Điện thoại hiện đại càng làm tăng tốc độ truyền tải phim ảnh sex trong giới học trò. Ảnh: Hải Đăng.

Trào lưu sử dụng điện thoại trong trường học đang là điều “nhức nhối” đối với giáo viên. Thế nhưng, một số phụ huynh lại cho rằng đó là việc hết sức bình thường. Tại sao tồn tại hai ý kiến trái ngược này?

Trò nói có, thầy bảo không!

Chúng tôi mở đầu bài phóng sự bằng cuộc phỏng vấn với Hồng - một học sinh của Trung tâm Giáo dục Thường xuyên Quận 5 (TP.HCM). Hồng cho biết: “Việc sử dụng điện thoại trong trường thì em thấy cũng bình thường, gần như hầu hết các bạn trong lớp đều có điện thoại, đặc biệt là các loại điện thoại đời mới”.

Theo Hồng, đa số những học sinh trong lớp vẫn chỉ sử dụng điện thoại cho việc nghe nhạc, xem phim, lướt web hoặc liên lạc với bạn bè là chủ yếu, hiếm lắm mới gặp trường hợp học sinh sử dụng để liên lạc với gia đình như mục đích chính ban đầu khi xin bố mẹ.

Do là trung tâm Giáo dục Thường xuyên (GDTX) nên qui định sử dụng điện thoại trong lớp của Hồng khá “thoáng”, Hồng tiết lộ: “Nếu có tin nhắn hay cuộc gọi thì tụi em chui xuống gầm bàn hoặc giấu trong cặp mà sử dụng, còn nếu gặp thầy cô dễ tính thì… nghe luôn trong lớp học. Nói chung bạn bè trong lớp coi đây là chuyện bình thường nên không ai tỏ ra khó chịu”.  

Đề cập đến vấn đề thể hiện “đẳng cấp”, Hồng cho rằng điện thoại là một vật dụng không thể thiếu bên cạnh những món đồ xa xỉ như dép Dr. Martens, quần áo hiệu, xe máy… để học sinh có thể gây được chú ý trong mắt bạn bè trong lớp. 

Bạn Trần Mạnh Luân, học sinh Trường Phổ thông Dân lập Nguyễn Siêu (Hà Nội) thì có ý kiến: “Chiếc điện thoại thực sự rất có ích, giúp mình liên lạc được với bố mẹ trong những trường hợp khẩn cấp, cũng như liên lạc với bạn bè. Điện thoại còn giúp mình giải trí trong thời gian rảnh rỗi sau giờ học, như nghe nhạc hay chơi game, và cũng hỗ trợ mình trong việc học tập”.

Trao đổi với e-CHÍP M!, thầy Hiệp, một giáo viên hiện đang dạy ở một trung tâm GDTX, cho biết: “Thực sự tôi cảm thấy cực kỳ khó chịu nếu học sinh của mình sử dụng điện thoại trong lớp, thế nhưng việc nhắc nhở hay tạm tịch thu máy chỉ là một biện pháp tạm thời, bởi sau khi phụ huynh lên ký nhận và cam kết sẽ nhắc nhở con không tái phạm thì… đâu lại hoàn đó chỉ trong vài ngày”.

Thầy còn cho biết thêm, một số học sinh nữ thường lén nghe nhạc bằng cách sử dụng mái tóc dài để che đi chiếc tai nghe, rồi… giả vờ nghe giảng một cách chăm chú. Có trường hợp còn thản nhiên nghe nhạc, xem phim như không có giáo viên trong lớp.

Cô Phương, một giáo viên dạy ở Q. Tân Bình (TP.HCM) cho biết thêm: “Phụ huynh học sinh thường khá thản nhiên khi đến nhận lại điện thoại cho con, có trường hợp còn tỏ ra khó chịu vì giáo viên… dám tịch thu điện thoại của con họ. Thực tế, nếu Bộ Giáo dục có một quyết định chính thức về việc cấm sử dụng điện thoại trong trường học thì chúng tôi mới dám mạnh tay xử lý ở những trường hợp này”.

Được biết, tại các trường công lập khu vực TP. Hồ Chí Minh, số lượng học sinh sử dụng điện thoại có thể chiếm đến 70% sĩ số của lớp học. Một số ý kiến cho rằng do giá cả điện thoại hiện nay quá rẻ nên học sinh sẽ dễ dàng tiết kiệm để mua được một chiếc để liên lạc.

Thế nhưng theo khảo sát, đa số các loại điện thoại mà học sinh sử dụng đều có mức giá khoảng từ hai triệu đồng trở lên, không hiếm trường hợp học sinh sử dụng điện thoại có giá trị lên đến hàng chục triệu đồng. Điều này thể hiện rõ sự nuông chiều con có phần hơi… thái quá của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, cũng không ít phụ huynh đồng tình việc không cho phép con sử dụng điện thoại vì cho rằng đó là một nhu cầu không cần thiết.

Khi được hỏi về yêu cầu của mình nếu được cha mẹ tặng một chiếc điện thoại, N. (hiện chưa có điện thoại) - học sinh lớp 11 trường THPT Tam Phú, Q.Thủ Đức (TP.HCM) - cho biết: “Em chỉ sử dụng nếu điện thoại đó có chức năng nghe nhạc, xem phim và… bắn Bluetooth. Điện thoại bạn bè trong lớp ai cũng có mấy chức năng đó mà mình không có thì thà không xài cho… đỡ quê”. Cũng theo N., đa số học sinh trong trường sử dụng điện thoại “xịn” chủ yếu để nhắn tin cho bạn bè hoặc chơi game, nghe nhạc, chứ ít khi để liên lạc với gia đình. Tuy vậy, học sinh tại trường của N. có phần nghiêm túc hơn khi sử dụng điện thoại vì quy định cũng khá nghiêm ngặt, các bạn học sinh chủ yếu sử dụng điện thoại ngoài giờ học.

Tình trạng cũng tương tự đối với khối học sinh cấp hai. Thầy Cường, giáo viên Trường THCS Nguyễn Thái Bình, huyện Bình Chánh (TP.HCM) cho biết: “Tình trạng học sinh sử dụng điện thoại trong trường cũng khá phổ biến. Một số học sinh lớp sáu đã bắt đầu sở hữu điện thoại riêng, còn những khối lớp tám và chín thì hầu hết học sinh đều có. Mặc dù trường đã có quy định tuyệt đối cấm học sinh đem điện thoại đến lớp nhưng tình hình cũng chẳng mấy khả quan, tôi nghĩ cần có sự hợp tác từ phía phụ huynh học sinh thì nhà trường mới có thể giải quyết nổi vấn đề này”.

Trao đổi với e-CHÍP M! về việc học sinh sử dụng điện thoại trong thi cử, thầy Cường cho biết thêm: “Rất ít gặp tình trạng học sinh gian lận bằng điện thoại. Nhưng quy định không cho phép học sinh đem điện thoại vào phòng thi nên giáo viên buộc phải đình chỉ thi đối với những trường hợp học sinh có giấu điện thoại trong túi quần dù không sử dụng. Rõ ràng, việc đem điện thoại vào lớp ảnh hưởng rất nhiều đến kết quả học tập của các bạn”.

Ảnh
Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP. Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Công Minh: "Hiện Sở chưa cấm nhưng các em cần hạn chế". Ảnh: eCHIP M.

Dùng điện thoại để… khoe là chính?

Cùng quan điểm với thầy Cường, thầy Hoàng - giáo viên Trường Dân lập Huỳnh Thúc Kháng, Quận 3 - cho rằng, việc cho phép học sinh sử dụng điện thoại di động là không cần thiết, bởi chỉ khoảng 10% học sinh là sử dụng điện thoại đúng mục đích, còn lại vẫn chủ yếu để… khoe và giải trí, gây ảnh hưởng rất lớn đến học tập.

Bày tỏ quan điểm của mình, bác Trần Mạnh Hùng - một phụ huynh có con học ở Trường Phổ thông Dân lập Nguyễn Siêu, Hà Nội - cho biết: “Chiếc điện thoại sẽ có lợi khi được sử dụng đúng mục đích vì mong muốn của cha mẹ là quản lý được con cái. Với những học sinh cấp hai, một chiếc điện thoại không quá đắt là phù hợp. Nhưng với những học sinh cấp ba thì có thể cho phép sử dụng một chiếc điện thoại đắt tiền một chút bởi lúc đó chiếc điện thoại là một vật làm nên bộ mặt của gia đình”.

Nhìn chung, việc sử dụng điện thoại di động trong trường học cũng như “con dao hai lưỡi” đối với cả học sinh lẫn các bậc phụ huynh. Điện thoại di động là một phương tiện cần thiết để phụ huynh có thể liên lạc và quản lý con em của mình.

Tuy nhiên, có rất nhiều phụ huynh vẫn thường chiều chuộng mà mua cho con mình những chiếc điện thoại đắt tiền với nhiều chức năng không cần thiết, điều này vô tình hình thành thói học đòi theo bạn bè bởi tâm lý ở lứa tuổi dậy thì thường không ổn định và dễ bị kích động.

Không hiếm trường hợp học sinh ăn cắp điện thoại của bạn trong lớp để sử dụng mà không ý thức được hậu quả của việc này nếu buộc phải giải quyết ngoài quy định của nhà trường. Đó là chưa kể việc có điện thoại, học sinh thường chia sẻ với nhau các loại phim, ảnh, nhạc mà trong lứa tuổi các em vẫn chưa phân biệt được tốt - xấu. Bản tình tò mò, thích tìm hiểu cái mới ở lứa tuổi này có thể sẽ là mầm mống để các nội dung không lành mạnh được lan truyền qua điện thoại.

Có lẽ các bậc cha mẹ cũng nên cân nhắc hơn khi quyết định mua điện thoại cho con của mình.

(Theo Công Danh - Quang Tiến/eCHIP M)



Bình luận

  • TTCN (2)
Nemo Nguyen  21665

VN mình hay có thói quen "quy định được làm gì", rồi cứ phải suy nghĩ 1 đống tính huống để cân nhắc quy định đó...

Sao không đơn giản là trong giờ học mà dùng điện thoại là bị kỷ luật (tịch thu 1 tuần, mời phụ huynh, hạ hạnh kiểm...), còn ngoài ra là quyền tự do của học sinh. Như vậy ko ảnh hưởng bạn bè, thầy cô trong giờ học và đẢm bảo nhu cầu liên lạc của học sinh, phụ huynh.

ATK  1019

Smile "Tịch thu 1 tuần" là phạm pháp đó, bác Nemo xúi bậy Smile Như vậy là chiếm đoạt tài sản đó, mà nhà trường ko phải là cơ quan chức năng có thẩm quyền đó.
Hầu hết học sinh dùng điện thoại đều sai mục đích và chưa thực sự cần thiết, có chiếc điện thoại dùng để liên lạc với gia đình, người thân thì tất nhiên rất là tốt, nhưng đáng tiếc số đó rất ít, đa phần là dùng vào mục đích xấu, và để "khoe".

Hồi trước có đọc đâu đó câu chuyện thế này: mấy đứa bạn chơi với nhau thân, lúc chưa có điện thoại thì vào quán cafe thì nói chuyện vui vẻ, rôm rã lắm, lúc 1-2 đứa trong nhóm có dt, số khác chưa thì vào quán cafe mấy đứa có dt cứ mải mê tik tik SMS với cái dt, chẳng còn nói chuyện như trước, mấy đứa chưa có dt cảm thấy "...." rồi tình bạn cũng nhạt dần.
và điều này rất dễ xảy ra ở lứa tuổi học sinh, ko phải HS nào cũng có điều kiện để có điện thoại, rồi số đó sẽ cảm thấy tự ti và rõ ràng trong lớp học vô tình tạo nên sự phân "giai cấp". Điều đó lứa tuổi HS ko nên có. Bởi thế mà tại sao các trường đều có trang phục học sinh? Ngoài là để đẹp ra nó còn có ý nghĩa là khi đến trường các em đều như nhau, xóa đi cái ý nghĩ tự ti phân biệt giàu-nghèo qua trang phục trong các em HS. Nhưng giờ thì có dt nhảy vào, có dấu hiệu phân biệt xuất hiện.Bạn bè cùng lớp mà có ý nghĩ như vậy sao chơi chung được, đôi lúc mãi lo nghĩ như vậy mà chẳng lo học Smile
Chiếc dt chỉ làm xao lãng việc học tập mà thôi

Trong giờ học(kể cả HS or SV) mà nghe điện thoại hay là để chuông reo là hành động thiếu ý thức. Vi phạm lần đầu nhắc nhở, lần 2 đuổi ra khỏi lớp thẳng cẳng, gọi phụ huynh lên làm việc. lỗi cũng do phụ huynh nữa.
Mình thấy có 1 số ông thầy dạy mình Bonsevich vãi, vào đầu tiết học việc đầu tiên ông tự rút dt của ông ra, tắt máy. SV làm gì cũng bỏ để check tắt chuông chưa, trong giờ học mà nghe tiếng chuông nào là y như đi lên xin giấy trưởng khoa thì mới cho học tiếp, nếu ko thì sang năm học lại. Smile
Còn lại nói chung cũng dễ chỉ là ý thức người dùng thôi.
Xử lí mấy chú gà choai học đòi này thì thiếu gì cách