“Cần bán 1 quả thận ngon (hàng thật 100%) gấp để lấy tiền trang trải nợ nần. Ai có nhu cầu xin liên hệ 0987xxxxxx gặp anh Duy, giá thoả thuận”. Đó là nội dung “bài” rao khá kinh dị trên mạng của một người chuyên dẫn mối bán thận trái phép ở TP.HCM. Phía sau lời rao bi hài ấy là nỗi đau của chính những con người phải cắt đi một phần máu thịt đem bán khi kế sinh nhai đến hồi cùng quẫn.

 

Những lời rao nổi da gà  

Một thị trường buôn bán thận phi pháp đang tồn tại trên không gian web tại VN. Ngoài lời rao theo trường phái bi, hài đã kể trên, hiện một số website chuyên rao vặt cũng không ngừng rao những thông tin mua bán thận không khác gì đi chợ mua rau. Điều khá ngạc nhiên là, dù dư luận cả nước vào năm 2008 đã dấy lên nhiều ý kiến phẫn nộ với tình trạng mua bán thận trái phép, nhưng các website này vẫn cho đăng tin bán thận từ đầu năm 2009 đến tận thời điểm hiện tại.  

Trên trang muabanxxx.com, một người để tên Doan Van D., ngụ Đà Lạt, Lâm Đồng rao bán quả thận của mình như sau: “Tôi rao bán thận, không nhờ trung gian. Thận khỏe, nhóm máu B+, giá cả thương lượng, giao dịch nhanh chóng”. Tin rao này cập nhật lúc 13g44 ngày 19/5/2009. Ngoài ra người này đã rao thêm bốn tin tương tự vào thời điểm cùng ngày. Gần 500 người đã truy cập năm tin rao bán thận kể trên.    Lướt một vòng các website khác, chúng tôi nhận được nhiều lời rao bán thận tương tự nhưng mức độ bi hài cao hơn. Trang web muarxxx.com đăng tin rao: “Em là sinh viên, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cần bán thận cho người có nhu cầu”. Cuối cùng, lời rao này không quên “thòng” thêm một câu như để khẳng định đẳng cấp bán thận chuyên nghiệp: “miễn phí vận chuyển trên toàn quốc”.  

Thận người nghèo… xuất ngoại!  

Nắm trong tay danh sách số điện thoại của một số tin rao bán thận trên mạng, chúng tôi chuẩn bị những cuộc gặp gỡ trong vai trò người cần mua thận. Tuy nhiên, những số điện thoại trên chủ yếu là của các “cò”.   

Sau khi gọi cho người thanh niên tên T., chúng tôi có cuộc hẹn tại quán cà phê H.N khu cư xá Bắc Hải (quận 10). “Cò” T. nói: “Tôi có thằng em là sinh viên đại học năm cuối, quê ở Thanh Hóa, do hoàn cảnh quá khó khăn, mẹ lại đau yếu nên nó quyết định bán thận để trang trải viện phí cho mẹ và có cơ hội tiếp tục đi học”. “Anh định mua giá bao nhiêu”, Tuấn hỏi. “Người ta mua bao nhiêu tôi mua bấy nhiêu”, tôi vừa đáp lại. Một bộ hồ sơ chứng nhận sức khỏe loại tốt đã được Tuấn rút ra để trên bàn. “50 triệu đồng”, Tuấn trả lời, khuôn mặt tỏ vẻ đợi chờ quyết định từ phía chúng tôi.   

“Nếu anh đồng ý, 15 ngày sau có thể ghép, chỉ cần đưa trước cho tôi 20 triệu đồng, số còn lại sau khi ghép xong có thể thanh toán. Ghép ở đây (Việt Nam - PV) hay Trung Quốc là tùy anh, nhưng nếu ghép tại Trung Quốc, anh sẽ phải lo tất cả chi phí chuyến đi”, “cò” T. nói.   

Lấy lý do người bán thận không cùng nhóm máu, chúng tôi từ chối mua quả thận mà cò T. giới thiệu, hẹn khi nào có quả thận nào tốt, cùng nhóm máu sẽ liên lạc lại.   

Hai ngày sau, một cò khác xưng tên B., bạn của “cò” T. gọi điện cho biết có một người muốn bán quả thận và nhóm máu mà chúng tôi cần tìm. B. khoe: “Tưởng gì chứ tôi alô vài phút là sẽ có thận theo ý mấy ông thôi, tại thằng T. giữ mối khư khư, không nói sớm”. Không kịp cười vì level quảng cáo của “cò” này khá cao, chúng tôi quyết định gặp B. tại cà phê X. trên đường Hồ Xuân Hương, quận 3. Yêu cầu dẫn theo người cần bán thận cho chúng tôi xem mặt cũng được B. chấp thuận.   

B. cho biết, nếu ghép ở TP.HCM, thủ tục ghép thận B. sẽ lo từ A đến Z. Chỉ cần hai bên đều xác nhận là thân nhân thì vô tư ghép. Trước khi ghép đặt cọc 4.000USD, sau khi ghép xong thanh toán nốt 2.000USD còn lại. Có lẽ đã lâu năm trong nghề, B. nói chuyện khá tự tin và trôi chảy pha chút hóm hỉnh “chỉ sợ anh cần ghép một quả thôi chứ vài quả tôi cũng lo được”.   

Người phụ nữ đi cùng B. mặc một bộ quần áo vải hoa màu xanh nhạt, may theo kiểu áo bà ba và trông có vẻ nghèo khổ. Chị cho biết quê ở Sóc Trăng, vì con trai đang nằm chữa bệnh ung thư ở BV Ung bướu mà gia đình lại cùng quẫn không có khả năng trang trải nên chị đi bán thận.   

“Lỡ chị bán thận rồi, cả hai mẹ con cùng nằm viện thì ai chăm sóc”, tôi hỏi. Người phụ nữ 38 tuổi mắt đỏ hoe nghẹn ngào: “Biết sao giờ chú ơi, nó (con trai chị - PV) sống thêm ngày nào tôi mừng ngày đó, ông chồng tôi suốt ngày nhậu nhẹt rồi bỏ hai mẹ con từ mấy năm nay rồi”. Nhìn vẻ đau đớn trên gương mặt chị, tôi chỉ kịp bặm môi lại ngăn những câu hỏi đã vạch sẵn trong đầu nhằm khai thác thêm thông tin về tình trạng mua bán thận.   

Sau những lời từ chối khéo của tôi, “cò” B. và người phụ nữ nọ bước ra khỏi quán. Một người nét bực bội hiện lên rõ rệt vì giao dịch không thành, tiền cò thu được sẽ ít ỏi, người còn lại bước theo sau trong ánh mắt như đờ đẫn. Tôi nghĩ chắc trong đầu chị chỉ có một điều rằng phải làm sao bán được quả thận để lo cho đứa con đang ngày ngày chống chọi với cơn bạo bệnh.   

Qua tìm hiểu của chúng tôi, quanh các bệnh viện như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bình Dân, 115..., một số “cò” thường lân la trong khu vực chạy thận nhân tạo để bắt mối tìm những người có nhu cầu mua thận.   

Con dao hai lưỡi!  

Một nghiên cứu đa trung tâm cho thấy, đối với người bán thận, tỉ lệ tử vong sau phẫu thuật vào khoảng 0,03%-0,06% nhưng người cho thận có nguy cơ mắc các bệnh như cao huyết áp, tiểu đạm niệu, suy giảm chức năng thận, độ thanh thải giảm, đó là chưa kể đến khả năng những bệnh mà người bán tạng đã bị mắc trước ca phẫu thuật có thể trở nên trầm trọng hơn.   

TS-BS Trần Ngọc Sinh là một trong những bác sĩ Việt Nam tham gia hội thảo về buôn bán nội tạng và ghép tạng tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) kể rằng, trong khi tham dự tại một hội thảo được tổ chức tại nước ngoài, ông đã chứng kiến những cuộc biểu tình chống lại việc mua bán nội tạng người. Do nguồn cầu cao, lợi nhuận khổng lồ của ngành “du lịch ghép tạng”, tại một số nước trên thế giới đã có những mạng lưới mafia buôn bán nội tạng, gây bất ổn cho xã hội.   

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), 10% các ca ghép nội tạng trên thế giới bắt nguồn từ các hoạt động thương mại hóa hoặc phi đạo đức. Nạn nhân của nạn buôn bán nội tạng thường là những người dân nghèo tại một số quốc gia. Như tại Pakistan, 2/3 trong tổng số 2.000 quả thận được ghép năm 2006 đều có khách hàng đón nhận là người nước ngoài. Ở một số quốc gia khác nạn buôn bán nội tạng vẫn tiếp tục diễn ra.   

Hiện nay, một số nước châu Á như Trung Quốc, Singapore, Ấn Độ đã thắt chặt và tổ chức kiểm soát việc mua bán nội tạng rất gắt gao... Còn tại Việt Nam, nhận thấy vấn đề mua bán nội tạng con người là vô cùng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe con người và ảnh hưởng nghiêm trọng đến đạo đức xã hội, Quốc hội nước ta đã thông qua Luật Hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác nhằm tạo hành lang pháp lý để các cơ sở y tế trong cả nước có điều kiện phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân.   

Ghép thận để chữa bệnh ở người là một trong những thành tựu y học vĩ đại của thế kỷ XX. Nhưng mặt trái của ghép thận - mua bán thận người - đã biến thành tựu đó trở thành con dao hai lưỡi nếu các ngành chức năng thiếu sự quản lý đối với một thị trường ngầm mua bán thận người.  

(Theo QUỐC QUANG - e-CHÍP)



Bình luận

  • TTCN (0)