Trong thời đại bùng nổ thông tin cần có Luật và quy chế chung để giám sát. Ảnh B.t

Nhiều điểm trong dự thảo luật còn mâu thuẫn, trùng nhau, chung chung, khó khả thi... Đó là những ý kiến đánh giá của các đại biểu tham dự hội nghị lấy ý kiến đóng góp vào dự thảo Luật Viễn Thông do đoàn đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội tổ chức.

“Viễn thông công ích”, khó khả thi

Dự thảo Luật Viễn Thông có 10 chương 63 điều. Khoản 3, Điều 22 dự thảo luật quy định: “nguồn tài chính của Quỹ Viễn thông Công ích (VTCI) được hình thành chính từ khoản đóng góp theo tỷ lệ doanh thu dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông, khoản viện trợ, tài trợ đóng góp tự nguyện của các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước”. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng việc tổ chức, hoạt động của quỹ dịch vụ này là không khả thi. Ông Trần Mạnh Hùng – Giám đốc Viễn thông Hà Nội cho rằng: cần giới hạn hoạt động này, cần bóc tách giữa công ích và kinh doanh.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Tiến Mão, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ cũng cho rằng: thông tin và quy định được đưa ra trong dự thảo luật là chưa đúng và chưa đủ.  Ông đặt ra câu hỏi: “có vận động được các doanh nghiệp viễn thông tham gia lợi ích tập thể hay không? Trong khi không có cơ chế vận động cụ thể?”

“Doanh nghiệp khi tham gia viễn thông công cộng có quyền lợi và nghĩa vụ gì? Nếu không có quyền lợi thì không khác gì hoạt động bất khả kháng” Đại diện Đoàn Luật sư Hà Nội góp ý.

Phức tạp sử dụng chung cơ sở hạ tầng

Tại điều 45 chia sẻ cơ sở hạ tầng viễn thông viết: “việc sử dụng chung một phần mạng, công trình, thiết bị viễn thông giữa các doanh nghiệp nhằm đảm bảo hiệu quả đồng thời đảm bảo lợi ích thương mại giữa các Doanh nghiệp Viễn thông (DNVT)”. Tuy nhiên trên thực tế, việc sử dụng chung trong cơ sở hạ tầng rất khác với luật quy định. Luật sư Nguyễn Văn Chiến – Phó chủ nhiệm đoàn luật sư Hà Nội cho rằng: “rất không khả thi trong việc phát triển cơ sở hạ tầng viễn thông”. Ông Nguyễn Tiến Mão, đại diện Sở Khoa học và Công nghệ nói thêm: “Sử dụng chung cơ sở hạ tầng rất phức tạp, cần có nghị định chung của chính phủ do nếu mắc nhờ của điện lực thì phí phải chịu cao 7- 8 lần so với thực tế”.

Đại biểu Trần Mạnh Hùng góp ý: “chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng trong Luật chưa có điều khoản cụ thể, chưa nêu việc khuyến khích và ưu tiên các doanh nghiệp chia sẻ”. Nhất trí với việc chia sẻ cơ sở hạ tầng nhưng cũng phải có chế tài cụ thể nếu doanh nghiệp nào vi phạm. Đại diện Sở  tư pháp lưu ý điều luật quy định về quy hoạch cơ sở hạ tầng viễn thông còn chung chung, cần chú ý xác định bao nhiêu đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông là đủ. Trong dự thảo luật cần bổ sung việc xây dựng công trình ngầm cho cả khu đô thị cũ, thay vì chỉ có khu đô thị mới như trước.

Nhiều đại biểu cho rằng: Dự thảo luật còn có nhiều điểm mâu thuẫn và trùng nhau, chưa có tính cụ thể, chỉ mang tính hình thức, áp đặt. Khi nói về việc phủ sóng dịch vụ viễn thông, không được dùng chữ “vùng” mà phải thay bằng “địa bàn” thì mới chính xác. Rồi xác định đâu là vùng khó khăn, đâu là vùng ít khó khăn. Hay một số điều trong dự thảo luật chưa thống nhất được giữa quyền lợi của người cung cấp và người sử dụng. Luật Viễn thông phải thống nhất với Luật Tần số vô tuyến điện, tránh sự chồng chéo. Một đại biểu khẳng định: “Luật Viễn thông nhìn qua thì chuẩn, soi kỹ thì còn sạn”.

Theo Đại Đoàn Kết.




Bình luận

  • TTCN (0)