Tác phẩm 'Mảnh đất lắm người nhiều ma' của Nguyễn Khắc Trường đã được Google số hóa. Ảnh chụp màn hình kết quả tìm kiếm trên Google.

TTBQTGVHVN đã đứng ra lập danh sách tác phẩm Google số hóa để đàm phán bản quyền nhưng một số nhà văn không tin tưởng vào khả năng của trung tâm.

Thời gian vừa qua, thư viện khổng lồ Google đã tự ý quét các tác phẩm của nhiều nhà văn Việt Nam, theo con số thống kê từ Trung tâm bản quyền tác giả văn học Việt Nam, đến thời  điểm này đã có khoảng hơn 4.000 tác phẩm của Việt Nam được Google số hoá.

Khoản lợi không hề nhỏ!

Theo bà Đoàn Thị Lam Luyến - Giám đốc Trung tâm Quyền tác giả Văn học Việt Nam (TTQTGVHVN), khi biết thông tin Google quét rất nhiều tác phẩm của các tác giả Việt Nam mà chưa hỏi ý kiến, TTBQTGVHVN đã hỏi ý kiến của rất nhiều chuyên gia quốc tế cũng như Liên đoàn quốc tế các tổ chức quản lý tập thể quyền sao chép về phương pháp xử lý vấn đề này.

Hiện đã có hơn 100 nước thuộc Liên đoàn quốc tế các tổ chức quản lý tập thể quyền sao chép khiếu nại Google vi phạm bản quyền của các tác giả, các NXB và những người nắm giữ bản quyền khi quét những cuốn sách, các phụ trang đã có bản quyền và hiển thị đoạn trích mà không được phép.

Việc khiếu nại này diễn ra cách đây vài tháng nhưng toà án của miền Nam NewYork đã bác đơn. Song đơn vị sử dụng là thư viện khổng lồ Google lại đưa ra một thoả thuận là bồi thường tiền số hoá cho chủ sở hữu (gồm các tác giả và NXB) là 60 USD cho mỗi tác phẩm.

Nhờ có sự lên tiếng của Liên đoàn quốc tế các tổ  chức quản lý tập thể quyền sao chép mà các chủ sở hữu tác phẩm của Việt Nam đã được bộ phận phụ trách những vấn đề liên quan đến sách của Google gửi thư đến mong muốn được dàn xếp. Tuy nhiên, công cuộc đi đòi tác quyền vẫn đang là nỗi băn khoăn lớn đối với các chủ sở hữu tác phẩm của Việt Nam.

TTQTGVHVN đã đứng ra tìm kiếm và tập hợp một danh sách gồm hơn 4.000 tác phẩm  trên tổng số 6.000 tác phẩm đã được Google số hóa. Từ danh sách này, TTQTGVHVN đã tìm đến các NXB, các tác giả để xin được ủy quyền. Bởi hiện nay, muốn biết được tác phẩm của mình được số hóa trên Google hay chưa là một việc làm rất khó. Phải là những chuyên gia giỏi về công nghệ thông tin mới có thể “nhận dạng” được.

Ngoài ra, theo bà Luyến, nếu các chủ sở hữu muốn tự mình đi đòi tác quyền phải thuê luật sư, chuyên gia vi tính… sẽ rất tốn kém. Còn nếu ủy quyền cho Trung tâm, các chủ sở hữu chỉ mất 20%.

Bà Luyến còn cho biết: “Chúng tôi tìm hiểu và được biết, thông qua các cơ quan đăng ký bản quyền sách trên thế giới mà cuộc thu xếp đã thiết lập, Google sẽ thanh toán 63% doanh thu từ những lần sử dụng cho người nắm giữ bản quyền và 60 USD cho việc số hóa mỗi tác phẩm”.

Đây là số tiền không nhỏ với người Việt Nam. Trong tháng 7 này, Trung tâm sẽ đưa danh sách và tên các tác giả đã được Google số hóa tác phẩm lên trang web của trung tâm (http://vlcc.org.vn). Nếu tất cả chủ sở hữu tác phẩm đồng ý thì cuộc đàm phán sẽ có kết quả vào giữa năm 2010.

Tại sao thờ ơ?

Thế nhưng, khi được hỏi về vấn đề này rất nhiều tác giả có tác phẩm bị Google sử dụng vẫn rất thờ ơ, mặc dù họ đã nhận được thư thông báo từ Google cũng như thư xin ủy quyền của TTQTGVHVN từ cách đây hơn 1 tháng.

Hầu hết chủ sở hữu đều có ý kiến cho rằng, nếu có tổ chức nào đứng ra đòi được quyền lợi cho các tác giả thì rất tốt và nếu tổ chức đó chứng minh được khả năng của mình thì họ sẽ… nhờ cậy. Tuy nhiên, theo các tác giả thì ở Việt Nam hiện nay chưa có một Trung tâm hay tổ chức nào hoạt động trên lĩnh vực bản quyền tạo được niềm tin từ phía cộng đồng.

Nhà văn Nguyễn Khắc Trường có tác phẩm Mảnh đất lắm người nhiều ma đã được Google số hoá khẳng định: “Tôi không tin vào bất kỳ tổ chức nào và tôi cũng không tin TTQTGVHVN có thể đòi được quyền lợi cho các chủ thể”.

Đồng tình với ý kiến này, nhà văn Tạ Duy Anh cho rằng: “Tôi phải hiểu TTQTGVHVN có làm được hay không và có rắc rối gì cho chúng tôi không. Bởi ngay thực tế tại Việt Nam, nạn ăn cắp bản quyền rất nhiều nhưng có giải quyết được đâu?”.

Còn nhà văn Trần Thị Trường, người cũng nhận được thư từ Google book gửi đến, chia sẻ: “Bất kỳ tác giả nào khi viết ra một tác phẩm cũng rất mong muốn được phổ biến rộng rãi dưới bất kỳ hình thức nào: in, phát hành trên mạng…Trong khi đó, Google là một trang mạng đáng tin cậy, vì thế không trước thì sau họ sẽ trả tiền tác quyền cho chủ thể sáng tạo. Trước mắt, Google đã thỏa mãn nhu cầu của người sáng tạo là đưa tác phẩm đến công chúng”.

Trên thực tế, vấn đề bản quyền ở VN đem lại lợi ích cho tác giả không đáng là bao. Nhà văn Tạ Duy Anh đưa ra ví dụ, nhiều lần Đài Tiếng nói Việt Nam sử dụng tác phẩm của ông, ông cũng chẳng hay biết. “Có lần họ gọi điện và nói tôi đến Đài lấy nhận bút nhưng thực sự tôi cũng không muốn đến. Bởi muốn lấy được tiền nhận bút phải trình đủ thứ giấy tờ, rất phiền phức. Tại sao họ không gửi nhuận bút đến địa chỉ của tôi?”.

Hơn nữa, các tác giả còn băn khăn và không hiểu, nếu như ủy quyền cho TTQTGVHVN thì họ phải chịu những ràng buộc gì. Nhiều người lo ngại, khi ủy quyền rồi muốn sử dụng tác phẩm lại phải hỏi ý kiến Trung tâm. Nhà văn Tạ Duy Anh tâm sự: “Tôi chưa quan tâm đến vấn đề bản quyền nhất lại là công cuộc đòi bản quyền của nước ngoài. Khó khăn đến đâu, phức tạp thế nào khó có thể lường trước được.

Trong khi đó, hiện nay tại Việt Nam có những năm tôi thu được hơn 100 triệu đồng tiền tái bản sách”.Về vấn đề này, nhà văn Nguyễn Khắc Trường cũng thừa nhận rằng đã có NXB của Pháp ăn quỵt tiền tác quyền của ông, dù ông cũng đã vất vả nhờ người viết thư bằng tiếng Pháp để gửi cho họ mà vẫn không có hồi âm. Ngược lại, năm 2008, ông thu được hơn 200 triệu đồng tiền bản quyền từ việc tái bản các tác phẩm của mình ở trong nước.

Từ những lý do trên mà các chủ sở hữu tác phẩm của Việt Nam sẽ nghiên cứu và nhiều khả năng họ tự dàn xếp với Google.

Theo ICTnews



Bình luận

  • TTCN (0)