Thứ trưởng Lê Nam Thắng tiếp nhận và trả lời câu hỏi của độc giả. Ảnh: VTC News.

Theo Thứ trưởng TT&TT Lê Nam Thắng tại buổi đối thoại trực tiếp trên truyền hình sáng nay, 3G không hẳn là “mác” đóng cho nhà giàu và có lúc sẽ khó phân biệt 2G hay 3G.

Sáng nay, Thứ trưởng Thường trực Bộ TT&TT Lê Nam Thắng là khách mời của chương trình truyền hình trực tiếp Đối thoại Nhân vật và Sự kiện Thông tin truyền thông. Chủ đề của chương trình là Công nghệ 3G và triển vọng tại Việt Nam.

Trả lời băn khoăn của độc giả về giá cước dịch vụ 3G cũng như lo ngại bị nhà mạng “có mới nới cũ”, phân biệt đối xử như hiện đang diễn ra giữa thuê bao trả trước và thuê bao trả sau, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói nền tảng công nghệ di động băng rộng tốc độ cao (3G) cho phép người dân truy cập Internet dễ dàng hơn và chi phí rẻ hơn. Ông nhấn mạnh, đối với các doanh nghiệp, “khách hàng là người trả lương” cho họ do vậy, chắc chắn doanh nghiệp phải quan tâm đến nhu cầu, nguyện vọng của người sử dụng.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng cũng không đồng tình với quan điểm dịch vụ 3G chỉ là thứ trang trí cho người có tiền. Theo ông, triển khai 3G trước hết đáp ứng nhu cầu của xã hội, cũng giống như mối quan hệ giữa xây dựng hạ tầng giao thông và mua xe ô tô: khi đường tốt, người dân mới mua ô tô và việc người dân mua ô tô nhiều sẽ thúc đẩy quá trình cải thiện hạ tầng giao thông. “Thế nên vấn đề là triển khai 3G ở đâu, vào thời điểm nào, dùng cho ai. Đó mới là vấn đề quan trọng”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.

Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, trước mắt 3G sẽ triển khai ở vùng nào mang lại hiệu quả kinh doanh, chủ yếu ở thành phố. Tuy nhiên, các thuê bao 2G không phải lo ngại do không có điện thoại di động 3G bởi sự phát triển 3G là sự tiếp nối trên nền tảng của 2G, nhiều thành tố của 2G được sử dụng lại.

“Đây là sự phát triển tiếp theo chứ 3G không phải là kẻ hủy diệt 2G. Hai mạng này cùng tồn tại song song và roaming với nhau, có lúc sẽ khó phân biệt đâu là 2G hay 3G, mà chỉ có thể gọi chung là mạng di động”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.

Theo ICTnews.




Bình luận

  • TTCN (0)