Tin tức khuyến mãi từ các mạng di động liên tục được tung ra trong thời gian qua, đặc biệt sau khi thị phần có dấu hiệu sẽ bị giành giật dữ dội với sự xuất hiện của mạng di động Beeline cùng gói cước 0 đồng/phút gọi nội mạng kể từ phút gọi thứ hai.

Thế nên không có gì ngạc nhiên khi hầu hết các nhà mạng đều tung ra những chiêu khuyến mãi hấp dẫn nhằm lôi kéo khách hàng mới, đồng thời giữ chân thuê bao cũ trước sức hút từ các mạng khác.

Có điều phần lớn chương trình khuyến mãi chỉ tập trung vào phát triển mới và giữ chân thuê bao trả trước, còn các “thượng đế” trả sau hằng tháng vẫn âm thầm nộp tiền cước mà chẳng nhận được mấy ưu đãi.

“Thượng đế” đang bị phân biệt đối xử, đó là một thực tế đã và đang diễn ra trên thị trường di động. Trong hàng loạt chương trình khuyến mãi, số chương trình dành cho thuê bao trả sau luôn ít hơn. Thậm chí giá trị khuyến mãi dành cho thuê bao trả sau cũng thấp hơn so với khuyến mãi cho thuê bao trả trước, bởi các nhà mạng quan niệm rằng cước thuê bao trả sau thấp hơn nên giá trị khuyến mãi không thể cao hơn. Quan trọng hơn cả, các mạng đều hiểu rằng thuê bao trả sau là những thuê bao trung thành, ngại sự thay đổi nên không cần tung nhiều ưu đãi giữ chân. Ước tính nếu có mười thuê bao di động dời sang mạng khác thì có tới tám thuê bao thuộc loại hình trả trước.

Sự phân biệt đối xử giữa “thượng đế” trả tiền trước và trả tiền sau có phần từ thực tế 90% thuê bao di động hiện nay là loại hình trả tiền trước. Đây là loại hình thuê bao dễ phát triển nhưng lại ẩn chứa nhiều rủi ro trong chiến lược kinh doanh của các mạng, bởi phần lớn khách hàng đăng ký thuê bao trả trước thường rơi vào tâm lý “đứng núi này trông núi nọ” trước những chiêu khuyến mãi hấp dẫn từ các mạng khác và dễ xiêu lòng chuyển sang mạng mới nên buộc các mạng di động phải quan tâm đặc biệt bằng liên tiếp nhiều chiêu khuyến mãi khác nhau.

Khi một mạng di động tung ra chương trình khuyến mãi “hút” thuê bao trả trước, các mạng khác dù không muốn vẫn phải có những đối sách tương tự nếu không chấp nhận hụt hơi trong cuộc đua giành thị phần, đặc biệt ở thời điểm thị trường đang bước vào ngưỡng bão hòa như hiện nay.

Có thể trong chiến lược kinh doanh của mình, các mạng di động có quyền áp dụng nhiều chiêu khuyến mãi đối với thuê bao trả trước nhưng thực tế cho thấy dù số lượng thuê bao trả sau trên toàn mạng thấp hơn thuê bao trả trước song doanh thu hằng tháng từ một thuê bao trả sau luôn lớn hơn và ổn định hơn so với thuê bao trả trước. Nếu giữ được sự ổn định về doanh thu, các mạng sẽ yên tâm đầu tư tăng cường chất lượng dịch vụ hơn.

Dưới góc độ đảm bảo an ninh, do các thủ tục đăng ký thuê bao trả sau chặt chẽ hơn nên quản lý một thuê bao trả sau “nhàn” hơn so với quản lý một thuê bao trả trước, nhất là khi cơ quan chức năng đang siết chặt các quy định về quản lý thuê bao di động. Vì vậy, sự thiếu quan tâm đối với thuê bao trả sau lâu dài sẽ khiến các mạng di động phải trả giá. Ngạn ngữ có câu “một người bạn cũ tốt hơn hai người bạn mới”.

Sự chạy đua phát triển mới thuê bao trả trước và tìm cách giữ chân những thuê bao này có thể sớm đưa một mạng di động lên hàng “đại gia” với số lượng thuê bao lớn nhất trên thị trường, nhưng nếu không đi kèm sự đầu tư nâng chất dịch vụ tất sẽ dẫn tới hậu quả thuê bao ồ ạt dời mạng. Khi đó, điều cay đắng với nhà mạng sẽ là không chỉ thuê bao trả trước mà ngay cả những “người bạn cũ”, những khách hàng trung thành nhất (thuê bao trả sau) cũng sẽ dứt áo ra đi.

(Theo Tuổi trẻ online)



Bình luận

  • TTCN (0)