Vào ngày 17/8, phiên bản tiếng Anh của cuốn bách khoa toàn thư trực tuyến Wikipedia đã vượt qua cột mốc quan trọng khi chính thức đạt 3 triệu bài viết. Ấn tượng hơn, hơn 10 triệu người sử dụng đã đóng góp nội dung để đạt tới dấu mốc này.

Đây thực sự là một bước tiến không tồi đối với một trang web mà ban đầu chỉ được xây dựng với ý định bổ sung cho “người anh” có tên Nupedia.

Vào năm 2000, doanh nhân Internet Jimmy Wales và triết gia Lawrence Sanger đã bắt tay vào việc tạo ra một cuốn bách khoa toàn thư miễn phí trên mạng. Trang web này được hai người đồng sáng lập đặt tên là Nupedia, với mục tiêu là chỉ đăng tải những nội dung được viết nên bởi các chuyên gia và đã kiểm duyệt kỹ lưỡng. 

Tuy nhiên, Nupedia đã đối mặt với một vấn đề lớn là tốc độ đưa nội dung quá chậm. Trong suốt 6 tháng đầu tiên, chỉ có hai bài viết được đưa lên. Để tăng tốc, Sanger đề xuất ý tưởng tạo ra một trang web mà ai cũng có thể đóng góp nội dung mà không cần biên tập. Wikipedia đã ra đời vào ngày 15/1/2001 từ ý tưởng này và ngay lập tức nhanh chóng “qua mặt” Nupedia.

Ngay trong năm đầu tiên, Wikipedia đã chứa hơn 20.000 bài viết với 18 ngôn ngữ khác nhau. Tới năm 2004, số bài viết trong cuốn bách khoa toàn thư này đã đạt 250.000 bài, và lên tới con số 1 triệu bài vào năm 2006.

Ngay ở những ngày tồn tại đầu tiên, Wikipedia đã phải đối mặt với hàng loạt vấn đề khó xử. Trong số này phải kể tới hoạt động phá hoại của những đối tượng phản đối và sự thiếu vắng của một công thức cố định để quyết định xem nội dụng nào nên và không nên được đưa vào cuốn bách khoa toàn thư này. Tuy nhiên, sau đó đã hình thành một cộng đồng đông đảo những biên tập viên tình nguyện giúp đảm bảo nội dung của Wikipedia tuân thủ theo một bộ nguyên tắc mà Sanger tạo ra vào năm 2002.

Cùng với sự phát triển của Wikipedia, hoạt động phá hoại nhằm vào trang web này và sự pha loãng nội dung cũng trở nên khó giải quyết hơn. Vì thế, phần mềm của Wikipedia có chức năng lưu giữ nhật ký về bất kỳ sự sửa đổi nội dung nào ở bất kỳ bài viết nào nhằm phát hiện những kẻ thường xuyên phá hoại.

Tuy nhiên, từ khi ra đời tới nay, mối lo lớn nhất của Wikipedia là tính chính xác của thông tin được đăng tải. Vào năm 2002, một trong hai người đồng sáng lập trang này, ông Sanger, đã rời Wikipedia vì những vấn đề liên quan tới tính hợp pháp của các bài viết, và sau đó thành lập một cuốn bách khoa toàn thư trực tuyến khác có tên Citizendium với phạm vi cho phép người sử dụng đóng góp nội dung ngặt nghèo hơn.

Vào năm 2005, một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, các bài viết về khoa học trên Wikipedia đạt gần tới mức chính xác như ở bách khoa toàn thư Encyclopaedia Britannica - bộ bách khoa toàn thư tiếng Anh lâu đời nhất và được nhiều người cho là có uy tín nhất. Theo nghiên cứu này, bình quân, mỗi bài viết trên Wikipedia có 3,86 lỗi, so với mức 2,92 lỗi trong mỗi bài viết trên Encyclopaedia Britannica.

Tuy nhiên, không mấy ai cho rằng, nội dung trên Wikipedia đã là chuẩn. Những nhà phê bình cho rằng, cách viết trên Wikipedia còn lủng cùng, và các tác giả đưa bài viết lên cuốn bách khoa toàn thư này có xu hướng thiên vị những gì họ thích. Chẳng hạn, danh sách những loài có trong phim Star Wars trên Wikipedia có tới 15.000 từ, nhưng toàn bộ bài viết về Chiến tranh Thế giới 2 chỉ có 10.000 từ.

Chi phí vận hành một trang web có ảnh hưởng như Wikipedia là không hề nhỏ. Mỗi năm, Wikipedia tiêu tốn gần 6 triệu USD, và mặc dù đạt số lượt xem (pageview) trên 100 triệu vào năm ngoái, trang này không có một quảng cáo nào. Với lượng truy cập như vậy, mỗi quảng cáo dạng text có thể đem về cho Wikipedia hàng triệu USD. Tuy nhiên, ông Wales, người đồng sáng lập Wikipedia khẳng định, với sự ủng hộ tài chính của khu vực tư nhân, cuốn bách khoan toàn thư này sẽ không có quảng cáo.

Với 3 triệu bài viết, phiên bản Wikipedia tiếng Anh hiện là trang con lớn nhất trong Wikipedia. Tính chung, Wikipedia hiện đang chứa hơn 13 triệu bài viết, với 271 ngôn ngữ khác nhau được sử dụng. Trang con lớn thứ hai sau Wikipedia tiếng Anh đang là Wikipedia tiếng Đức với hơn 900.000 bài viết.

Nhìn chung, người sử dụng thuộc bất kỳ ngôn ngữ nào cũng có nội dung để đọc trên Wikipedia. Tiếng Cheyenne, một ngôn ngữ chỉ có 1.700 người Mỹ bản xứ sử dụng, cũng có một phiên bản Wikipedia riêng của mình, mặc dù mới chỉ chứa 62 bài viết.

Tới lúc này, người đồng sáng lập Wales vẫn là “lãnh đạo tinh thần” của Wikipedia. Ông cho biết, ông muốn Wikipedia tới một ngày nào đó sẽ chứa đựng toàn bộ kiến thức của nhân loại. Ngày đó có lẽ còn xa, nhưng mới chỉ ra đời có vài năm mà Wikipedia đã tiến sát tới mục tiêu này hơn bất kỳ một đối thủ nào khác.

Theo VnEconomy (Time)




Bình luận

  • TTCN (0)