Sự xuất hiện của hàng loạt những doanh nghiệp tại WITFOR 2009 đã khiến không ít đại biểu quốc tế ngạc nhiên về tốc độ phát triển của CNTT Việt Nam. - Ảnh: ICTNews.

Nhiều đại biểu quốc tế tại WITFOR 2009 cho rằng sự phát triển của CNTT Việt Nam là “đáng kinh ngạc” và là một mẫu hình phát triển mà họ cần học hỏi.

Ông Houlin Zhao, Phó Tổng thư ký Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) trong bài phát biểu lễ khai mạc Diễn đàn CNTT Thế giới (WITFOR 2009) lần thứ tư hay bên lề Diễn đàn này thường xuyên nhắc đến CNTT-TT Việt Nam như “một sự phát triển đáng kinh ngạc”.

Từ ngày 26 - 28-8-2009, Diễn đàn CNTT Thế giới 2009 (WITFOR 2009) đã diễn ra tại Hà Nội với chủ đề “CNTT-TT vì sự phát triển bền vững”. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng là Chủ tịch danh dự Diễn đàn đã đến dự và phát biểu khai mạc sáng ngày 26/8.

WITFOR là sự kiện được tổ chức theo sáng kiến của Liên hiệp quốc tế về Khoa học CNTT-TT (IFIP) với mục tiêu tăng cường hợp tác, hỗ trợ các nước đang phát triển, thúc đẩy ứng dụng CNTT trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Diễn đàn năm nay diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế đang diễn ra là cơ hội để “thảo luận một cách toàn diện và sâu sắc về các chính sách, kinh nghiệm, cơ hội hợp tác phát triển, ứng dụng CNTT trong việc giải quyết các thách thức đối với sự phát triển bền vững, trong đó có phát triển nông nghiệp và nông thôn, cơ sở hạ tầng truyền thông, giáo dục, y tế, chính phủ điện tử, đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu, dịch bệnh, đói nghèo…”, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu.

Tốc độ phát triển CNTT - TT Việt Nam “gần như là số 1” trong khu vực

Đến Việt Nam trong vòng vài ngày, Phó Tổng thư ký ITU, ông Houlin Zhao đã có dịp đến thăm một số doanh nghiệp CNTT-TT của Việt Nam như VTC, Viettel. Cảm nghĩ ban đầu của ông là nguồn nhân lực ở đây trẻ, năng động như VTC và phát triển nhanh chóng, khát vọng xây dựng thương hiệu toàn cầu như Viettel. 

Theo ông Zhao, hiện Việt Nam ở phía trước Indonesia và đang rút ngắn khoảng cách với Philippines về phát triển CNTT. Tại lễ khai mạc WITFOR 2009, ông Zhao nói 5 năm trước đây, Việt Nam thua xa các nước trong khu vực về phát triển CNTT nhưng nay Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách và trong một số lĩnh vực như truy cập Internet và sử dụng CNTT, Việt Nam thậm chí còn vượt cả Phillippines. “Sự phát triển CNTT-TT (gồm ĐTDĐ, cố định và Internet, băng rộng) ở Việt Nam đã vượt qua nhiều nước châu Á khác”, ông Zhao nhận xét.

Theo số liệu chính thức cung cấp tại Diễn đàn WITFOR 2009, năm 2008, doanh thu ngành CNTT-TT Việt Nam đạt trên 10 tỷ USD, tỷ lệ sử dụng Internet đạt khoảng 25% và phổ cập điện thoại ở mức độ cao. Người dân ở các vùng nông thôn có thể dễ dàng truy cập Internet và các dịch vụ viễn thông khác với giá cả phải chăng.

Trả lời hãng tin AFP, ông Zhao nói Việt Nam “gần như là số 1 trong khu vực” về tốc độ phát triển CNTT nhưng Thái Lan, Malaysia vẫn còn ở phía trước trong khi Indonesia đã tụt lại sau, thậm chí “Việt Nam còn phát triển hơn nhiều”.

Đa số các đại biểu tham dự WITFOR 2009 đến Việt Nam lần đầu tiên. Nhiều đại biểu được hỏi cho biết một trong những mối quan tâm hàng đầu của họ tại WITFOR 2009 là thiết lập mạng lưới (networking – một hoạt động bên lề của WITFOR). Nhưng được chứng kiến các doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam (tham quan Triển lãm quốc tế về CNTT-TT), nghe các bài thuyết trình về chính sách và sự phát triển CNTT-TT Việt Nam, họ có thêm ưu tiên nữa là tìm hiểu kinh nghiệm của Việt Nam về phát triển CNTT-TT.

Việt Nam sẽ là nước mạnh về CNTT-TT

Tại lễ khai mạc WITFOR 2009, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết Chính phủ Việt Nam đang xây dựng Chiến lược tăng tốc để sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT. Nội dung chiến lược tập trung vào việc hoàn thiện môi trường pháp lý, hiện đại hóa cơ sở hạ tầng thông tin, phát triển công nghiệp CNTT, đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT trong các ngành kinh tế-xã hội, đặc biệt chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực CNTT đông đảo và có chất lượng cao.

Hiện nay, CNTT-TT được ứng dụng rộng rãi trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống xã hội Việt Nam. Theo ông Frank Donovan, Giám đốc Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tại Việt Nam, có 4 thành tố chính trong chính sách CNTT-TT Việt Nam đã và đang được thực hiện tốt nhằm mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội. Đó là giá cả dịch vụ, thiết bị rẻ; truy cập dễ dàng; nội dung phong phú và cuối cùng là con người. 

Trong những năm gần đây, ông Donovan quan sát Chính phủ Việt Nam đã có những động thái khuyến khích cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông – yếu tố quyết định giúp giảm giá cả dịch vụ. Thực tế, xu hướng giá viễn thông, Internet tại Việt Nam liên tục giảm, ngày càng tạo điều kiện truy cập cho mọi người dân.

Về nội dung, các cơ quan công quyền đã quen với cập nhật thông tin chính sách, chủ trương trên website của mình. Và động thái mạnh mẽ gần đây nhất của Chính phủ là buộc tất cả các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương công bố bộ thủ tục hành chính trên mạng để người dân dễ dàng truy cập. Tiến tới, các cơ quan công quyền sẽ cung cấp dịch vụ công trên mạng. Như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nói, “CNTT giúp chính phủ nâng cao năng lực quản lý điều hành, người dân dễ dàng tiếp cận với thông tin và tri thức, doanh nghiệp giảm chi phí và nâng cao hiệu quả hoạt động”.

Về yếu tố con người, lãnh đạo các tổ chức, phái đoàn quốc tế công nhận Việt Nam có một lợi thế đáng kể là nguồn nhân lực trẻ, dồi dào, thông minh. Ông Houlin Zhao nói thế hệ trẻ hôm nay chính là tương lai của ngành CNTT Việt Nam – một ngành chắc chắn là động lực phát triển của Việt Nam về lâu dài.

CNTT là tốt nhưng những mối đe dọa của CNTT là có thật

WITFOR 2009 diễn ra từ 26-28/8 với lịch trình nghị sự dày đặc (gồm 7 phiên họp toàn thể và 32 phiên họp song song của 8 Ủy ban chuyên môn), thảo luận về các vấn đề chiến lược, chính sách vĩ mô liên quan tới vai trò của nhà nước, doanh nghiệp và xã hội trong thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT; xu hướng công nghệ tương lai; chính phủ điện tử; hạ tầng viễn thông, thương mại điện tử...

Chia sẻ kinh nghiệm của mình, các đại biểu đến từ Việt Nam, Bangladesh, El Salvador, Ethiopia… cho biết dù ở mức độ phát triển khác nhau, CNTT-TT đã trở thành một thành phần thiết yếu của cuộc sống, từ trong giáo dục đào tạo, cung cấp dịch vụ y tế cho đến các hoạt động điều hành của chính phủ, thỏa mãn nhu cầu thông tin của người dân. Tuy nhiên, đi cùng với đó là những mối đe dọa có thật.

Ông Alexander Ntoko, Trưởng phòng chiến lược doanh nghiệp, Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU) nói bên cạnh mặt tích cực, ứng dụng CNTT, đặc biệt là Internet đặt ra những mối đe dọa không chỉ đối với riêng ai, riêng quốc gia nào mà là thách thức mang tính toàn cầu. Đó là tình trạng lạm dụng trẻ em trên mạng, sử dụng CNTT để phạm tội như đánh cắp thông tin riêng tư, tài khoản ngân hàng, phát tán thư rác…

“Đây là những vấn đề cần sự phối hợp giữa các doanh nghiệp, các tổ chức và cơ quan chính phủ để giải quyết”, ông Ntoko nói. “Tuy nhiên, cũng không thể có một chính sách toàn cầu cho những vấn đề này bởi hoàn cảnh mỗi quốc gia về kinh tế, văn hóa, xã hội… là khác nhau”. 

CNTT-TT là công cụ quan trọng hàng đầu và là ngành kinh tế mũi nhọn của quốc gia

Phát biểu khai mạc Diễn đàn WITFOR 2009, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh: “Việt Nam coi CNTT-TT là một công cụ quan trọng hàng đầu và là ngành kinh tế mũi nhọn để thực hiện các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, xây dựng xã hội thông tin, rút ngắn quá trình CNH, HĐH đất nước. Trong nhiều năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế chính sách và tập trung nguồn lực để phát triển CNTT – TT”.

Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT, bên cạnh vai trò của Nhà nước trong việc tạo ra môi trường thuận lợi cho việc ứng dụng và phát triển CNTT, cần có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nhà quản lý, các nhà khoa học và các doanh nghiệp CNTT. Đây cũng là trách nhiệm chung của mỗi tổ chức, mỗi công dân trong mỗi quốc gia, đồng thời cũng đòi hỏi sự liên kết, hợp tác giữa các quốc gia, khu vực và trên quy mô toàn cầu.

Với quyết tâm của Nhà nước, sự nỗ lực của người dân, doanh nghiệp, sự hợp tác quốc tế có hiệu quả, Thủ tướng bày tỏ tin tưởng rằng CNTT sẽ góp phần tích cực vào sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia, sự phồn vinh và thịnh vượng chung của khu vực và trên thế giới.

Thủ tướng khẳng định: “Việt Nam sẽ làm hết sức mình, thực hiện đầy đủ các cam kết quốc tế đẩy mạnh hợp tác với các nước về CNTT. Tại Diễn đàn này, chúng tôi muốn chuyển đến thông điệp là Việt Nam mong muốn là thành viên tích cực của cộng đồng CNTT thế giới vì hoà bình, hợp tác và phát triển bền vững; Chính phủ Việt Nam sẽ dành sự quan tâm đặc biệt cho các tập đoàn CNTT đa quốc gia, xây dựng, triển khai và khuyến khích việc ứng dụng CNTT trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội và tạo ra một thị trường CNTT năng động; doanh nghiệp CNTT Việt Nam là những đối tác tin cậy, mong muốn hợp tác với nước ngoài trong các dự án kinh doanh, ứng dụng CNTT của mình”.

( Theo Tuổi trẻ online)



Bình luận

  • TTCN (0)