì mình giúp đỡ bạn bè nhưng nhiều khi mình cảm giác mình càng giúp họ thì họ càng ỷ lại mình nên đâm ra nhiều khi bị stress, nóng giận khi có ai đó hỏi mình những thứ liên quan đến những lỗi lặt vặt của máy tính quá thường xuyên, nhưng lại không được tôn trọng, xem mình như phải có trách nhiệm giúp đỡ họ. trong khi mình đang là sinh viên phải bỏ việc học thức đến 2-3h sáng chỉ để cài cho xong hôm sau trả cho bạn bè để rồi vài bữa sau lại hỏi những thứ linh tinh mà không có chút tôn trọng gì. có người thì đãi mình 1 bữa ăn, có người thì tính trả tiền nhưng mình không nhận. nhưng có người khen mình giỏi, có khả năng làm hacker, nói mình đi nhầm nghề, nói mình cài phần mềm này nọ nhưng đến bản thân lại không biết đấy là phần mềm gì? có dùng được hay không mà vẫn nói mình cài vào để rồi trách mình sao ko cài như họ muốn, mà không làm thì bị làm phiền v.v... Vâng và mình không bao giờ muốn bạn bè xem mình như thế. và mình là bạn bè của họ hay là tên sửa máy tính vặt miên phí?

nguyen duc son  41

chính xác quá

- ngồi nhiều thì thiếu kinh nghiệm giao tiếp nữa.
- điều 4 thì đặc thù của VN chúng ta rồi phải chấp nhận thui, giống như IT chúng ta xài free sotfware + crack đấy thôi
- IT bị coi thường đến nỗi 1 số công ty vừa vừa ko thèm tuyển dụng IT của riêng công ty, mỗi khi có sự cố thì gọi 1 công ty IT khác đến để sửa máy, làm vậy thì mỗi tháng ko tốn tiền trả lương, mà máy tính thì lâu lâu mới có sự cố => lợi 1 khoản không nhỏ.
- Dân IT bị kinh doanh quá mức tưởng tượng, vậy mà ở VN cứ nói thiếu IT hixhix có ai thuê đâu mà thiếu.

Phạm Hoài Thương  124

lo lo quá đi

em đang cố gắng theo học nghành này, lo quá ta ơi Sad có điều khả năng giao tiếp em tốt nên chuyện ế thì không sợ Big Grin