Việt Nam bị báo động về tỉ lệ "click giả" trong quảng cáo

Hãng phân tích quảng cáo mạng Anchor Intelligence (Mỹ) cho biết Việt Nam hiện dẫn đầu thế giới về tỉ lệ “click giả” (click fraud).

Thống kê này cho thấy, Việt Nam là một thị trường quảng cáo trực tuyến béo bở nhưng lợi nhuận và mức độ thành công của thông tin quảng cáo không hẳn đã đồng hành với nhau. Dựa vào số liệu thống kê số click vào mạng Internet toàn cầu 6 tháng đầu năm 2009, Anchor Intelligence, cho rằng gần một nửa số click quảng cáo đến từ Việt Nam là gian lận nhằm tăng doanh thu quảng cáo. Đây cũng là một vấn nạn khiến các công ty quảng cáo hàng đầu như Google vẫn e dè thị trường trong nước.

Richard Sims, Phó chủ tịch Anchor Intelligence, cho biết tỷ lệ gian lận quảng mạng của Việt Nam cao do môi trường bảo mật lỏng lẻo, máy tính dễ bị nhiễm phần mềm mã độc và biến  thành các “cỗ máy” gian lận quảng cáo. Báo cáo cũng cho rằng Việt Nam là thị trường Internet đang phát triển rất nhanh.

Ảnh
Việt Nam đứng đầu thế giới về tỉ lệ “click giả”

Khi xét dữ liệu tính theo nước, tỉ lệ “cố tình click” ở Mĩ vượt 25% nhưng vẫn kém xa Việt Nam khi tỉ lệ này lên tới gần 50%, đứng đầu thế giới. Nước thứ 2 là Canada chỉ có 27,7%.

Xét về tổng thể, Việt Nam hiện đứng thứ 6 trong số 30 nước được thống kê có tổng lượng click cao nhất. Mĩ hiện vẫn đứng đầu thế giới.

Ảnh
Top 10 nước có tổng số click cao nhất

Nghiên cứu của Anchor Intelligence cho thấy mức độ gian lận quảng cáo đang tăng lên. Trong quý II-2009, tỉ lệ “click giả” tiếp tục tăng từ 21,7% quý trước lên 22,9%. Đây vẫn thực sự là vấn đề đau đầu với giới quảng cáo trực tuyến.

Nghiên cứu chưa nói rõ mức độ thiệt hại từ các cú click gian lận này vì các nhà cung cấp dịch vụ tìm kiếm không tiết lộ. Tuy nhiên, ước tính số thiệt hại này có thể lên tới 4,35 tỷ USD.

Click quảng cáo được chia làm một số loại như “valid” (click hợp lệ), “invalid” (click không hợp lệ), “innocuous invalid” (click hợp lệ nhưng vô hại- click nhầm) và “attempted click fraud” (cố tình click).

Thuật ngữ Click Fraud để chỉ hành động dùng các phần mềm chuyên dụng hay nhân công giá rẻ nhấn liên tục vào một hay các thanh quảng cáo (banner, logo, link...) trên mạng nhằm tạo ra thành công giả tạo của chiến dịch quảng cáo. Nói cách khác, các cú click chuột đó không tạo giá trị về kinh tế cho nhà quảng cáo mà chỉ phục vụ cho mục đích xấu của người nhấp chuột.

(Theo Tuổi trẻ online/Techcruch, Forbes, BBC, MediaPost)



Bình luận

  • TTCN (0)