Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: “Doanh nghiệp nên sát cánh cùng với chính phủ để đào tạo nhân lực CNTT”. Ảnh: VH.

Trước những kêu ca phàn nàn của doanh nghiệp CNTT về sự thiếu chính sách hỗ trợ của nhà nước, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng những phản ánh đó vẫn chưa thực sự chính đáng. Các doanh nghiệp hiện nay có xu hướng hay kêu ca trong khi vẫn chưa thực sự cố gắng hết mình, vẫn thiếu thiện chí tham gia giải quyết các công việc chung cùng với chính phủ.

Nhân lực CNTT:  “Biết rồi, khổ lắm, nói mãi”

Một trong những vấn đề mà doanh nghiệp kêu nhiều nhất là trình độ nhân lực CNTT còn thấp, mà nguyên nhân chủ yếu là do khâu đào tạo còn yếu kém. Doanh nghiệp thì đổ lỗi cho nhà trường, còn nhà trường thì đổ lỗi cho doanh nghiệp. Vòng vo qua lại rốt cuộc vấn đề vẫn nằm ở đó bao năm mà chưa giải quyết được.

Thêm vào đó, suy thoái kinh tế cũng ảnh hưởng nhiều tới nguồn lực CNTT. Trong cơn “bĩ cực”, các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm chi phí và sa thải bớt nhân công. Thực tế này không chỉ xảy ra tại Việt Nam mà còn trên khắp thế giới, và ngay cả những tên tuổi lớn trong ngành công nghệ cũng phải đối mặt với thực trạng này.

Theo một khảo sát mới đây của IDC, suy thoái kinh tế đã tác động xấu tới chiến lược đầu tư và ưu tiên cho công nghệ của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMB). Theo đó, 38% các doanh nghiệp quy mô nhỏ sẽ ngừng đầu tư vào CNTT; và 42% các doanh nghiệp cỡ vừa có xu hướng giảm chi phí cho lĩnh vực này.

Cụ thể, IDC cho rằng các ngành kiến trúc, luật pháp, bán lẻ, sản xuất... sẽ tạm thời ngừng chi tiêu thêm cho CNTT; trong khi đó các doanh nghiệp bán buôn, bảo hiểm ... có xu hướng giảm chi tiêu đầu tư cho lĩnh vực này. Thay vào đó, các doanh nghiệp sẽ chỉ tập trung nguồn vốn đầu tư cho các dự án CNTT ngắn hạn, mang lại giá trị tức thì thay vì các dự án dài hơi.

Trong khi đó tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có thống kê chính thức và đẩy đủ nào về số nhân công trong lĩnh vực CNTT bị sa thải nhưng theo những báo cáo không chính thức, nhóm doanh nghiệp sa thải lao động nhiều nhất là những liên doanh, sau đó là nhóm gia công phần mềm, tiếp theo là nhóm phân phối và bán lẻ…

Do thiếu đơn hàng nên các doanh nghiệp buộc phải cắt giảm nhân viên và tất nhiên không tuyển thêm người mới. Hiện tượng dư thừa này sẽ tác động ngay lập tức tới việc đào tạo nhân lực. Năm nay dự kiến có 15.000 sinh viên đại học và 10.000 sinh viên từ các trường cao đẳng CNTT tốt nghiệp. Nếu tình trạng sa thải nhân công vẫn tiếp diễn thì số người đăng ký học CNTT thời gian tới sẽ giảm đi do cảm thấy thiếu động lực, và hiện tượng này sẽ dẫn đến việc kham hiếm lao động trong tương lai.

Doanh nghiệp ỷ lại

Về vấn đề nhân lực CNTT không đáp ứng được nhu cầu đặt ra, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cho rằng doanh nghiệp kêu nhiều nhưng thực chất lại không tham gia hoặc không sẵn sàng chung sức cùng chính phủ trong việc đào tạo nhân lực. Về vấn đề này, Phó Thủ tướng cho rằng các doanh nghiệp cần phải chủ động hơn nữa và cần chung vai sát cánh cùng với chính phủ.

Hiện tại, cũng theo Phó Thủ tướng, một số địa phương đã thành lập các trung tâm cung ứng nhân lực theo yêu cầu. Bản thân Bộ GDĐT cũng thành lập một trung tâm tương tự nhằm hỗ trợ doanh nghiệp trong vấn đề tuyển dụng. Phó Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh hiện nay cần tìm kiếm một phương thức đào tạo đột biến mới có thể giải quyết đươc vấn đề nhân lực. Vấn đề là các doanh nghiệp phải cùng chung sức; còn về phía nhà nước thì luôn có đủ kinh phí hỗ trợ.

Về việc doanh nghiệp kêu ca chính phủ thiếu chính sách hỗ trợ, Phó Thủ tướng cho rằng chưa bao giờ môi trường chính sách hỗ trợ phát triển CNTT lại tốt như hiện nay, vấn đề là các doanh nghiệp có chịu tìm hiểu và biết đến hay không mà thôi.

Hiện nay, chính phủ và các bộ ngành đã có nhiều văn bản và chính sách hỗ trợ CNTT, trong đó phải kể đến: Chính sách tăng cường bảo hộ quyền tác giả đối với chương trình máy tính; Luật Công nghệ thông tin; Luật giao dịch điện tử; Chính sách đẩy mạnh sử dụng phần mềm mã nguồn mở trong hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước; Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin Việt Nam đến năm 2020; Chương trình phát triển công nghiệp phần mềm Việt Nam đến năm 2010; Chương trình phát triển công nghiệp nội dung số Việt Nam đến năm 2010; và Gói hỗ trợ 980 tỉ đồng của chính phủ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cũng cho rằng cần phải nhân rộng các mô hình doanh nghiệp CNTT thành công; đồng thời khuyến khích việc cổ phần hóa doanh nghiệp. Nhà nước sẵn sàng bỏ tiền ra mua cổ phần ở các doanh nghiệp này. Còn đối với các công ty có quy nhỏ hơn và phát triển kém hơn thì có thể tìm kiếm sự trợ giúp từ chính sách vay ưu đãi của chính phủ.

Theo VnMedia



Bình luận

  • TTCN (0)