Giao diện Wikipedia ngày 14-8-2009

Từ điển bách khoa toàn thư trực tuyến hiện có gần 3 triệu bài viết bằng tiếng Anh. Nhưng mức tăng trưởng đang chựng lại do sự tranh chấp quyền kiểm soát giữa phe “thêm bài” (inclusionists) và phe “xóa bài” (deletionists).

Wikipedia là từ điển mà ai cũng có thể biên tập, chỉnh sửa. Tính đến ngày 14-8-2009, nó đã có 2.993.694 bài viết tiếng Anh. Với thông tin của gần 300 ngôn ngữ, trang web này trở thành một trong những nguồn kiến thức mở lớn nhất thế giới. Nhưng đang có những thay đổi để Wikipedia trở thành một từ điển bách khoa đáng tin cậy hơn.

Mổ xẻ Wiki

Sau ngày ra mắt vào tháng 1-2001, phải mất năm năm Wiki mới có 1 triệu bài viết. Nhưng chỉ 12 tháng sau, trang web này đã có thêm 1 triệu bài nữa. Số người tham gia đóng góp nội dung tăng vọt trong thời kỳ phát triển đầu tiên của Wikipedia (2004-2007), từ vài ngàn lên hơn 300.000 người.

Tuy vậy, báo Independent trích các số liệu của nhóm phân tích website cho thấy sự phát triển bùng nổ của Wiki có vẻ như đang tới kịch trần. Phải mất gần hai năm Wikipedia mới tăng được từ 2 triệu lên gần 3 triệu bài viết. Số lượng bài viết thêm đã giảm trung bình 2.200 bài/ngày vào tháng 7-2007 còn khoảng 1.300 bài vào ngày 13-8-2009. Số lượng người tham gia soạn thảo và biên tập nội dung trên Wiki hiện là 500.000 người, chỉ tăng 61% trong hai năm qua. 

Một trong những người dành thời gian nghiên cứu Wikipedia là Ed H Chi, nhà khoa học tại Trung tâm nghiên cứu Palo Alto ở California (Mỹ), đang cùng các cộng sự giải mã chuyện gì khiến Wiki giảm tốc độ tăng trưởng.

Thoạt tiên, họ dành rất nhiều thời gian để tải xuống mọi tài liệu, bài viết, phần biên tập trên các máy chủ của website. Ngay cả khi các tài liệu này được nén, chúng đã ngốn hết dung lượng khổng lồ là 8 terabyte - tương đương 1.200 DVD. Sau khi phân tích, họ đưa ra một số kết quả đáng ngạc nhiên như sau:

Đầu tiên là cách hoạt động của Wiki đã thay đổi nhiều so với thời điểm khi ra mắt. Khi ấy website thực hiện chính sách mở cửa với bất kỳ ai, bất kỳ thời điểm nào. Nhưng ngày nay một nhóm các biên tập viên cấp cao đang ngày càng có trách nhiệm hơn trong việc đưa các nội dung của Wikipedia tới người sử dụng, còn những người tham gia “thi thoảng mới ghé vào cho vui” thì không còn nhiệt tình như xưa. Ed H Chi nhận thấy Wikipedia, từ khái niệm kiến thức mở trên mạng, đã trở thành “nơi độc quyền hơn” và dành cho một số đối tượng nhất định.

“Bất đồng ngôn ngữ”

Nhà lập trình 22 tuổi Aaron Swartz ở Cambridge, Massachusetts là một ví dụ. Anh từng dành rất nhiều thời gian để tham gia vào nội dung trên Wikipedia, thậm chí đã tham gia tranh cử vào Wikimedia Foundation, tổ chức phi lợi nhuận đứng sau hoạt động của website này. Nhưng hiện nay anh ít khi vào vì quan điểm của anh không đồng nhất với một số biên tập khác trên website khi họ thay đổi những gì anh viết, họ không giải thích vì sao mà tự quyết định.

Trong khi đó, một phe khác trên Wikipedia là phe “xóa bài”. Phe này có quan điểm: Wikipedia không phải là bãi đổ rác, không phải cái gì cũng đưa lên được. Vì vậy họ chăm chăm chỉnh sửa, xóa bỏ những thứ họ cho là không đạt chất lượng hay “vớ vẩn”. Họ kêu gọi phải quản lý tốt hơn, trình bày nội dung hay hơn để cung cấp thông tin tốt hơn cho người sử dụng.

Hai phe tranh cãi ngay từ thời kỳ đầu tiên, nhưng số liệu phân tích hiện nay cho thấy phe chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn đang thắng thế. Ngày càng khó biên tập, người tham gia nội dung không chuyên nghiệp cũng ít đi, tăng trưởng chậm hơn... là những gì phe “xóa bài” mong muốn.

Vậy Wikipedia sẽ còn phát triển được đến mức nào? Liệu có một website mới ra đời với chính sách rộng mở hơn Wikipedia và thay thế nó hay không? Các nhóm nghiên cứu chưa đưa ra câu trả lời. Nhưng nhà nghiên cứu Ed HChi cho rằng website sắp đạt tới thời điểm hết thứ để đưa lên, vì vậy chậm phát triển hơn. Như vậy website nào cải tiến hơn, khác hơn có thể sẽ thay thế trang web có biểu tượng quả địa cầu ghép chữ này.

(Theo Tuổi trẻ online)



Bình luận

  • TTCN (0)