iPhone dựng bị chói sáng hơn iPhone thật

Đó là những chiếc iPhone giống thật đến 99%. Nếu chưa tiếp xúc với iPhone thật và thậm chí là người am hiểu công nghệ nếu không cẩn thận cũng có thể mua nhầm.

Chiếc iPhone này được anh Mai Phú Phong ở công ty cổ phần Nhất Phong (PhonGee) cung cấp cho anh Trần Mạnh Hiệp quản trị diễn đàn tinhte.com nhằm cảnh báo cho người dùng tại Việt Nam.

Anh Phong cho biết chiếc điện thoại được người ta chào hàng tại công ty mình, tuy nhiên anh không lấy, đồng thời đã tìm cách mượn được 1 máy để thông báo tới mọi người. Anh Phong cũng thông báo thêm là hiện nay trên thị trường đã xuất hiện lô hàng này với số lượng 180 máy và người ta còn nói sẽ về thêm 600 "con" nữa. Những chiếc iPhone trên đều được xách tay về từ Mỹ và giá không chênh lệch nhiều so với hàng thật.

Ảnh
Series máy khi nhập vào kiểm tra được báo không đúng

Sau khi đã test chiếc máy ngay cả anh Hiệp cũng bất ngờ về độ giống thật của chiếc máy: “Chẳng có hình ảnh nào kèm theo để diễn tả nội dung bên trong của chiếc iPhone dựng này cả vì đơn giản là nó giống thật 100%. Bạn có thể vào Appstore để mua phần mềm, có thể vào cydia... bạn có thể chỉnh sửa, nâng cấp tất cả mọi thứ. Điều này cho thấy rõ ràng phần cứng trong máy là của Apple. Tuy nhiên khi mang số serial trên máy đánh vào trang hỗ trợ của Apple thì báo là số serial này không đúng (chiếc máy chúng tôi thử có số Serial là 868790G4Y7K).

Bạn có thể check tại đây. Phần quốc gia chọn là Mỹ.

Ảnh
Chữ mặt sau iPhone dựng mờ hơn so với hàng thật

Một điều nữa là lúc mới khui hộp thì chỉ cần bỏ sim vào là dùng được (giống như những chiếc thuộc phiên bản quốc tế - World version), nhưng khi restore lại bản firmware gốc 3.0 thì máy đã bị lock và phải dùng Cydia để unlock lại”.

Khác với những hàng nhái từ Trung Quốc khi dung lượng của chiếc iPhone giả không khi nào đúng với số đã ghi trên máy, chẳng hạn iPhone 3G của Trung Quốc có dung lượng ghi trên máy 8GB thường có dung lượng thực tế khoảng 4GB – 5GB. Chiếc điện thoại này có dung lượng đúng bằng dung lượng ghi trên máy.

Ảnh
Viền Crôm iPhone dựng không liền mạch

Bên cạnh chi tiết về series thì có một vài điểm khác nữa để người dùng có thể phân biệt chiếc iPhone dựng này là: khi để vào ánh sáng chiếu vào thì màn hình iPhone dựng bị phản sáng nhiều hơn so với iPhone thật. Chất lượng hiển thị của màn hình cũng kém hơn so với hàng thật, viền Crôm dựng không liên tục và biến dạng 4 góc, mặt sau của iPhone dựng chữ in mờ hơn.

Có thể nói việc xuất hiện chiếc iPhone “dựng” này cho thấy việc làm giả điện thoại di động hiện nay trên thị trường là rất tinh vi. Và đây không phải là trường hợp duy nhất, mới đây dân công nghệ cũng đã ầm ĩ lên khi xuất hiện N97 giả có cả thẻ bảo hành của Nokia.

“Dựng” : là từ được giới công nghệ dùng chỉ những chiếc BlackBerry thế hệ cũ được làm mới khá phổ biến trên thị trường hiện nay.

Theo ICTnews (Tinhte.com)



Bình luận

  • TTCN (0)