Việc cấp phát tần số, kho số không theo cơ chế đầu giá được cho là nguyên nhân của tình trạng thuê bao ảo. Ảnh Thanh Hải.

Một đại biểu Quốc hội TP.HCM đề nghị nhà nước tiến hành đấu giá tần số, kho số để tiết kiệm tài nguyên quốc gia và chống thuê bao ảo.

“Tôi cho rằng đã đến lúc đưa tần số, kho số vào diện tài nguyên quốc gia để bán đấu giá, hoặc đánh thuế cao để đóng góp cho ngân sách quốc gia" -  ông Nguyễn Việt Dũng, Đại biểu Quốc hội TP.HCM, Giám đốc Bưu điện TP HCM đã đề nghị như vậy tại phiên thảo luận tổ về Dự án Luật Thuế Tài nguyên sáng 21/10.

Ông Dũng cho rằng, thị trường viễn thông đang phát triển với tốc độ nóng. Thuê bao di động phát triển ồ ạt, nhưng trong số này có tới một nửa bị xếp vào diện ảo, không phát sinh cước và do không tốn nhiều chi phí nên các doanh nghiệp thi nhau xin cấp đầu số để phát triển thuê bao.

Trong khi đó, Đại biểu Trần Du Lịch nhận định, thị trường viễn thông Viêt Nam phát triển nóng, nhưng chưa hội tụ các yếu tố bền vững, thuê bao điện thoại phát triển nhưng không thực chất. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này là do việc cấp phát kho số chưa được chặt chẽ. "Băng tần, kho số cần đưa vào cơ chế đấu thầu để bán đấu giá", ông Lịch nói. Tuy nhiên, ông Trần Du Lịch cho rằng các quy định về băng tần, kho số cần được bổ sung vào Luật Viễn thông và Luật Tần số vô tuyến điện thay vì đưa vào dự án Luật thuế tài nguyên.

Theo thống kê của Bộ TT&TT cả nước hiện có 113,5 triệu thuê bao điện thoại di động và cố định, đạt mật độ 132,5 máy trên 100 dân, trong đó, di động chiếm 86,95% với gần 100 triệu thuê bao. Thế nhưng, các mạng di động chỉ thừa nhận Việt Nam đang có khoảng 50 triệu thuê bao đang hoạt động. Hiện Bộ TT&TT đã cấp ra khoảng 150 triệu số, trong đó Viettel là mạng di động đã được cấp nhiều đầu số nhất, kết đến là MobiFone và VinaPhone.

Theo ICTnews.



Bình luận

  • TTCN (0)