Một dịch vụ 3G được giới thiệu tại lễ ra mắt. Ảnh: M.V.

Bữa tiệc 3G đang chào sân bằng những món khai vị. Nhà nhà triển khai 3G, người người háo hức dùng 3G. Tuy nhiên, có vẻ như sự kỳ vọng của người sử dụng đối với nền tảng này quá lớn và dịch vụ của nhà mạng cũng chưa thực sự sắc nét.

3G - "hiện 2 giây, ẩn 1 giờ"

Ngay trong những ngày đầu tiên sau 3G của VinaPhone ra mắt, nhiều phóng viên CNTT đã háo hức đi một vòng quanh Hà Nội để dùng thử 3G, tuy nhiên, đi từ trung tâm Bờ Hồ đến trụ sở của tòa nhà VinaPhone mà những người dùng nhiệt tình này vẫn không thể kết nối được với 3G.

Tại một số diễn đàn CNTT như Tinhte, handheld đã có rất nhiều chủ đề phản ánh của người dùng về chất lượng mạng 3G. Hầu hết các ý kiến đều xoay quanh việc các nhà mạng có vẻ đã hơi nóng vội khi đưa ra dịch vụ. Phần lớn các ý kiến chỉ trích đều hướng về Vinaphone khi nhà mạng này đưa ra dịch vụ đầu tiên mà không qua giai đoạn thử nghiệm.

Các tình trạng chính có thể thấy là người dùng không thể bắt sóng để vào mạng 3G mặc dù trong vùng phủ sóng, chất lượng đường truyền quá tệ, tính cước không chuẩn và sự hỗ trợ của tổng đài chưa chính xác.

Thậm chí, sau gần 1 tuần thử nghiệm, thành viên Daihailinh của diễn đàn Tinhte ở tại T.P Hồ Chí Minh còn rút ra được một nhật ký 3G như sau:

- "Ngày 14/10 hí hửng mượn sim vina của bà xã nhắn tin đăng ký M25, tổng đài hồi âm ngay: thành công. Mừng lắm!

- Ngày 15/10 khấp khởi hành quân từ quận 2, qua cầu Phú Mỹ sang quận 7, vòng sang quận 4, quận 3, chỉ thấy chữ 3G hiện lên đúng 2 lần theo qui luật ẩn hiện: hiện 2 giấy, ẩn 1 giờ...Tiếp tục chuyến du hành từ đường CMT8 - Điện Biên Phủ về cầu Sài Gòn không có tí 3G nào. Đáp lại niềm háo hức của "thí chủ" chỉ là màn trình diễn nhảy hip- hop của chữ E, chữ G và ... không chữ gì cả ở góc trái màn hình.

- Ngày 16/10. Chán, trả sim".

Thực tế cho thấy, chất lượng nhà mạng đưa ra chưa đạt đúng như thỏa thuận về độ phủ cũng như tốc độ. Và vì thế, bài toán dịch vụ 3G ắt hẳn sẽ còn nhiều cái để bàn.

Thiết bị đầu cuối đắt đỏ

Bên cạnh đó, thị trường thiết bị đầu cuối cũng khá ảm đạm. Người dùng hầu hết chỉ quan tâm tới các tính năng cơ bản và thêm thắt ở các chức năng như nghe nhạc, nghe FM. Việc tích hợp thêm 3G vào một thiết bị đầu cuối sẽ làm tăng giá thành sản xuất và điều đó phần nào ảnh hưởng tới tâm lý tiêu dùng của người Việt Nam.

Từ đầu năm tới nay, có khoảng 60 mẫu điện thoại 3G đã được phân phối tại thị trường trong nước với đủ các thương hiệu. Giá thành dao động từ 2,5 triệu tới 1500 USD chưa phải là một mức giá phù hợp với GDP của Việt Nam. Theo các báo cáo của các tổ chức nghiên cứu thị trường, dòng máy điện thoại dưới 2 triệu vẫn chiếm đa số và đây cũng là một trong những rào cản của các nhà mạng khi "tiến quân" vào dịch vụ 3G.

Người dùng 3G hiện nay đa phần sử dụng trên thiết bị sẵn có, và tập trung mua các dòng máy trung cấp để dùng thêm SIM coi như là thử nghiệm dịch vụ. Cá biệt, người tiêu dùng đang có xu hướng mua lại các sản phẩm cũ hoặc lỗi thời, giá xấp xỉ 1 triệu đồng, như O2 Ice, BlackBerry 8707g để sử dụng dịch vụ này.

Sức hấp dẫn của thực sự của những món ăn trên bàn tiệc?

Với băng thông rộng trên nền không dây, 3G quả thực là một công nghệ lý tưởng cho các dịch vụ giải trí cũng như các ứng dụng CNTT trên nền tảng này. Trước một viễn cảnh nền viễn thông non trẻ, các nhà mạng buộc phải chọn cho mình những hướng đi riêng với những dịch vụ đặc trưng và đem lại nhiều tiện ích cho người dùng.

Các nhóm dịch vụ chính, đặc trưng nhất của 3G sẽ được triển khai là TV/Video/Music on Demand, thoại có hình, và Internet băng rộng di động. Nhìn chung, đây là những dịch vụ cơ bản và đã thu được những thành công nhất định về mặt doanh thu khi triển khai ở các mạng viễn thông trên thế giới. Dịch vụ Video/Music/TV on Demand hứa hẹn sẽ cung cấp tới người dùng các nội dung giải trí trên truyền hình và videoclip, music chất lượng trong và ngoài nước.

Trong suốt thời gian vừa qua, các nhà mạng đã ráo riết thực hiện việc ký kết bản quyền và các hợp đồng chia sẻ doanh thu với các hiệp hội, nhạc sỹ, ca sỹ trong nước để thực hiện việc bán nhạc qua di động. Thoại có hình cũng là dịch vụ đáng được quan tâm và kỳ vọng bởi tính công nghệ cao mà nó đem lại. Người dùng có thể nhìn thấy nhau khi đang trò chuyện dù ở bất kỳ nơi đâu, giống như sử dụng dịch vụ Y!M cùng Webcam.

Tuy nhiên, để thực hiện dịch vụ  này, máy đầu cuối phải tích hợp một camera phụ ở phía trước màn hình để có thể thu, phát và gửi tín hiệu hình ảnh cho đầu dây bên kia. Kết quả thử nghiệm cho thấy, trong thời điểm hiện tại, chất lượng của dịch vụ này là khá yếu. Khung hình thấp, độ trễ cao khiến cho người sử dụng từng kỳ vọng vào một cuộc cách mạng của điện thoại trở thành một nỗi ám ảnh mang tên 3G khi mà "tiếng đi, hình ở lại", mãi một trạng thái trên màn hình.

Dịch vụ Internet băng rộng theo các nhà mạng đưa ra sẽ đạt tốc độ gấp 8 lần nền tảng GPRS cũ. Nhưng trên thực tế, đa số người dùng đều phản hồi rằng tốc độ thực của dịch vụ này mới chỉ đạt được gấp 2 hoặc tương đương GPRS.

Sự hiện diện của 3G trong thời gian này có thể coi là một nỗ lực đáng trân trọng của các nhà mạng khi đã xúc tiến đưa dịch vụ này vào Việt Nam nhanh nhất có thể. Các mạng viễn thông có quyền được lựa chọn cho mình những khu vực tiềm năng nhằm thu được kết quả thăm dò, phục vụ mục đích triển khai trong diện rộng trong nay mai. Nhưng đứng ở góc độ người tiêu dùng, họ cần được trải nghiệm nhiều hơn nữa thay vì chưa được thử đã bị mất tiền như tình trạng của các thuê bao Vinaphone hiện nay.

Rõ ràng, 3G là một "bữa tiệc ngon" nhưng nó sẽ chỉ hướng tới những đối tượng thuộc phân khúc trung và cao cấp. Giá cước và nhu cầu của người sử dụng sẽ quyết định thành công của dịch vụ này. Trong một tương lai gần, điều mà các nhà mạng cần làm là ổn định chất lượng bởi dù 3G hay 2G thì người dùng quan tâm vẫn chỉ những tiện nghi mà nền tảng này đem lại.

Theo VietnamNet



Bình luận

  • TTCN (0)